Đó là cảm nhận đầu tiên khi bản thân được đọc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.
Đó là cảm nhận đầu tiên khi bản thân được đọc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam. Một học thuyết vĩ đại của loài người, đặt ra những vấn đề lớn lao về quyền con người, về dân tộc, quốc gia và những mâu thuẫn mang tính tất yếu toàn cầu; đã được trải qua thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng XHCN trong hơn 100 năm qua trên toàn thế giới, đã đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi về mặt lý luận và chứng minh thực tiễn.
Bài viết của Tổng Bí thư đã giúp cho nhiều đối tượng người đọc dễ tiếp cận nhất có thể, bằng những lý luận khoa học sắc bén, tầm nhìn vừa mang tính bao quát, lại vừa rất cụ thể, trực tiếp, biện chứng bằng thực tiễn đang diễn ra để khẳng định tính chân lý, cũng là khẳng định niềm tin sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta về con đường duy nhất đi lên CNXH ở Việt Nam. Cũng chính là bài học thực tiễn cách mạng sinh động nhất cho xã hội loài người trong hiện tại và tương lai.
Ngay từ đặt vấn đề không phải là những lý thuyết, học thuật cao siêu mà bài viết của Tổng Bí thư đi thẳng vào câu hỏi cốt tử được xem là “điểm yếu” mang tính phá vỡ cả “mắt xích” có tính hệ thống lý luận của Chủ nghĩa Mác- Lênin, dễ đưa đến sự hoài nghi, xét lại ngay trong hàng ngũ Đảng: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước XHCN thế giới thì vấn đề đi lên CNXH ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá”.
Và bài viết đã đi ngay vào thực tiễn: “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học- công nghệ”. Trực diện đưa ra ưu điểm lớn nhất, mạnh mẽ nhất, sự thắng thế nhất của chủ nghĩa tư bản là “kinh tế”, để dẫn dắt mọi người đi đến phản biện sắc bén bằng sự nhận diện ra tính “hiện tượng và bản chất” vấn đề. Giúp chúng ta dễ dàng phân biệt bản chất hoàn toàn khác nhau, mục đích, lý tưởng hoàn toàn trái ngược nhau giữa 2 hình thái kinh tế của chủ nghĩa tư bản và CNXH.
Trước hết, ưu điểm, sức mạnh của nền kinh tế trong xã hội tư bản đã tạo ra quyền lực do ai và vì ai, đó là: “Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội”. Hệ thống quyền lực này đã tạo ra ảo tưởng về những “gã khổng lồ chân đất sét”, là tính thiếu bền vững và quy luật tất yếu là sự đổ vỡ từ bên trong lòng ruột xã hội hào nhoáng về sức mạnh kinh tế, sự tiến bộ xã hội không thuộc về nhân dân. “Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế- xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”.
Về mặt lý thuyết, Mác đã chỉ ra bản chất, tính đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Cũng là nguyên nhân gây nên những mâu thuẫn nội tại xã hội tư bản không thể nào giải quyết triệt để được. Bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ ra những cuộc khủng hoảng điển hình và mang tính bản chất nhất của xã hội tư bản: “Cùng với khủng hoảng kinh tế- tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế- xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”.
Như vậy, “chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.
Vật chất, xã hội loài người là một quá trình vận động, biến đổi không ngừng. Mô hình CNXH dựa trên nền tảng học thuyết Mác- Lênin, đã từng chứng minh sự thành công rực rỡ bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/1/1917), kéo theo phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới và hình thành nên hệ thống các nước XHCN rộng khắp. Nhưng sự sụp đổ của cả hệ thống các nước XHCN bắt đầu từ Liên Xô cho đến các nước Đông Âu, đã đặt ra vấn đề tính chân lý của học thuyết, sự xét lại đúng- sai của mô hình CNXH trên thế giới.
Nhưng đó không phải là sự sụp đổ của học thuyết Mác- Lênin và con đường đi lên CNXH là sai lầm; mà cần nhìn lại vấn đề vận dụng, nhìn nhận lại tư duy áp đặt, xơ cứng, duy ý chí. Cần có cái nhìn biện chứng và sự vận dụng phù hợp quy luật chung của học thuyết vào đặc điểm tình hình cụ thể ở mỗi quốc gia, ở mỗi giai đoạn phát triển của xã hội loài người. Sự chiến thắng mọi khó khăn, nguy cơ và những thế lực thù địch, sự thành công ngày càng lớn mạnh của Việt Nam là một minh chứng cho thế giới thấy rằng, đó là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác- Lênin được soi rọi dưới tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời Cương lĩnh chính trị của Đảng được xây dựng qua từng giai đoạn có tính điều chỉnh, định hướng bằng trí tuệ, tâm huyết của lãnh đạo Đảng, của toàn dân đã đưa đất nước ta vượt qua những khó khăn to lớn và tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH theo cách riêng của Việt Nam.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ vấn đề này, bằng thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra quan niệm “Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”, chính là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta. Đây không chỉ là thành công riêng của Việt Nam, mà có giá trị đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn vào con đường đi lên CNXH của toàn thế giới. Phải thoát ra khỏi nhận thức khô cứng, duy ý chí, để có cái nhìn biện chứng, đa chiều trong sự vận động, biến đổi không ngừng của xã hội, của thế giới. Từ đó, tầm nhìn và định hướng có sự phù hợp với quy luật chung mà phải vừa phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể.
Do đó, trong bài viết Tổng Bí thư, có nói rõ: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ XHCN, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Trên con đường đi lên CNXH, Việt Nam là điểm sáng, có trách nhiệm vừa tiếp thu, vừa bổ sung về mặt lý luận và thực tiễn vào học thuyết khoa học, biện chứng đã trở thành tài sản chung vô giá của nhân loại.
Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng mỗi người có vai trò, nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, trình độ tư duy, lý luận khác nhau và mỗi người sẽ có cách tiếp cận, học tập ở mức độ khác nhau; nhưng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đem đến cho tất cả một điểm chung nhất, là điều hết sức quan trọng “là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin- học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện”.
Bài viết giúp cho nhiều đối tượng người đọc dễ tiếp thu, từ đó đã trở thành tài liệu vô cùng quan trọng tiếp tục nghiên cứu, học tập, không ngừng củng cố niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và cũng là cơ sở khoa học, lý luận mở rộng nhận thức, cái nhìn biện chứng về mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và toàn cầu, trong hiện tại và tương lai.
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin