Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xây dựng, ban hành văn bản yêu cầu tất cả người làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) tập trung và người làm việc trong các nhà máy phải thực hiện khai báo y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xây dựng, ban hành văn bản yêu cầu tất cả người làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) tập trung và người làm việc trong các nhà máy phải thực hiện khai báo y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Từ diễn biến tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy chúng ta phải phòng ngừa từ sớm, từ xa - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Sáng 24/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Bắc Giang tập trung chống lây nhiễm trong cộng đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp diễn ra an toàn.
Hiện tại, các ca nhiễm mới liên quan đến KCN vẫn tăng ở mức cao, chủ yếu trong khu cách ly, phần lớn của Công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) và với khoảng 4.000 công nhân của công ty này đang cách ly, dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới.
Đáng chú ý, gần đây, mỗi ngày Bắc Giang ghi nhận từ 4 đến 8 ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu do tiếp xúc gần với ca nhiễm trong KCN, vì vậy, tỉnh đang tập trung phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, khu vực nhà trọ công nhân.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đang tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho khoảng 60.000 công nhân ở 61 tỉnh, thành phố làm việc tại 4 KCN đang tạm thời đóng của.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay của Bắc Giang vẫn là công suất xét nghiệm dù đã nâng lên nhưng do vừa tập trung trọng điểm, vừa sàng lọc diện rộng nên mỗi ngày vẫn còn tồn lại 20.000 đến 30.000 mẫu xét nghiệm chưa trả được kết quả trong ngày. Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang lắp đặt thêm máy xét nghiệm để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang.
Bắc Giang cũng đã hoàn thành BV dã chiến số 2 với 620 giường bệnh để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng tỉnh đang thiếu lực lượng vận hành, cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Công an như chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại cuộc làm việc trực tuyến ngày 21/5.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Bắc Ninh lên kế hoạch ứng phó với tình huống có trên 1.000 người mắc
Tại Bắc Ninh, Giám đốc Sở Y tế Tô Thị Mai Hoa cho biết tính đến 6h sáng 24/5, Bắc Ninh phát hiện 499 ca dương tính, trong đó, điều trị trên địa bàn tỉnh 480 ca, với 34 bệnh nhân nặng. Tỉnh đã rà soát được gần 37.000 trường hợp F1 và F2. Trong đó, cách ly y tế 31.000 trường hợp. Tổng số mẫu xét nghiệm 338.786 mẫu, trong đó hơn 335.000 mẫu có kết quả.
Với Công ty SPICA ELASTIC Việt Nam (KCN Quế Võ 1), ngày 20/5 ghi nhận 1 ca dương tính, có 290 F1 và đến nay ghi nhận thêm 15 ca dương tính. Ứng phó với chùm ca này, Bắc Ninh đã khoanh vùng tại Quế Võ và đơn vị liên quan. Tất cả công nhân nhà máy được coi là F1 và đang được lấy mẫu gộp cùng các thành viên gia đình.
Ổ dịch trong công ty Canon đã kiểm soát được và ngày 24/5 Canon sẽ đưa 200 công nhân đến vệ sinh nhà máy và dự kiến ngày 25/5 trở lại hoạt động.
Trong đêm 23/5, Bắc Ninh phát hiện 1 chùm ca bệnh trong cộng đồng, với 17 ca ở xã Nguyệt Đức (huyện Thuận Thành). Xã Nguyệt Đức đã được phong toả theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ đêm qua và làm xét nghiệm cho 1.300 người ở thôn phát hiện ca mắc và có 17 mẫu dương tính.
Tiếp tục truy vết các trường hợp liên quan đến một số công ty và người lao động có mối liên hệ đến các ổ dịch trong KCN tại Bắc Ninh và Bắc Giang, và người dân có triệu chứng sốt.
Thành lập các đội phản ứng nhanh xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh ở các khu cách ly tập trung có biểu hiện bất thường về các cơ sở y tế để điều trị. Tại các cơ sở y tế, tiến hành xét nghiệm sàng lọc mỗi lần trong 3-5 ngày.
Bắc Ninh đang xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống có trên 1.000 người mắc, trong đó, dự kiến 25-30% ca nặng và 10% ca rất nặng. Đồng thời, sẵn sàng cho kịch bản 30.000 ca mắc theo dự liệu của Bộ Y tế.
Cần hướng dẫn mới về xét nghiệm, cách ly trong KCN
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, diễn biến dịch bệnh trong các KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay có hàng chục nghìn F1 nên cần có những biện pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt, sáng tạo thay vì áp dụng theo đúng những hướng dẫn đã có.
Ông Trần Đắc Phu phân tích: Trong một nhà máy khi có ca nhiễm thì toàn bộ công nhân nhà máy đó được coi là F1 và được xét nghiệm PCR theo mẫu đơn, phải cách ly tập trung.
Tuy nhiên, thay vì áp dụng máy móc như vậy, chúng ta cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng, những F1 ít nguy cơ hơn để từ đó áp dụng kết hợp xét nghiệm PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm mẫu gộp nhiều mẫu đơn, cũng như có thể thực hiện cách ly tập trung đối với F1 nguy cơ cao; cách ly nghiêm ngặt tại nhà đối với F1 nguy cơ thấp như chúng ta đã cách ly tại nhà đối với F2.
“Bộ Y tế cần có ngay hướng dẫn về vấn đề này, trước mắt có thể áp dụng trong các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh, kể cả cách ly F1, F2”, ông Trần Đắc Phu kiến nghị.
Cùng chung quan điểm này, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về cách ly y tế F1 tại nhà để tỉnh chuẩn bị phương án triển khai thí điểm trong thời gian tới trong tình huống số ca mắc, số F1 tăng cao.
Bên cạnh đó, Bắc Giang, Bắc Ninh cũng đang lên phương án mở cửa cho các nhà máy, KCN hoạt động trở lại, có sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, hai tỉnh này đang rất chờ đợi có càng sớm càng tốt các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT.
Tại cuộc làm việc, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo cũng đã trình bày các khuyến nghị để mở cửa trở lại, duy trì sản xuất an toàn cho các nhà máy, KCN.
Ngoài việc tuân thủ đầy đủ tất cả các biện pháp phòng, chống dịch, các nhà máy, KCN phải thực hiện phân vùng khu vực, bộ phận, phân xưởng sản xuất, điều chỉnh phân ca sản xuất theo địa bàn cư trú của công nhân, để nơi nào có ca nhiễm thì khoanh vùng lập tức, xét nghiệm trả kết quả trong vòng 24 giờ, những bộ phận, khu vực khác vẫn tiếp tục duy trì sản xuất.
Các công nhân phải khai báo y tế, được theo dõi sức khỏe, xét nghiệm định kỳ với sự tham gia của DN cùng với Nhà nước.
Các DN cũng cần có những quy định cụ thể hạn chế số người tiếp xúc của mỗi công nhân, hết sức chú ý đến những bộ phận gián tiếp, hành chính vốn tiếp xúc nhiều với các phân xưởng, khu vực sản xuất khác nhau.
Linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm để duy trì sản xuất công nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực phòng, chống dịch liên tục, không biết mệt mỏi của Bắc Ninh, Bắc Giang những ngày qua, góp phần bảo đảm an toàn, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Nhấn mạnh Bắc Ninh, Bắc Giang là hai tỉnh đầu tiên “thực chiến” phòng chống dịch bệnh trong KCN, Phó Thủ tướng đề nghị: Trên tinh thần là “tướng chiến trường”, tất cả các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế, các bộ, ngành nếu chưa phù hợp trong thực tiễn thì hai tỉnh linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho các KCN khác, cho các tỉnh khác.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Quy định chung trước đây là F1 phải cách ly tập trung, xét nghiệm PCR mẫu đơn, bây giờ trong KCN không thể cứng nhắc như vậy. Chúng ta muốn đưa nhà máy, KCN trở lại hoạt động từng phần một thì phải linh hoạt hơn.
Hay trước đây trong các nhà máy, việc phân ca, phân kíp, tổ chức sản xuất không quan tâm nhiều đến việc công nhân ở đâu, chỗ nào thì bây giờ khi hoạt động trở lại, kết hợp với việc tổ chức lại sản xuất bên trong phải gắn với bố trí nơi ở bên ngoài của công nhân.
Phó Thủ tướng nhắc lại thực tiễn nếu những công nhân có nguy cơ được quản lý thật chặt tại nơi ở, thực ra là một hình thức cách ly, rồi có xe đưa đến nơi làm việc, bố trí sản xuất an toàn thì còn an toàn hơn là dừng toàn bộ hoạt động một nhà máy, KCN và đưa mấy chục nghìn người vào các khu cách ly tập trung.
“Đây là thực tiễn mà hướng dẫn trước đây không còn phù hợp và phải điều chỉnh”. Bộ Y tế phải ra văn bản điều chỉnh ngay lập tức để Bắc Ninh, Bắc Giang linh hoạt làm mẫu, đúc rút, kết quả tốt thì nhân ra toàn quốc.
Trước thực tế không thể xét nghiệm hằng ngày cho toàn bộ một nhà máy có hàng nghìn công nhân, một KCN có hàng trăm nghìn công nhân, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ để tính toán, chỉ ra những phân xưởng, nhà máy, bộ phận sản xuất, đối tượng cần được xét nghiệm sàng lọc theo từng ngày, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Khai báo y tế tất cả công nhân để phòng ngừa từ sớm
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT phối hợp, ban hành văn bản hướng dẫn yêu cầu tất cả người làm việc trong các KCN tập trung và người làm việc trong các nhà máy phải thực hiện khai báo y tế.
“Diễn biến tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy chúng ta phải phòng ngừa từ sớm, từ xa. Nếu có thêm nhiều tỉnh xuất hiện dịch bệnh trong KCN mà không có khai báo y tế trước, không đánh giá được nguy cơ thì sẽ rất lúng túng, Khi dịch bùng phát trong cụm công nghiệp ở TP. Chí Linh (Hải Dương), Ban Chỉ đạo đã quán triệt nhưng các tỉnh thực hiện chưa nghiêm túc.
Chúng ta đều có hướng dẫn từng nhà máy, xí nghiệp bất kể ở đâu, đều phải tự đánh giá việc thực hiện phòng chống dịch bệnh và cập nhật thông tin lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn) nhưng mới được rất ít. Bộ Công Thương, chính quyền địa phương phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.
Về khó khăn trong thu hoạch nông sản ở vùng có dịch, Phó Thủ tướng nhắc lại thực tiễn ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và đề nghị Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh khác sau này phải rất linh hoạt, không cứng nhắc.
Người ở cùng một nhà trong thôn, xã thực hiện giãn cách xã hội thì khi ra đồng, ra ngoài làm việc trong môi trường thoáng khí, ngoài trời thì chỉ cần giữ khoảng cách với thành viên hộ gia đình khác, máy móc dùng chung thì sát khuẩn trước khi chuyển lại cho người khác dùng.
“Phong tỏa 1 xã mà ngoài đồng cũng vắng theo thì nông sản thu hoạch thế nào, tiêu thụ ra sao. Các đồng chí phải rất sáng tạo”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng thông tin về khó khăn thu hoạch và tiêu thụ một số mặt hàng nông sản như dứa, vải (dự kiến toàn vụ thu hoạch 180.000 tấn, giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng), lúa mùa. “Hiện nay, Bắc Giang đã thu hoạch vải sớm. Các quy trình đưa vải đi tiêu thụ đều làm rất chặt chẽ. Từng lô hàng đều có QR code thể hiện thông tin về vùng vải, người thu hoạch, bảo quản, vận chuyển… Tuy nhiên, khi bước vào chính vụ, mỗi ngày sẽ phải có khoảng 600 đến 700 container mới giải tỏa hết lượng vải thu hoạch trong ngày. Vì vậy Bắc Giang mong muốn các địa phương tạo điều kiện để việc thông thương hàng hóa không bị ách tắc", ông Lê Ánh Dương trao đổi. |
Theo Đình Nam/Báo Chính phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin