Việc xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021- 2026 được thực hiện như thế nào?
Hỏi: Việc xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021- 2026 được thực hiện như thế nào?
Thái Quốc (Phú Lộc- Tam Bình)
Trả lời: Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa XV cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa XV về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.
Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021- 2026 ở cấp mình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu HĐND, ủy ban bầu cử các cấp tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021- 2026 của cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021- 2026 cho người trúng cử và báo cáo HĐND khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu HĐND tại kỳ họp đầu tiên của HĐND.
Trường hợp có đơn thư tố cáo đối với người trúng cử đại biểu HĐND nhưng chưa có kết luận, kết quả xác minh, trả lời chính thức của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, thì ủy ban bầu cử các cấp vẫn tiến hành việc xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu HĐND ở cấp mình căn cứ vào các tài liệu, kết luận hiện có.
Các nội dung tố cáo chưa có kết luận hoặc chưa được giải quyết được chuyển cho thường trực HĐND khóa mới để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trường hợp cơ quan chức năng đã có kết luận kiểm tra khẳng định người trúng cử đại biểu HĐND có vi phạm và bị xử lý kỷ luật với hình thức từ khiển trách trở lên thì ủy ban bầu cử cần xem xét, đánh giá cụ thể về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật, không phù hợp với tiêu chuẩn của đại biểu HĐND là phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật đã được quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì ủy ban bầu cử không công nhận tư cách đại biểu HĐND đối với người này.
Trường hợp sau khi người trúng cử đã được xác nhận tư cách đại biểu HĐND mà cơ quan chức năng mới có kết luận khẳng định người này có vi phạm pháp luật, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì thường trực HĐND khóa mới sẽ xem xét, quyết định việc tự mình báo cáo để HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND hoặc theo đề nghị của UBMTTQ Việt Nam cùng cấp báo cáo để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND đối với người có vi phạm theo quy định tại Điều 102 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
CP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin