Chiều ngày 24/7, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính tổ chức gặp mặt các đại biểu là người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước nhân dịp 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021).
Chiều ngày 24/7, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính tổ chức gặp mặt các đại biểu là người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước nhân dịp 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021). Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng tại buổi gặp mặt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng dự cuộc gặp mặt. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kính thưa các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,
Kính thưa đại diện các gia đình người có công với cách mạng, gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh và toàn thể các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất xúc động được gặp mặt, trò chuyện với đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/2021.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tôi xin gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng sự tri ân và biết ơn sâu sắc nhất.
Không chỉ trong ngày hôm nay, sự biết ơn gắn liền với trách nhiệm luôn là nỗi trăn trở trong suy nghĩ và hành động của các cấp lãnh đạo, trong nhân dân và đây cũng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để vơi nỗi đau chiến tranh, để lan tỏa lòng yêu nước, để viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, để truyền cảm hứng vượt qua khó khăn và thách thức.
Thưa các đồng chí và các đại biểu,
Chiến tranh đã lùi xa chúng ta nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Hàng triệu người con gửi lại tuổi thanh xuân, gửi lại ước mơ, gửi lại khát vọng dưới lòng đất.
Ở đâu cũng có người hy sinh, ở đâu cũng có nghĩa trang liệt sĩ, với sự hy sinh mất mát lớn vô cùng lớn lao để chúng ta có độc lập, tự do, thống nhất đất nước, để ngày nay chúng ta xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong ca từ của nhạc Sĩ Xuân Hồng có đoạn viết về sự mất mát này: “Nước mắt mẹ không còn/ vì khóc những đứa con/ Lần lượt ra đi, mãi mãi”.
Bao nhiêu tác phẩm văn học, bao nhiêu ý thơ cũng không miêu tả hết được những hy sinh, mất mát đó để chúng ta có được ngày hôm nay. Những ca từ xúc động của nhạc sỹ Xuân Hồng như nốt nhạc buồn của chiến tranh, đã có biết bao người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha…Và biết bao nhiêu người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường.
Và chúng ta cũng chia sẻ với nhiều đồng chí có mặt ở đây mỗi khi “trái nắng, trở trời” lại lo sợ, mất ăn mất ngủ vì vết thương đau nhức. Tôi có dịp tới thăm các trung tâm chăm sóc thương binh ở Hà Nam, Bắc Ninh, rất chia sẻ với các đồng chí nắng cũng đau, mưa cũng đau, trời mát cũng có lúc đau.
Nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh, thậm chí nhiều người đến nay chưa xác định được tên hoặc chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều đồng chí trở về nhưng di chứng chất độc da cam vẫn ảnh hưởng đến các thế hệ sau, điều này rất đau lòng.
Để có độc lập, tự do, thống nhất đất nước, sự hi sinh, cống hiến của các Bà mẹ anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng vô cùng lớn lao.
Chúng ta luôn tri ân, Đảng Nhà nước luôn đặt vấn đề giáo dục lòng yêu nước, tìm mọi cách để có chính sách, chế độ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước. Kể cả trong thời bình, lực lượng vũ trang vẫn phải chứng kiến mất mát, đau thương, vẫn có những đồng chí hy sinh, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ bình yên của đất nước, sự an ninh, an toàn nhân dân.
Và nhiều người dân bình thường hy sinh để cứu người khác, đây là nghĩa cử rất cao quý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam cũng khắc ghi sự hy sinh cao cả vì nền độc lập của dân tộc và thống nhất đất nước.
Mỗi khi đến các nghĩa trang liệt sỹ, chúng ta nhìn lên những danh sách dài những tên tuổi các liệt sỹ, quê quán, cộng trừ năm sinh năm mất và chúng ta lặng đi vì nhiều người tuổi đời mới chỉ trên dưới đôi mươi…
Chúng ta ngậm ngùi khi nhìn theo những chuyến xe của nỗi buồn đau - chuyến xe chở hài cốt liệt sỹ được phủ cờ đỏ sao vàng trở về quê hương, hy sinh vẻ vang và trở về trong tình cảm của nhân dân.
Thưa các quý vị,
Đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình được xây đắp bằng những sự hy sinh cao cả đó. Chính vì vậy, sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: “ Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần với người có công luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước luôn coi trọng, nâng niu, quan tâm trong điều kiện tốt nhất có thể với các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Chính sách luôn được hoàn thiện và ưu tiên bố trí nguồn lực quan tâm đến người có công. Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 02 ngày 09/12/2020 về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ và tổ chức thực hiện với người có công với cách mạng.
Chúng ta cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách để thực hiện thống nhất, bảo đảm công bằng, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta. Hiện nay, trên 9,2 triệu người có công (khoảng 10% dân số) được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi. Hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng.
Mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, đây là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước trong điều kiện còn khó khăn.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng hành của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đã lan tỏa rộng khắp cả nước với nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa, huy động sự đóng góp của toàn dân cho “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” lên tới hàng nghìn tỷ đồng; các chương trình tặng nhà tình nghĩa, xe đạp tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, các món quà động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ hay tặng học bổng cho con em gia đình chính sách… thể hiện tình người, văn hóa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc chúng ta.
Đối với Đảng và Chính phủ, như tôi đã nói từ đầu, không chỉ quan tâm đến ngày 27/7 mà chính sách đối với người có công là vấn đề luôn được quan tâm thường xuyên, nhất quán, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với Chính phủ, đã triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công và gia đình chính sách, cụ thể hóa Pháp lệnh 02 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước. Chính phủ luôn quan tâm bằng giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách.
Những gì vượt quá thẩm quyền, Chính phủ sẽ tập hợp, rà soát, tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền, bảo đảm chính sách với người có công luôn đáp ứng yêu cầu trong khả năng có thể.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục khẩn trương hoàn thiện những chính sách đang xây dựng để ban hành sớm nhất có thể. Đặc biệt là rà soát các chính sách, các đối tượng thuộc diện chính sách nhưng thời gian vừa qua do hồ sơ, do các điều kiện khách quan, chủ quan khác mà chưa được xem xét.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, tất cả vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, các bác, các anh, các chị ra đi không tính toán gì, hồ sơ, giấy tờ có khi thất lạc.
Chúng tôi đang rà soát, cố gắng để làm sao không bỏ sót các đối tượng thuộc diện chính sách, cũng không để tiêu cực trong vấn đề này.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đã rà soát rất khẩn trương, xử lý vướng mắc trong giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với chuyên gia sang giúp Lào thuộc Ban Xây dựng 64, trong đó, đã giải quyết chế độ với 268 chuyên gia.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết, cụ thể hóa Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhanh và hiệu quả nhất, phù hợp tình hình đất nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có hình thức giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì nền độc lập tự do của dân tộc, thống nhất của đất nước, vì sự bình yên của nhân dân.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, tôn tạo chỉnh trang các nghĩa trang liệt sỹ.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm, quy tập, ứng dụng công nghệ và khoa học để lưu trữ, giám định ADN hài cốt liệt sỹ…
Các đồng chí đại biểu tham dự hôm nay là đại diện tiêu biểu cho những người có công, là những người truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tôi biết nhiều đồng chí mang trong mình thương tật của chiến tranh. Nhưng với bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ, các đồng chí nói riêng và toàn thể các thương bệnh binh trên cả nước nói chung luôn nỗ lực không ngừng để tiếp tục cống hiến, đóng góp cho quê hương, đất nước, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Dù thương tật, dù tuổi cao nhưng luôn một tấm lòng, một ý chí, một tấm lòng hướng về quê hương, đất nước, mong đất nước ta ngày càng tươi đẹp hơn.
Đất nước chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 với những biến thể mới rất nguy hiểm, khó lường và khó dự báo.
Nhiều tấm gương về nghị lực kiên cường, lòng yêu nước, sự sẻ chia, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vượt qua khó khăn thách thức và phát huy các thành tựu của các thế hệ đi trước là nguồn cảm hứng đến từng người dân, truyền cảm hứng cho thế hệ sau, các lực lượng chống dịch để chúng ta cùng nhau chiến thắng đại dịch.
Chúng ta vừa phải chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội nhưng trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung chống dịch trên phạm vi cả nước, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Kính thưa các đồng chí!
Cảm xúc về những ngày tháng 7 mãi mãi sẽ lắng đọng trong mỗi chúng ta về sự hy sinh cao cả của các thế hệ, để xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ - người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - sinh thời hằng mong muốn.
Gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Điều này được Đại hội Đảng toàn quốc khẳng định và đa số nhân dân đồng tình. Kết quả đó là sự kết tinh tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và sự cố gắng của cả dân tộc ta, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự hy sinh, đóng góp của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh và gia đình có công với cách mạng.
Một lần nữa, tôi xin kính chúc các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh trên toàn quốc, các đại biểu và các đồng chí dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc và thành công trong cuộc sống, trong công việc.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí và các đại biểu!
*Tiêu đề do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đặt
Theo Chính phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin