Giữ vững bài học "lấy dân làm gốc" quyết tâm chiến thắng đại dịch

07:08, 10/08/2021

"Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc" là tư tưởng, quan điểm, bài học quý báu của các bậc hiền nhân trong lịch sử. 

“Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc” là tư tưởng, quan điểm, bài học quý báu của các bậc hiền nhân trong lịch sử. Nhà quân sự, nhà chính trị, người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt trong lãnh đạo yêu cầu phải khoan hòa giúp đỡ trăm họ, phải yêu mến mọi người, phải quan tâm đến sự no ấm của dân: “Làm việc cốt tránh phiền dân. Sai khiến dân. Đem bụng khoan thư cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân. Lấy sự no đủ làm nguyện vọng của dân...”.

Người anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa vĩ đại Trần Quốc Tuấn chủ trương “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đúc kết “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”. Thầy giáo, danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định: “Xưa nay nước lấy dân làm gốc, được nước là bởi lẽ được dân”. Cụ Phan Bội Châu cho rằng: “Dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng, mà nước cũng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ, thì dân bị coi khinh, mà nước yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất mà nước cũng mất”.

Kế thừa tư tưởng của các bậc hiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhân dân là cội rễ của quyền lực: “Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của dân”. Người khẳng định: “Dễ ngàn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đúc kết bài học: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đây là giá trị văn hóa quý báu, là đường lối chiến lược mang tính bền vững trong sự phát triển của toàn dân tộc Việt Nam. Dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân, động viên toàn dân, phát huy sức mạnh truyền thống và bản sắc dân tộc của người Việt Nam là kế sâu, gốc bền của sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút bài học kinh nghiệm: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “Dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”.

Tư tưởng lấy dân làm gốc là tư tưởng xuyên suốt, là truyền thống, là bài học giữ nước trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Ngày nay “lấy dân làm gốc” đã trở thành nội dung cơ bản trong triết lý bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam, trở thành một trong những phương châm cơ bản chỉ đạo mọi cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có cuộc chiến chống COVID-19.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang lúng túng trong việc lựa chọn chiến lược nào để đối phó với COVID-19 thì với quan điểm “vì dân”, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, song bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân. Trên nền tảng quan điểm nhân văn đó, chiến dịch phòng chống COVID-19 của Việt Nam đã và đang tiến hành, các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách thiết thực, đặc biệt là khoản trợ cấp 26.000 tỷ hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ thể hiện tính nhân văn “tất cả vì con người”, “tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân” của Đảng và Nhà nước ta. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp thực hiện kêu gọi, vận động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn,... hỗ trợ người bán vé số, người dân gặp khó khăn; vận động ủng hộ quỹ vắc xin phòng COVID-19 để mua vắc xin cho các đối tượng chính sách, người nghèo, công nhân lao động, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân. Bên cạnh đó, xuất hiện các mô hình thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc như: “Cửa hàng 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “ATM gạo”,... hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Để thực hiện được mục tiêu “tất cả là vì dân”, Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn bài toán kép đầy thách thức đó là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Bởi vì, bên cạnh việc bảo đảm tính mạng con người, Đảng và Nhà nước còn phải bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người dân được làm việc, làm ăn, được học hành, phát triển. Và dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dù tiềm lực kinh tế còn hạn chế so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã chung sức đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn để chống dịch. Nhờ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “tất cả vì nhân dân” nên những quyết sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đã nhận được sự đồng lòng, chung sức của người dân. Đa số, mọi người dân Việt Nam hiện nay nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng; giữ khoảng cách, không tụ tập đông người; thực hiện khai báo y tế; chấp hành tốt quy định giãn cách xã hội...

Việt Nam không phải là quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng trong cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam có được niềm tin cao nhất của nhân dân. Bởi vì, Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Khi thế giới ở nơi này, nơi khác còn chưa có sự chuẩn bị, còn chần chừ chọn lựa giữa bảo vệ sức khỏe và bài toán kinh tế thì Việt Nam đã sẵn sàng dứt khoát lựa chọn. Nhờ vậy, việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh đã đạt được những kết quả bước đầu trong kiểm soát tình trạng lây nhiễm, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

Để bảo vệ những thành tựu bước đầu, tiếp tục giữ vững phương châm “lấy dân làm gốc”, “tất cả vì sức khỏe nhân dân” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần rà soát, nhanh chóng thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo minh bạch, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo tăng cường hoạt động của các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng phối hợp với các lực lượng chức năng của hệ thống chính trị ở cơ sở để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, kiểm soát người dân phòng chống dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về dịch bệnh nhanh chóng, kịp thời, có phân tích, đánh giá để người dân hiểu đúng, tin tưởng và tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch; triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên đã được quy định, bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả, khoa học; nhân rộng các mô hình, phong trào tương thân tương ái để hỗ trợ, giúp đỡ người dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch...

Kế thừa, giữ vững và phát huy bài học “lấy dân làm gốc”, Đảng và Nhà nước ta đề ra những chủ trương, quyết sách chống dịch một cách rất nhân văn “tất cả vì sức khỏe nhân dân” đã nhận được sự đồng thuận, đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của toàn dân. Chúng ta có quyền vững tin rằng Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19; để đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

QUYÊN TRẦN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh