Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết rằng: "Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong".
Các tầng lớp nhân dân thủ đô đi ủng hộ “Tuần lễ vàng” sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh tư liệu lịch sử |
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Tuy nhiên, đất nước ta lại lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Mặc dù vậy, Đảng và Nhà nước ta đã dựa vào dân và khơi dậy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tháo gỡ tình thế muôn vàn khó khăn.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết rằng: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”.
Tinh thần “Tuần lễ vàng”
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có một ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới”. Bởi vậy, đối với bản chất của Nhà nước ta, Người chỉ rõ: “Chính phủ ta là một Chính phủ làm đày tớ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.
Tuy nhiên, Chính quyền cách mạng của ta lúc đó phải đối phó với muôn vàn khó khăn. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng kéo vào, theo chúng là bọn tay sai thuộc các tổ chức phản động, âm mưu cướp chính quyền mà nhân dân ta đã giành được. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, hơn 1 vạn quân Anh kéo vào, dọn đường cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngoài ra, trên cả nước còn hơn 6 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp. Bọn phản động trong nước ngóc đầu dậy, làm tay sai cho Pháp, chống phá cách mạng. Chính quyền cách mạng còn non trẻ; lực lượng vũ trang còn yếu. Nạn đói vẫn chưa khắc phục. Hàng hóa khan hiếm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Di sản văn hóa lạc hậu của chế độ cũ rất nặng nề, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn phổ biến. Ngân sách nhà nước trống rỗng... Tình thế này đối với Nhà nước cách mạng non trẻ của ta và nền độc lập mới giành lại của nước ta như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Để giải quyết tình thế khó khăn này, Đảng và Nhà nước ta đã dựa vào dân và khơi dậy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh số 04 thành lập “Quỹ Độc lập”. Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia” và “Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính”.
Trong khuôn khổ “Quỹ Độc lập”, Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức “Tuần lễ vàng” từ 17- 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân trong xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nói rõ về việc này. Người viết: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa “Tuần lễ vàng” là ở đó” (Báo “Cứu Quốc” số 45, ngày 17/9/1945).
Trong “Tuần lễ vàng”, các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đ/lượng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lượng (khoảng 1.923kg). Như vậy, “Tuần lễ vàng” tổng cộng thu được 2.293kg hoặc 59.618 lượng vàng.
Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” tại “Tuần lễ vàng” là minh chứng cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Để từ đó, nền độc lập non trẻ của Nhà nước ta dần được giữ vững trước âm mưu phá hoại của giặc ngoại xâm.
Phát huy truyền thống
Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch Việt Nam sẽ cần 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm cho 75 triệu dân. Nguồn lực cần để mua và bảo quản vắc xin là khoảng 25.200 tỷ đồng. Phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, hiện nay, nhân dân ta đang chung sức chung lòng với Đảng và Nhà nước để chống lại dịch Covid-19. Tổng cộng số tiền đã chuyển tới Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 tính đến 17 giờ ngày 25/7/2021 là 8.418 tỷ đồng. Bộ Tài chính kỳ vọng Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 sẽ tiếp nhận được 10.000- 11.000 tỷ đồng, cùng với nguồn ngân sách nhà nước, để mua vắc xin tiêm cho toàn dân.
Bên cạnh đó, ngay khi TP Hồ Chí Minh trở thành điểm nóng của dịch Covid-19, cả nước đã chung ta vì thành phố mang tên Bác. Lực lượng tình nguyện viên, các y- bác sĩ của các tỉnh- thành đã đến thành phố để tham gia phòng chống dịch bệnh. Nhân dân cả nước cũng chung tay ủng hộ lương thực, thực phẩm cho nhân dân thành phố. Tính đến hết ngày 28/7/2021, UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 38,4 tỷ đồng tiền mặt và gần 300 ngàn tấn hàng hóa, nông sản, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu từ khắp các tỉnh- thành trên cả nước.
Tính từ 1- 28/7/2021, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh - Ban Vận động Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã kết nối và vận động gần 100 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký tham gia ủng hộ nhiều loại vật tư, trang thiết bị y tế với hơn 6.034.158 sản phẩm trị giá hơn 1.370 tỷ đồng.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chiều 29/7/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát công tác phòng chống dịch bệnh; thăm hỏi, chia sẻ, tặng quà và động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố vững tin khắc phục khó khăn, chiến thắng đại dịch.
Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, quyết tâm cao hơn nữa, tìm mọi cách để ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. “Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định.
NGUYỄN VĂN TOÀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin