Đại biểu Nguyễn Anh Trí: "Văn bằng, chứng chỉ không hợp lý, gây ra tình trạng "đua" nhau đi học. Nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học, vì thấy người bên cạnh học, người trong cơ quan học.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí: “Văn bằng, chứng chỉ không hợp lý, gây ra tình trạng “đua” nhau đi học. Nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học, vì thấy người bên cạnh học, người trong cơ quan học.
Sáng 26/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, tiết kiệm, chống lãng phí, là phạm trù rất rộng. Đó là tiền bạc, kinh phí, đất đai nhưng có những cái lãng phí không thể đong đếm như thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, hay cách thức tổ chức làm việc rồi chủ trương, chính sách.
“Văn bằng, chứng chỉ không hợp lý, gây ra tình trạng “đua” nhau đi học. Nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học, vì thấy người bên cạnh học, người trong cơ quan học.
Những ngoại ngữ không cần thiết cũng đi học. Tôi là cán bộ khoa học. Học ngoại ngữ là phục vụ công việc thì hết sức cần thiết chứ không phải có ngoại ngữ để làm cho bằng cấp đẹp”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ví dụ.
Hay như việc tổ chức làm đường, nhất là làm đường ở các thành phố lớn nằm trong nội đô. Đơn vị thực hiện có thể đo đếm được sắt thép, kinh phí đầu tư là bao nhiêu nhưng không đo đếm được, làm chậm trễ vài ngày, vài tuần, vài tháng thì có thể làm hàng vạn người chậm trễ đi 5 - 10 phút buổi sáng giờ làm việc.
“Như vậy đã vô cùng lãng phí. Điều này là không thể đo đếm được và điều này lại là thực tế rất phổ biến ở Việt Nam. Tham nhũng đáng lên án, phê phán, nghiêm trị. Lãng phí còn hơn thế nữa bởi lãng phí là mất”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Thái Nguyên đề nghị cần tiếp cận thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách rộng hơn, chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề sử dụng ngân sách, quản lý tài sản công mà nhìn rộng ra những vấn đề nguồn lực xã hội và các quan hệ xã hội.
“Chúng ta cần phải cân nhắc có cần thiết phải có nhiều bằng cấp như vậy không? Ví dụ như việc chuẩn hóa giáo viên mầm non, có nhất thiết phải tất cả đều phải chuẩn hóa đại học không, trong khi đó ở nhiều vùng sâu, vùng xa, điều kiện giáo viên rất khó khăn, có những giáo viên cùng một lúc đứng lớp đến 3-4 nhóm tuổi, làm sao mà có thể đáp ứng điều đó?”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu ý kiến.
“Việc đào tạo để bồi dưỡng, nâng cao trình độ là cần thiết nhưng phải có quy định phù hợp với từng nhóm đối tượng và từng vùng miền trong lộ trình thực hiện phù hợp”, đại biểu đoàn Thái Nguyên đề xuất.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM |
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần làm lâu dài, bền vững và làm ở mọi nơi, mọi lúc.
“Tiết kiệm, chống lãng phí cần phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân trước khi là yêu cầu của một cán bộ, công chức, một cơ quan. Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành một quốc sách và để làm được thì phải bắt đầu từ giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ thường dẫn chứng câu chân lý “vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Việc giáo dục thì phải thực hiện từ cấp mầm non”, đại biểu đoàn TP.HCM nêu rõ./.
Theo Nhóm PV/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin