Cải cách, hoàn thiện thể chế không chỉ là một trong ba đột phá chiến lược được khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đây chính là "đột phá của đột phá".
Cải cách, hoàn thiện thể chế không chỉ là một trong ba đột phá chiến lược được khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đây chính là “đột phá của đột phá”.
Quốc hội khoá XV đã khai mạc kỳ họp đầu tiên vào sáng 20/7 và theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sẽ mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp của hoạt động Quốc hội.
Theo Tổng Bí thư, nhìn một cách tổng thể, mỗi khoá Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tuy vậy, Tổng Bí thư lưu ý rằng Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Một trong những nhiệm vụ trước mắt đó là cần tập trung làm tốt công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV khai mạc ngày 20/7 |
Trong bài phát biểu nhậm chức sau khi được Quốc hội tiếp tục tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khoá XV, ông Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: “Phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.
Điểm nhấn được Chủ tịch Quốc hội đề cập chính là nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Cải cách, hoàn thiện thể chế không chỉ là một trong ba đột phá chiến lược được khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đây chính là “đột phá của đột phá”. Khung khổ thể chế pháp lý minh bạch, hiệu quả không chỉ khơi thông những “điểm nghẽn” mà còn thúc đẩy mọi nguồn lực phát triển đất nước.
Còn nhớ, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV khi cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, ông Vương Đình Huệ từng thẳng thắn nêu quan điểm rằng cần đoạn tuyệt với tư duy lập pháp “ngứa đâu gãi đó” và cho rằng chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu bởi sự thiếu vắng của nhiều dự luật quan trọng, trong đó có “chùm” các luật về thuế.
Cũng theo ông Vương Đình Huệ, một số cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn lấn cấn, xử lý tình huống, thiếu tầm nhìn, thiếu tính dự báo trong việc trong xác định các ưu tiên lập pháp.
Đó cũng là khởi nguồn cho những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật đã được Quốc hội Khóa XIV tổng kết như: còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu tính tiên lượng, tuổi thọ của luật còn ngắn...
Vì thế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định quan điểm dứt khoát của Quốc hội là phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động lập pháp.
Trong đó, kỷ luật, kỷ cương phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phải cá thể hóa trách nhiệm ở từng công đoạn của quy trình lập pháp để cơ quan soạn thảo, cơ quan trình đề xuất xây dựng luật phải đoạn tuyệt với tư duy lập pháp kiểu “ăn đong, chập chững”.
Ngoài cơ quan của Chính phủ, ông Vương Đình Huệ cũng “nhắc” các cơ quan thẩm tra của Quốc hội phải thực hiện đúng vai trò “gác cổng” của mình, kiên quyết không chấp nhận các đề xuất xây dựng luật và các dự luật không bảo đảm chất lượng.
Và để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả biện pháp này thì “còn liên quan đến thái độ, tinh thần trách nhiệm và cả phẩm chất đạo đức” của từng cá nhân tham gia trong quy trình xây dựng luật.
Muốn làm được điều đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin