Cuộc cách mạng vĩ đại và bản Tuyên ngôn Độc lập sáng ngời tư tưởng nhân văn

05:08, 30/08/2021

Sinh thời, có lần nói chuyện với anh em chúng tôi, GS. Trần Văn Giàu chia sẻ: Cho đến thời điểm tháng 8/1945, cả Đông Nam Á chưa có cuộc cách mạng nào, dân tộc nào có cuộc cách mạng vĩ đại, mang tầm vóc giải phóng toàn dân tộc như Cách mạng Tháng Tám 1945.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ Quốc khánh 2/9/1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ Quốc khánh 2/9/1945.

(VLO) Sinh thời, có lần nói chuyện với anh em chúng tôi, GS. Trần Văn Giàu chia sẻ: Cho đến thời điểm tháng 8/1945, cả Đông Nam Á chưa có cuộc cách mạng nào, dân tộc nào có cuộc cách mạng vĩ đại, mang tầm vóc giải phóng toàn dân tộc như Cách mạng Tháng Tám 1945.

Tầm cao để giải phóng cả dân tộc Việt Nam

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là cuộc hồi sinh tinh thần yêu nước quật khởi gắn với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. 

Hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, hàng loạt cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh cứu nước đã nổ ra trên khắp mọi miền của đất nước, với tinh thần “Đầu dám thay đầu, chân nối chân!”

Đó là các cuộc kháng Pháp của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương..., cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học;... các  phong trào Cần Vương, Đông Du...

Nhiều tướng lĩnh, lãnh tụ khởi nghĩa đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, hy sinh trên chiến trường hay ngã xuống trong ngục tù, máy chém. Đó là những phong trào đấu tranh, những cuộc khởi nghĩa xuất phát từ tinh thần yêu nước bất khuất, khát vọng cứu nước, cứu dân cháy bỏng của con người Việt Nam.

Tiếc thay, tất cả các cuộc đấu tranh kháng Pháp đó đã không kết hợp được tinh thần yêu nước với sức mạnh của nhân dân. Do đó, mỗi phong trào đều trở thành một ốc đảo trong vòng vây sức mạnh của kẻ thù, nên thất bại là hầu như đã được báo trước.

Chỉ có sau khi Đảng ta ra đời, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Cách mạng Tháng Tám mới làm sống lại sức mạnh như “sức vỡ nước” từ nhân dân.

Chính vì sức mạnh ấy, mà chỉ với 5.000 đảng viên Đảng Cộng sản, cả dân tộc ta đã lãnh đạo dân tộc làm nên thắng lợi, tạo ra bước ngoặt to lớn trong lịch sử dân tộc, giải phóng toàn dân tộc ta.

Sức mạnh đó sẽ còn được phát huy, trở thành một động lực mạnh mẽ cho những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ biên giới, lãnh thổ của đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, tạo nên cuộc hồi sinh lớn của con người Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta được hoàn toàn giải phóng: Đã phá tan cái xiềng xích nô lệ thực dân, đã đập đổ cái chế độ thối nát của vua quan phong kiến, đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó dân ta làm chủ nước ta”.

Từ kiếp sống nô lệ, tủi nhục, lầm than, trong cảnh “Non sông thẹn với nước nhà, Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu!”

Cách mạng Tháng Tám không chỉ hồi sinh số phận của nhân dân trong lịch sử của nhà nước Việt Nam độc lập, mà còn đưa nhân dân ta lên vị thế làm chủ thật sự của nước nhà, làm chủ vận mệnh của mình, được hưởng các quyền con người, quyền tự do, công bằng như bất kỳ một dân tộc văn minh, tiến bộ nào khác.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là sự khởi đầu cho cuộc hồi sinh của văn hóa dân tộc. Từ năm 1858, để thống trị dân tộc Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện các chính sách ngu dân, cản trở dẫn đến thủ tiêu các giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích truyền bá các giá trị văn hóa mất gốc, ngoại lai.

Đó chính là âm mưu để chặn đường phát triển của dân tộc ta. Họ xây nhà tù nhiều hơn trường học, thẳng tay đàn áp khốc liệt bất cứ hành vi hay người dân nào có biểu hiện yêu nước, chống áp bức, bảo vệ nhân dân và nền văn hóa dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã khởi đầu cho công cuộc khôi phục “nền văn hiến đã lâu”, hồi sinh những “phong tục”, giá trị bản sắc, xây dựng và phát triển nền văn hóa đất nước theo phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”.

Nhà nước dân chủ nhân dân đặt ra nhiệm vụ “diệt giặc dốt” ngang hàng “diệt giặc đói”, mở mang giáo dục, nâng cao dân trí.

Nền văn học- nghệ thuật ra đời trong đấu tranh cách mạng đã không ngừng trưởng thành, kết hợp những tinh hoa từ trong nguồn mạch dân tộc với những giá trị của thời đại, vì cuộc sống của con người và mục đích nhân văn cao cả của chế độ.

Hệ thống báo chí, truyền thông, văn hóa... của đất nước phát triển nhanh chóng, bắt nhịp với những thành tựu khoa học- công nghệ của nhân loại; ngày càng “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, không ngừng giao lưu, hội nhập với các dân tộc, tỏa sáng trên trường quốc tế và đưa uy tín đất nước, con người Việt Nam lên vị trí như hôm nay. 

Tại tỉnh Vĩnh Long, Đảng bộ tỉnh đã rất chủ động, sáng suốt để lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh Vĩnh Long vùng lên. Ngày 22/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời Vĩnh Long mở hội nghị thành lập Ban khởi nghĩa.

Ngày 23/8, nhận lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy tại quận Châu Thành, Chi bộ đặc biệt do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt chỉ đạo đã chọn lọc lực lượng Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt cuộc khởi nghĩa.

Đúng 7 giờ ngày 25/8/1945, một cuộc biểu tình rầm rộ của hàng vạn quần chúng xuống đường có lực lượng Thanh niên Tiền phong đi đầu, diễu hành qua các đường phố chính rồi kéo vào Nhà việc Long Châu- nơi đóng trụ sở chính quyền quận Châu Thành (nay là UBND TP Vĩnh Long), nghe hiệu triệu của Ban khởi nghĩa.

Quần chúng nhân dân, trong đó lực lượng Thanh niên Tiền phong đi đầu có vũ trang, tay cầm cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm giương cao các biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt minh muôn năm”, chính quyền thực dân dựng lên bị tê liệt trước khí thế nhân dân lên cao trào.

Trước tình hình nhân dân nhất tề đứng lên, Tỉnh trưởng Vĩnh Long là Lương Khắc Nhạc buộc phải hạ vũ khí và giao chính quyền lại cho Ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long và cho nhân dân. Đó là vào lúc 10 giờ ngày 25/8/1945, nhân dân Vĩnh Long đã tiếp nhận chính quyền toàn vẹn về tay nhân dân.

Bản tuyên ngôn độc lập sáng ngời tư tưởng nhân văn

Nhà việc (nay là UBND TP Vĩnh Long) nơi giành chính quyền sáng 26/8/1945 tại Vĩnh Long.
Nhà việc (nay là UBND TP Vĩnh Long) nơi giành chính quyền sáng 26/8/1945 tại Vĩnh Long.

Tại buổi mít tinh ở vườn hoa Ba Đình sáng 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới Tuyên ngôn Độc lập khẳng định nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.

Bản Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Tiếp theo, Tuyên ngôn Độc lập đã tố cáo và lên án những tội ác của thực dân Pháp. Họ đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”, thực hiện một chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, đã “bán nước ta cho Nhật”. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích là Pháp và Nhật.

Từ đó dân ta càng cực khổ, suy cùng lực kiệt. Sau ngày 9/3/1945, thực dân Pháp thua chạy, dã man và hèn hạ hơn nữa, “chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.

Do vậy, trong Tuyên ngôn Độc lập còn nêu cao tinh thần khoan hồng và nhân đạo cao cả, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh như cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ... sau ngày 9/3/1945.

Bản Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”.

Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước thế giới.

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít Nhật mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ khởi thảo là áng văn bất hủ, tính thời đại và tính nhân văn cao cả, là một văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; là sự phát triển đến đỉnh cao của tư tưởng độc lập tự do đã được thể hiện trong bản “yêu sách” gửi Hội nghị Véc xây, trong “Đường Kách mệnh”, trong “Chính cương vắn tắt”, trong “Luận cương chính trị”, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập.

Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

76 năm, đi từ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9) là những thắng lợi vẻ vang của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, trong đó, Bác Hồ đã chỉ rõ đặc biệt là “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, song muốn giữ vững độc lập dân tộc, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc nhân dân, phải đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo đường lối của Đảng, toàn bộ mục tiêu cách mạng, lý tưởng phấn đấu là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và chủ nghĩa xã hội là con đường, điều kiện thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó.

Và ngày nay, từ tinh thần yêu nước, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, dưới ngọn cờ cách mạng, Đảng ta đã xây dựng đất nước ta vì độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc muôn năm vững bền của nhân dân như có ngày nay.

Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh