Thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào

11:06, 28/06/2021

Trên nền tảng của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tiếp tục khẳng định, Việt Nam và Lào sẽ duy trì và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt.

Trên nền tảng của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tiếp tục khẳng định, Việt Nam và Lào sẽ duy trì và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Thongloun Sisoulith (khi đó là Thủ tướng Lào) tháng 12/2020. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Thongloun Sisoulith (khi đó là Thủ tướng Lào) tháng 12/2020. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và phu nhân trong hai ngày (28-29/6) là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Chuyến thăm diễn ra sau khi hai nước tổ chức thành công Đại hội Đảng và bầu ra ban lãnh đạo mới, tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đây là cơ hội để lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Lào cùng trao đổi về tình hình mỗi nước, về định hướng phát triển và chính sách đối ngoại trong thời gian tới.

Ông Thonglun Sisoulith chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hết sức coi trọng và mong muốn vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt với Việt Nam – tình hữu nghị đã được thử thách qua thời gian, thử thách bằng xương, bằng máu trong suốt chiều dài lịch sử chống kẻ thù chung.

Việt Nam và Lào nương tựa vào nhau không phải chỉ vì hai nước có đường biên giới chung dài hơn 2.300 km, không chỉ vì hai nước cùng đi một con đường - con đường tiến lên CNXH mà hơn hết, đó là mối quan hệ dựa trên sự tin cậy, thủy chung, son sắc.

Đối với nhân dân Việt Nam, nhắc đến Lào là nhắc đến những người bạn “trong sáng hiếm có”, cùng nhau kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, nhường cơm sẻ áo để cùng nhau đi tới thắng lợi cuối cùng.

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo hai nước tiếp tục kế thừa và phát triển.

Trong giai đoạn sau chiến tranh, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 18/7/1977. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này.

Trong nhiều năm qua, mối quan hệ chính trị giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể trong quan hệ hai nước.

Dù đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội song lãnh đạo hai nước vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc cấp cao theo hình thức phù hợp nhằm trao đổi kịp thời những vấn đề vướng mắc, tạo sự tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau. Hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng được tăng cường và ngày càng hiệu quả.

Tòa nhà Quốc hội mới của Lào, công trình quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào trở thành biểu tượng cho quan hệ hai nước trong giai đoạn mới. Nằm trên diện tích 23.400 m2, Dự án tòa nhà Quốc hội mới của Lào được xây dựng trên nền tòa nhà Quốc hội cũ với tổng kinh phí hơn 110 triệu USD.

Công trình Nhà Quốc hội Lào mới là quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào, có tổng kinh phí hơn 110 triệu USD. Công trình là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào
Công trình Nhà Quốc hội Lào mới là quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào, có tổng kinh phí hơn 110 triệu USD. Công trình là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào

Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, Việt Nam là một trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Hai nước hiện đang thúc đẩy các dự án kết nối kinh tế và giao thông như Dự án xây dựng tuyến cao tốc Vientiane - Hà Nội, Dự án tuyến đường sắt Khammuan - Vũng Áng… 5 tháng đầu năm nay, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào vẫn đạt trên 570 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam cũng tạo điều kiện để Lào sử dụng cầu cảng Vũng Áng 1,2,3, giúp cho Lào thuận tiện trong việc vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua đường biển.

Hợp tác giáo dục, đào tạo tiếp tục là lĩnh vực được hai nước ưu tiên, coi trọng, để hỗ trợ Lào có đủ nguồn nhân lực chất lượng, phát triển đất nước, trong những năm qua, số lượng học bổng Việt Nam dành cho học sinh-sinh viên Lào ngày càng tăng và năm 2021, con số này đã lên tới 1.220.

Chính trong khó khăn cho dịch bệnh, mối quan hệ Việt - Lào lại một lần nữa ngời sáng. Dù phải đương đầu với đợt dịch thứ tư bùng phát, gây thiệt hại to lớn đến phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam là nước đầu tiên cử chuyên gia và gửi vật tư y tế sang giúp Lào ngay khi Lào đối mặt với làn sóng dịch mới vào tháng 4 vừa qua.

Đáp lại nghĩa cử đó, phía Lào cũng có những hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Trên nền tảng của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith tiếp tục khẳng định, Việt Nam và Lào sẽ  duy trì và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt.

Mối qua hệ đó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đề cao ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi./.

Theo Quốc Phong/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh