Thủ tướng phê bình, nhắc nhở 8 địa phương trong phòng chống dịch Covid-19

08:05, 03/05/2021

Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 570/CĐ-TTg ngày 2/5/2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Bí thư, Chủ tịch UNBD, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương rà soát, xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định đối với các địa phương: Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng… đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Đồng thời, để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường công tác phòng chống dịch, Thủ tướng phê bình, nhắc nhở, yêu cầu một số địa phương thực hiện tốt một số nội dung.

Trong đó, các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng;

Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai các khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương;

Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bám sát quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Thủ tướng giao Bộ Y tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này; tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và điều kiện phòng chống dịch ở các địa phương.

Đồng thời, cũng tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Tổ công tác liên ngành gồm 5 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài.

Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch và sẽ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp.

Xây dựng cáo cáo chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca nhiễm Covid-19

Bộ Y tế rà soát toàn bộ số vắc-xin phòng dịch Covid-19 còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết số vắc-xin này nhanh nhất và công bố trên thông tin đại chúng để cho nhân dân biết và giám sát.

Đồng thời, rà soát, xem xét tiếp cận nhiều nguồn vắc-xin nhất có thể để chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng tính cạnh tranh và các sinh phẩm xét nghiệm mới, hiện đại, tập trung đàm phán với các đối tác, tận dụng các mối quan hệ, tổ chức mua và kiểm soát được nguồn cung cấp, chất lượng, giá vắc-xin và các sinh phẩm xét nghiệm một cách công khai, minh bạch.

Quản lý và sử dụng có hiệu quả, kịp thời nguồn tài chính ngân sách đã được bố trí. Đồng thời có cơ chế, chính sách và các giải pháp kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp và người dân tích cực, chủ động tham gia xã hội hóa trên cơ sở đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua bán, sử dụng vắc-xin.

Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng Báo cáo và Tờ trình ngắn gọn xin ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 5/2021 cho một số chủ trương lớn, trong đó chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca nhiễm Covid-19 để Bộ Y tế có cơ sở thực hiện mua trang thiết bị dự trữ; phương án thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vắc-xin.

Theo NLĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh