Liên quan đến chương trình kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định là "hợp lý và đã được tính toán kỹ".
Liên quan đến chương trình kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định là "hợp lý và đã được tính toán kỹ".
Kỳ họp thứ nhất – kỳ họp rất quan trọng giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội sẽ rút ngắn thời gian làm việc xuống 5 ngày so với dự kiến. Quốc hội sẽ họp liên tục trong 11 ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật, bắt đầu từ 20/7.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp, được coi là quyết định đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân.
Ngay cả đại biểu Quốc hội, những người lần đầu trúng cử, dù đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để tham dự kỳ họp quan trọng này nhưng khi được phân công nhiệm vụ chống dịch, vẫn phải đặt nhiệm vụ ưu tiên lên trước. Đó là trường hợp của đại biểu Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – TP.HCM. Đây là trường hợp đặc biệt.
Theo luật định, chậm nhất 60 ngày sau cuộc bầu cử phải tiến hành Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới. Kỳ họp lần này không chỉ tập trung làm công tác nhân sự như thông lệ mà còn quyết định các kế hoạch kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công, hai chương trình mục tiêu quốc gia để tạo khung khổ cho việc triển khai thực hiện trong cả 5 năm tới. Đây là các vấn đề quan trọng, làm cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội. Quốc hội quyết định càng sớm thì càng thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đồng bộ.
Tiết kiệm tối đa thời gian và đạt hiệu quả cao nhất, an toàn nhất. Đó là mục tiêu của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Rút ngắn thời gian họp nhưng khối lượng công việc nhiều đòi hỏi công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo, công phu, kỹ lưỡng. Tại cuộc họp ngày 17/7 giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc rút ngắn thời gian kỳ họp là hợp lý và đã được tính toán kỹ để kỳ họp được tổ chức thực sự an toàn, ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo dân chủ, đúng Hiến pháp, pháp luật, phát huy cao nhất trí tuệ của các đại biểu.
Tình thế ngặt nghèo một lần nữa lại đặt ra cho chúng ta thử thách. Nhưng Quốc hội đã có kinh nghiệm xử lý kể từ kỳ họp giữa năm 2020. Lần đầu tiên Quốc hội áp dụng họp trực tuyến kết hợp với trực tiếp và được triển khai trong các kỳ họp tiếp theo. Tổng kết, đánh giá của nhiệm kỳ khóa XIV cho thấy, các phiên họp như vậy vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm tối đa thời gian cho các đại biểu, nhất là lãnh đạo các địa phương có dịch.
Gần 500 đại biểu được bầu sau cuộc bầu cử lịch sử sẽ bắt đầu thực hiện trách nhiệm của mình trong một kỳ họp đặc biệt. Càng trân trọng tấm lòng của cử tri bao nhiêu, càng phải đề cao trách nhiệm của đại biểu bấy nhiêu.
Kiện toàn các chức danh chủ chốt, hoàn thiện bộ máy lãnh đạo các cơ quan Nhà nước; Quyết định các vấn đề kinh tế- xã hội trước mắt và lâu dài. Cả hai nhiệm vụ ấy đều đặt lên vai Quốc hội trách nhiệm rất lớn. Đặc biệt, công tác nhân sự có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước trong suốt nhiệm kỳ.
Bởi vậy, đâu đó, có ý kiến nói rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Kỳ họp thứ nhất có thể chậm lại hoặc có thể rút ngắn hơn nữa. Đó là điều rất khó khả thi bởi các cơ quan chức năng đã tính toán kỹ, vừa đảm bảo kỳ họp diễn ra theo luật định, vừa tiết kiệm tối đa thời gian mà không ảnh hưởng đến chất lượng kỳ họp./.
Theo Quốc Phong/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin