Với 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, kể từ khi được giác ngộ lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí Phùng Chí Kiên- nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng- đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
(VLO) Với 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, kể từ khi được giác ngộ lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí Phùng Chí Kiên- nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng- đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đồng chí là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị, quân sự song toàn, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Đồng chí Phùng Chí Kiên. |
Đồng chí Phùng Chí Kiên có tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18/5/1901 trong một gia đình nông dân nghèo, tại một làng quê ven biển (nay thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), đồng chí Phùng Chí Kiên từ nhỏ đã chứng kiến nhiều nỗi đau thương, thống khổ của người dân dưới ách nô dịch, đô hộ của thực dân Pháp…
Cùng thế hệ những người thanh niên yêu nước tiêu biểu của xứ Nghệ như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long…, Nguyễn Vĩ sớm thoát ly đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, để thực hiện hoài bão vì nước, vì dân của cuộc đời mình.
Tháng 6/1926, Nguyễn Vĩ tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trực tiếp giảng dạy tại trụ sở Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (nay là số 248-250 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc).
Tại đây, Nguyễn Vĩ được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt bí danh là Phùng Chí Kiên. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc đã nâng cao nhận thức của đồng chí lên một tầm cao mới, đặc biệt vấn đề hình thức và phương pháp tổ chức Đảng Cộng sản, vấn đề Công hội, Nông hội, Phụ nữ, Thanh niên, Hợp tác xã; về con đường cách mạng Việt Nam...
Phùng Chí Kiên đã có bước chuyển trong tư tưởng- từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa Marx- Lenin, chủ nghĩa cộng sản và tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Lớp học kết thúc, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Năm 1927, đồng chí Phùng Chí Kiên được cử đi học tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Tháng 12/1927, đồng chí tham gia khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo; rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi luyện trong Hồng quân Trung Quốc. Tháng 12/1930, đồng chí được Đảng gọi về Hong Kong, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương...
Giai đoạn 1931-1934, đồng chí được cử đi học tại Trường ĐH Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moscow. Năm 1934, đồng chí về Trung Quốc, bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong và tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đồng chí tham dự Đại hội Đảng lần thứ I (tại Ma Cao, Trung Quốc, từ 27- 31/3/1935), với đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Thư ký (Tổng Bí thư) của Đảng.
Năm 1937, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn về nước cùng BCH Trung ương chỉ đạo phong trào cách mạng.
Tháng 9/1937, đồng chí tham dự Hội nghị toàn thể BCH Trung ương (mở rộng) tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định và được bầu vào BCH Trung ương, gồm 11 đồng chí, trong đó Nguyễn Ái Quốc và Lê Hồng Phong hoạt động ngoài xứ.
Sau đó, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, cùng 4 ủy viên: Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Ngân, Nguyễn Văn Cừ, với Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư.
Tháng 3/1938, BCH Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn thể tại Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị kiện toàn BCH Trung ương Đảng gồm 11 ủy viên, trong đó 2 ủy viên Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô và Phùng Chí Kiên ở Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư.
Ngày 28/1/1941, đồng chí Phùng Chí Kiên và một số đồng chí khác tháp tùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, mở ra một thời kỳ mới của phong trào cách mạng Việt Nam.
Tháng 5/1941, đồng chí tham dự Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 từ ngày 10- 19/5/1941 và được cử vào BCH Trung ương, được phân công phụ trách công tác quân sự của Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn- Võ Nhai…
Ban Thường vụ Trung ương Đảng cử đồng chí làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Đội Cứu quốc quân (tiền thân là Bộ đội du kích Bắc Sơn).
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chống địch khủng bố, bảo vệ Trung ương Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng và bảo vệ nhân dân, đồng chí Phùng Chí Kiên đã anh dũng hy sinh ngày 22/8/1941 tại làng Khau Pàn, xã Bằng Đức, châu Ngân Sơn (Bắc Kạn), khi mới tròn 40 tuổi- độ tuổi sung sức, chín muồi và đầy triển vọng của một tài năng chính trị, quân sự song toàn…
Trong thư gửi Hội thảo khoa học về đồng chí Phùng Chí Kiên, được tổ chức tại quê hương đồng chí, ngày 18/8/2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp- vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam- đã viết: “Đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một cán bộ cấp cao của Đảng được Bác Hồ và Trung ương phân công phụ trách quân sự đầu tiên.
Đồng chí là một cán bộ có đức độ và tài năng cả chính trị và quân sự, được đào tạo cơ bản, nhạy bén phát hiện tình hình, sống gần gũi, hòa mình với đồng chí, đồng bào, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bác và Trung ương.
Đồng chí Phùng Chí Kiên là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối đã có công lao to lớn đối với Đảng ta, quân đội ta, không chỉ về mặt tổ chức mà cả về mặt đường lối cách mạng”.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
PV (lược trích)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin