Sớm công bố quy hoạch khắc phục đầu tư công không hiệu quả

07:07, 27/07/2021

Ngày 27/7/2021, trong phiên thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đoàn Vĩnh Long đã tham gia nhiều kiến nghị, đề xuất vào hai chương trình này.

(VLO) Ngày 27/7/2021, trong phiên thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đoàn Vĩnh Long đã tham gia nhiều kiến nghị, đề xuất vào hai chương trình này.

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Cần rà soát, điều chỉnh những tiêu chí chưa thật sự phù hợp

Trước hết có thể khẳng định, với sự vào cuộc của toàn xã hội và hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân cả nước, kết thúc giai đoạn 2016- 2020, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên phạm vi toàn quốc có nhiều tiêu chí hoàn thành sớm mục tiêu của cả giai đoạn, trong đó nhiều mục tiêu lớn đã vượt yêu cầu Quốc hội đề ra.

Kết quả nổi bật, kinh tế nông thôn phát triển, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, ngày càng có thêm nhiều “miền quê đáng sống” tạo động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào thành tựu chung trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Tôi thống nhất cần thiết phải tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện ngay CTMTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo hướng toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, gắn với đô thị hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn vừa phù hợp với mục tiêu nâng cao tỷ lệ xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.  

Tôi cơ bản thống nhất với phần lớn các nội dung Chính phủ trình, còn mấy vấn đề băn khoăn: Thứ nhất, đề xuất đối với các giải pháp cụ thể được đưa ra trong giai đoạn này không chỉ hướng đến thực hiện mục tiêu, tiêu chí mới ở mức độ cao hơn về chất lượng, hiệu quả và sức lan tỏa mà còn phải ưu tiên khắc phục cho được những hạn chế, bất cập đã được đánh giá trong tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu ở đoạn trước như: xóa bỏ tình trạng nợ tiêu chí; nợ đọng xây dựng cơ bản mà căn nguyên của nó là bệnh chạy theo thành tích ở một số địa phương, làm mất cân đối trong sử dụng nguồn lực trên phạm vi cả nước; cần rà soát, điều chỉnh sớm những tiêu chí chưa thật sự phù hợp với điều kiện nguồn lực, đặc thù về địa lý, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và tập quán sản xuất, sinh hoạt của từng vùng, miền (tiêu chí 6, tiêu chí 13, tiêu chí 17…); nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực, rút ngắn nhanh nhất, nhiều nhất khoảng cách xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền.

Thứ hai, về tăng cường lồng ghép giới trong thực hiện chương trình, tôi đề xuất phải tiếp cận theo hướng cụ thể hóa rất chi tiết vào nội dung của một số tiêu chí để vừa đảm bảo bình đẳng cho cả nam và nữ trong thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới, vừa hướng đến việc khơi dậy trí tuệ, sức sáng tạo, phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện chương trình mục tiêu quan trong này.

Thứ ba, về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, nguồn vốn dự kiến đầu tư khá lớn (khoảng 2,45 triệu tỷ đồng) thông qua thực hiện 11 nội dung thành phần với 6 đề án/chương trình trọng tâm, nước ta có 80% số xã đạt chuẩn NTM, 50% huyện, thị xã, thành phố và cả nước có ít nhất 15 tỉnh/thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đọc báo cáo đánh giá, thuyết minh của các ngành thì thấy tính khả thi cao, nhưng đòi hỏi phải có sự tập trung rất lớn, rất quyết liệt.

Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng nông thôn mới trong các giai đoạn vừa qua đã cho thấy muốn xây dựng nông thôn mới thành công không chỉ dựa vào nguồn vốn và cần phải có sự đầu tư công sức, trí tuệ, sức sáng tạo của từng cấp, từng ngành và sự đồng tình, ủng hộ, chung sức, đồng lòng của nhân dân.

Do đó, đề nghị cần rà soát, đánh giá, thống kê chính xác, làm rõ chủ thể, đối tượng, địa bàn và nội dung hỗ trợ, cân nhắc phân bổ đầu tư cho từng tiêu chí, chỉ tiêu, để có sự phân khai nguồn lực phù hợp, không dàn trải, dàn đều, thiếu tập trung, gây lãng phí nguồn lực.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Quy hoạch vùng phải bảo đảm tính định hướng đúng cho sự phát triển

Tôi tán thành và thống nhất rất cao với nhận định về kết quả đạt được trong báo cáo, mục tiêu, định hướng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Nhiều giải pháp được triển khai, trọng tâm là phát huy tối đa nội lực, huy động được các nguồn lực của toàn xã hội, thu hút hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn ưu đãi, tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ thực tiễn địa phương, tôi xin đề xuất những giải pháp sau:

Thứ nhất, giải quyết thấu đáo các vấn đề thách thức, khó khăn mà ĐBSCL và các vùng khác đang đối mặt, phát huy được thế mạnh, phù hợp định hướng phát triển lâu dài, tạo lan tỏa, động lực phát triển cho mỗi địa phương, từng vùng và cả nước.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch quan tâm đến chất lượng, kết quả của quy hoạch và sớm công bố vì điều đó mang tính quyết định, khắc phục nhiều nhược điểm trong đó có đầu tư công không hiệu quả trong thời gian qua; quy hoạch vùng phải bảo đảm tính định hướng đúng cho sự phát triển trong đó bao gồm đầy đủ các vấn đề về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới,… cho các ngành và các địa phương.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định hướng dẫn nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương có cơ sở thực hiện, tránh tình trạng chậm trễ, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước.

Thứ hai, chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch, danh mục đầu tư một cách bài bản; cần quan tâm sâu đến chất lượng, cụ thể hóa các tầm nhìn, định hướng và các quy hoạch có tính chất quan trọng trong quyết định cho sự phát triển của mỗi địa phương, vùng và cả nước làm cơ sở cho việc phân kỳ, huy động hợp lý các nguồn lực đầu tư.

Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm chất lượng công trình, tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Đồng thời, phải đảm bảo đáp ứng việc thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển đã được xác định phù hợp kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 có đánh giá và dự báo tác động của COVID-19.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư.

Phát triển các nguồn thu ngân sách; huy động các nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hỗ trợ theo vùng ĐBSCL; các nguồn vốn ODA và vay ưu đãi; có phương án phát triển phù hợp nguồn thu từ quỹ đất; có quy định pháp luật đảm bảo được sự quan tâm trong việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước ở một số lĩnh vực như: văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, môi trường, đô thị, hạ tầng khu - cụm công nghiệp,… có điều kiện, có khả năng thực hiện và phù hợp theo quy định.

Thứ tư, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển đô thị, nông thôn với yêu cầu ngày càng cao hơn, định hướng rõ nét hơn về phát triển bền vững, giải quyết rõ ràng, cụ thể mục tiêu của từng dự án trong phát triển, quan tâm các dự án lớn đã chuyển tiếp và mới để giải quyết các vấn đề mang tính dài hạn, các vấn đề thích ứng, cấp thiết đáp ứng cho sự phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư - thương mại, giao thông, cảng, logistic trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025;

tạo động lực nền tảng vững chắc thực hiện các tầm nhìn lớn mà Đảng và Nhà nước đã xác định trong các văn kiện, Nghị quyết đã ban hành để đầu tư công thật sự tạo ra động lực cho sự phát triển của toàn xã hội, đem lại cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập, ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần ưu tiên nguồn lực đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 53, Quốc lộ 54 và các trục mới như dự kiến theo quy hoạch vùng ĐBSCL của Bộ Giao thông Vận tải.

TÂM THI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh