Ngày 25/7/2021, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh có ý kiến phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.
(VLO) Ngày 25/7/2021, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh có ý kiến phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021, đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với tính chất phức tạp hơn, đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội.
Trước khó khăn và thách thức đó, cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ta, đoàn kết, đồng lòng, chung tay hành động với phương châm “4 tại chỗ”, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất; nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, số ca nhiễm gia tăng mạnh đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế; một số nơi có dấu hiệu quá tải về nhân lực và thiết bị y tế, cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương khác.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để rút ra những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, những khó khăn từ thực tiễn cuộc sống trong đó quan tâm đến những nội dung sau:
Thứ nhất, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp tình hình thực tiễn.
Trong đó, quan tâm đến chế độ chính sách cho đội ngũ y bác sĩ, nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời; cần quan tâm đặc biệt đến lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch bệnh bởi vì ngoài việc thực thi nhiệm vụ được phân công thì những gì mà lực lượng này đã làm trong thời gian qua tiêu biểu cho hình ảnh người công dân trong giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước – là những người có ý thức và trách nhiệm cao với đồng bào, với cộng đồng.
Các anh chị bất chấp rủi ro, nguy hiểm đối với bản thân, gia đình và người thân để tham gia vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, thời gian, sức lực và đạo đức nghề nghiệp cao cả.
Thứ hai, thống nhất rất cao đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho cơ chế đặc biệt, đặc cách trong mua sắm thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ hệ thống xét nghiệm Realtime PCR đăng ký lưu hành, thử nghiệm lâm sàng thuốc, phát triển sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước, nội địa hoá trang thiết bị y tế, thuốc để bảo đảm tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Qua thực tiễn phòng chống dịch cho thấy hệ thống y tế cấp huyện còn thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết như hệ thống ôxy trung tâm, bồn ôxy, máy thở, xét nghiệm. Nếu được đầu tư thì hiệu quả trong phối hợp phân tầng điều trị sẽ tốt hơn.
Tiếp tục đầu tư hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh để củng cố, nâng cao năng lực nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, các bệnh không lây nhiễm, giảm tỷ lệ mắc, chết và tàn tật.
Hiện tại, dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp, toàn hệ thống y tế, trong đó có hệ dự phòng đang chiến đấu hết mình từng giây từng phút nhưng phụ cấp, chế độ lại ít, thủ tục thanh quyết toán thì phức tạp, chế độ đãi ngộ có sự khác biệt giữa hệ dự phòng và hệ điều trị.
Nghị quyết 16, Nghị quyết 73 thì giới hạn số lượng cán bộ điều tra trong khi số ca mắc rất nhiều, nhân lực ít; lực lượng dự phòng không có hỗ trợ, cắt giảm và cắt luôn chế độ làm việc thêm ban đêm do quy định là hệ dự phòng tuyến tỉnh không có trực đêm.
Thứ ba, hệ thống y tế cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng nên người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.
Do đó, cần đầu tư đồng bộ trang thiết bị y tế chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật y tế tiến tiến, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao của người bệnh; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tăng cường đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính y tế, bố trí ngân sách cho y tế dự phòng trong giai đoạn tới, bảo đảm chi được 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng; tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh.
Đẩy nhanh lộ trình mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc xin cho nhân dân, trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp... đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước và nâng cao năng lực tổ chức tiêm phòng, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật trên mạng điện tử, gây hoang mang trong xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai lệch. Sớm sơ kết, đánh giá việc xét xử qua một số vụ án đã xét xử theo Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cần đưa ra chế tài xử lý mạnh hơn, kịp thời hơn để răn đe và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Bởi lẽ trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 thì nhận thức của mỗi cá nhân là chìa khoá quan trọng để ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thứ sáu, bên cạnh những chính sách đã ban hành, Chính phủ cần bổ sung thêm các giải pháp mới hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trụ vững, vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, góp phần tăng trưởng kinh tế; sớm đề xuất nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước đặc biệt là quan tâm cụ thể những vấn đề thiết thực đối với hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay như các khoản thuế, chậm nộp hợp lý các khoản theo trách nhiệm, nghĩa vụ doanh nghiệp; giảm những chi phí vốn, vận tải, logistics, đất đai, chi phí về các thủ tục hành chính, quy trình thực hiện nhận hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn.
Thực hiện hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao, chi phí đào tạo lao động. Trên cơ sở đánh giá một các toàn diện những thiệt hại và dự báo nguy cơ dịch bệnh sẽ kéo dài trong thời gian tới nên cần có những chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn hơn.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm ban hành các gói chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025, giúp các doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu trong thời gian tới.
TÂM THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin