Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khó khăn, tai ương, gian nan của đại dịch COVID-19 sẽ rèn luyện tinh thần cho các doanh nhân vượt qua trở ngại, tiến lên phía trước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khó khăn, tai ương, gian nan của đại dịch COVID-19 sẽ rèn luyện tinh thần cho các doanh nhân vượt qua trở ngại, tiến lên phía trước.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thử thách chỉ là chất xúc tác của sáng tạo - Ảnh: TỰ TRUNG |
Trích dẫn câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khó khăn, tai ương, gian nan rèn luyện tinh thần cho các doanh nhân vượt qua trở ngại. Và tinh thần ấy phải càng được rèn luyện, học tập nhiều hơn nữa trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM tại buổi làm việc với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ngày 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn những con số để cho thấy mức độ tàn phá của đại dịch lên an sinh, nền kinh tế của TP.HCM.
Trên 100.000 doanh nghiệp sản xuất phải dừng hoạt động, biến mất khỏi thị trường. Riêng TP.HCM đã có trên 15.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Chưa bao giờ phát triển kinh tế TP bị âm nặng như vậy, từ hoạt động sản xuất, thu ngân sách, việc làm đều rất khó khăn.
"Tổn thất về tài sản, con người là rất lớn. Hiểu được những mất mát này để chúng ta có ý chí vươn lên trong khó khăn", ông nhấn mạnh.
Đại dịch là thử thách rất lớn không chỉ cho nền kinh tế mà còn an sinh xã hội. Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam luôn phát triển thì giai đoạn khó khăn càng phải chung tay, và doanh nghiệp chính là rường cột của quốc gia, nhân tố chính của quá trình hồi phục kinh tế.
"Các ý kiến, đóng góp của doanh nghiệp ngày hôm nay là cơ sở để chúng tôi hoàn thành các đề án phục hồi kinh tế cấp nhà nước, cấp thành phố, phục hồi kinh tế đất nước thông qua phát triển hệ thống doanh nghiệp", ông nói.
Tinh thần nào cho doanh nghiệp trẻ Việt Nam hồi phục sau dịch?
Chia sẻ với các doanh nhân trẻ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có 5 "liều thuốc tinh thần" để các doanh nghiệp vực dậy và phục hồi.
Trước hết là tinh thần yêu nước. Doanh nhân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ phải thấm nhuần tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn và ý chí của dân tộc. Bác Hồ thường hay nói: "Có chí ắt làm nên", tinh thần rất quan trọng. Những doanh nhân dày dạn kinh nghiệm ngày nay cũng đã vượt qua khó khăn để vươn lên. Tinh thần này càng quan trọng với những doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ 2 là tinh thần đoàn kết. Thế hệ doanh nhân trẻ càng khó khăn càng phải đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau. Mất đoàn kết là tự làm yếu mình, suy yếu đất nước. Vừa qua trong đại dịch, các hiệp hội doanh nhân đã tập hợp, đoàn kết góp sức làm nên nhiều chương trình thiện nguyện. Nếu mãi nghĩ đến cá nhân thì không bao giờ làm được.
Thứ 3 là ý chí. Chủ tịch nước cho rằng, tuổi càng trẻ thì càng phải ý chí. Bên cạnh những doanh nhân trẻ năng động, vẫn còn nhiều doanh nhân vẫn có sự ì ạch, không dám nghĩ mới hay vận dụng cái mới trong vận hành. Với người trẻ, ý chí rất quan trọng trong sự phát triển.
Thứ 4 là tinh thần sáng tạo. Đây là sức mạnh của tuổi trẻ. Thử thách chỉ là chất xúc tác của sự sáng tạo. Doanh nghiệp trẻ Việt Nam phải thực sự sáng tạo mới thành công. Những sáng tạo trong các chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội như "ATM gạo", "ATM oxy", ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Sự sáng tạo làm cho sự phát triển mới mẻ hơn, cho ra những mô hình khởi nghiệp hữu ích. Không chỉ lớp trẻ mà doanh nhân lớn tuổi cũng sáng tạo.
Nhờ sáng tạo mà năng suất, hiệu quả của doanh nghiệp ngày càng cao, xóa bỏ được sự trì trệ.
Cuối cùng là niềm tin của doanh nghiệp, của doanh nhân trẻ Việt Nam. Trong bối cảnh xung quanh có nhiều luồng tác động như hiện nay, cần có niềm tin mãnh liệt của cơ nghiệp bản thân, cơ đồ dân tộc, tương lai gia đình.
Phải có sự kiên nhẫn trong hành động, vì thế niềm tin này là đường dài trong cuộc sống, thử thách vượt qua khó khăn. "Tôi nghĩ có niềm tin là có tất cả. Doanh nhân trẻ cần có niềm tin", ông nhấn mạnh.
Cũng tại buổi gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ghi nhận hết các ý kiến đóng góp, hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM cho đề án hồi phục kinh tế ở cấp TP lẫn cấp nhà nước.
Theo ông, TP phải có đề án phục hồi cụ thể, không để đứt gãy chuỗi lao động và các chuỗi cung ứng khác. TP cũng cần có biện pháp kịp thời thu hút người lao động quay trở lại làm việc.
"Chắc chắn phải chủ trương tái cơ cấu mạnh mẽ một số lĩnh vực của TP, như không thể để tình trạng một phòng trọ 5-6 người cùng chen chúc, rủi ro dịch bệnh như vừa qua", ông nói.
Theo N.BÌNH/Báo điện tử Tuổi trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin