Lựa chọn đại biểu Quốc hội: Lá phiếu nhỏ, trách nhiệm lớn

12:05, 03/05/2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ lựa chọn, bầu ra những đại biểu thực sự có đức, có tài.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ lựa chọn, bầu ra những đại biểu thực sự có đức, có tài.

Tranh tuyên truyền, cổ động bầu cử được đặt trước Quận ủy Đống Đa. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tranh tuyên truyền, cổ động bầu cử được đặt trước Quận ủy Đống Đa. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

75 năm đã qua nhưng những bài học từ cuộc bầu cử đầu tiên (6/1/1946) vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

Đó là trách nhiệm của Hội đồng bầu cử và cử tri cả nước khi bỏ lá phiếu để lựa chọn những người tài đức, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, với mục đích cao nhất là “vì vận mệnh quốc gia, dân tộc”.

Thực tế cho thấy chất lượng đại biểu dân cử có vai trò quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do vậy, để đảm nhận được trọng trách thiêng liêng trước dân tộc, mỗi đại biểu Quốc hội phải là những người có năng lực trí tuệ và đạo đức xứng đáng.

Bởi thế, cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước.

Điều đó thể hiện đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 toàn quốc sẽ diễn ra trong ngày 23/5 tới đây sẽ là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

“Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu thực sự có đức, có tài.

Nói như vậy để thấy rằng cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng, chúng ta phải tập trung chỉ đạo làm sao cho thật sự dân chủ, đoàn kết, chọn được những đại biểu xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị," Tổng Bí thư nêu rõ.

Đây cũng chính là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cử tri trong việc lựa chọn và bỏ những lá phiếu mang “sức nặng” quyết định vận mệnh của dân tộc trong giai đoạn mới.

Bài 1: Bài học từ phát huy dân chủ, “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện trọng đại của đất nước và là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội.

Vì vậy, càng gần đến ngày bầu cử, không khí chuẩn bị cho ngày hội toàn dân của các địa phương cũng diễn ra hết sức khẩn trương và sôi nổi.

Đời sống đổi thay bắt đầu từ những lá phiếu

19 giờ tối, bà Trần Thị Ánh, đại diện tổ dân cư số 4, phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lật giở từng trang giấy trong quyển sổ ghi nhân khẩu của địa bàn.

Dõi đôi mắt qua cặp kính lão, chăm chú liệt kê từng hộ dân đã được lên danh sách xem còn thiếu sót ai, bà bảo: “Cả tuần nay, cứ tranh thủ vào giờ nghỉ trưa hay tối là lại lóc cóc cầm theo quyển sổ để đi từng ngõ, gõ từng nhà nhằm lập danh sách cử tri đi bầu cử.”

Để tất cả các cử tri hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm đi bỏ phiếu, theo bà, phía Ủy ban Nhân dân phường đã yêu cầu các tổ dân phố phải có trách nhiệm thống kê, vận động và thông báo kế hoạch, chương trình cho người dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trên địa bàn sắp diễn ra vào ngày 23/5/2021 tới đây.

Với khu dân cư có hàng nghìn nhân khẩu, bà Ánh cho biết để công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo, chặt chẽ, ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác triển khai, tổ chức bầu cử; làm chặt chẽ, đúng thời điểm và quy định mọi công việc, mọi khâu chuẩn bị, các bước quy trình theo đúng hướng dẫn.

“Ngoài các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ dân cư cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa quan trọng của sự kiện chính trị trọng đại này và tầm quan trọng của lá phiếu bầu,” bà Ánh chia sẻ.

Trải qua nhiều lần làm công tác chuẩn bị bầu cử qua các nhiệm kỳ, theo bà Ánh, kỳ bầu cử năm nay có sự khác biệt lớn, đó là trong bối cảnh diễn biến của dịch COVID-19 hết sức phức tạp, tình hình chính trị, kinh tế-xã hội trong nước và thế giới đã có sự đổi thay.

Vì thế, việc lựa chọn ra các đại biểu xứng đáng với niềm tin gửi gắm của cử tri thông qua lá phiếu là hết sức quan trọng cho vận mệnh của dân tộc, đất nước…

Những ngày này, người dân huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) đang háo hức đón chờ sự kiện chính trị quan trọng này bằng niềm tin và sự phấn khởi, gửi gắm tâm huyết tới những Người đại diện cao nhất của nhân dân tại nghị trường Quốc hội đang là thực trạng chung.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên cho hay hiện nay các phòng, ban chức năng của huyện Việt Yên đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Từ công tác lên danh sách các đại biểu tham gia ứng cử, địa điểm bỏ phiếu, công tác hậu cần cho ngày bầu cử và đảm bảo an ninh trật tự… đều được các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên bàn bạc, lên phương án hết sức kỹ lưỡng. 

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên. (Ảnh: Phan Lâm/Vietnam+)
Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên. (Ảnh: Phan Lâm/Vietnam+)

Đặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cử tri được quan tâm sâu sắc từ hệ thống cơ sở và các chuyên đề thường xuyên để người dân hiểu rõ và thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cử tri trong việc lựa chọn đại biểu xuất sắc trong ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ tới.

“Qua theo dõi việc phát biểu tại nghị trường và hoạt động chất vấn các Tư lệnh ngành, nhìn chung các câu hỏi đã rải đều hơn và có sự tranh luận sôi nổi của nhiều đại biểu, Tuy vậy, cử tri cũng kỳ vọng các đại biểu quan tâm đầu tư nhiều hơn về thời gian trong việc nghiên cứu chuẩn bị, giám sát nắm bắt tình hình của cử tri về việc chất vất đại biểu và phát biểu ý kiến tại nghị trường,” ông Nguyễn Đại Lượng nói.

Còn theo ông Dương Minh Bùi, Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Việt Yên, thành viên Ban pháp chế và Tổ trưởng tổ Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Việt Yên, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp đã hoàn thành rất tốt chức năng nhiệm vụ của cơ quan dân cử, đại diện cho cử tri cả nước.

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, ông Bùi rất phấn khởi khi đất nước đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế-xã hội vượt bậc, hội nhập sâu với thế giới, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như thời gian vừa qua, song với bản lĩnh vững vàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, con thuyền kinh tế của đất nước đã vững vàng vượt qua sóng gió.

“Đổi thay của nhiều địa phương hôm nay được cử tri cho rằng lá phiếu mà họ đã bầu chọn người đại diện cho tiếng nói của mình trong thời gian qua là đúng. Điều đó được thể hiện ở hầu hết các địa phương của tỉnh, ngay cả ở những xã vùng sâu, vùng xa,” ông Dương Minh Bùi nói.

Đón “đại bàng” không quên phát triển bền vững

Hiện nay, Việt Yên là một trong những địa phương thu hút sự chú ý của các “đại bàng” lớn nhờ sự kết nối giao thông thuận tiện giữa đường bộ và đường thủy để phát triển du lịch.

Hơn nữa, những ưu thế nổi bật trong việc phát triển các làng nghề truyền thống để từ đó có thể hình thành tổ hợp các đô thị sinh thái và du lịch tại địa phương đã và đang giúp Việt Yên có thể phát huy các lợi thế tiềm năng.

Ông Dương Minh Bùi chia sẻ, với định hướng hiện nay, các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào Việt Yên đều được công khai các thông tin và cơ chế chính sách của huyện đồng thời nhân dân cũng kỳ vọng sự đổi thay từ sự mời gọi đầu tư này sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần của người dân địa phương.

Ông Dương Minh Bùi, Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Việt Yên, thành viên Ban pháp chế và Tổ trưởng tổ Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Việt Yên. (Ảnh: Phan Lâm/Vietnam+)
Ông Dương Minh Bùi, Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Việt Yên, thành viên Ban pháp chế và Tổ trưởng tổ Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Việt Yên. (Ảnh: Phan Lâm/Vietnam+)

Song với tư cách là một đại biểu Hội đồng nhân dân, ông cũng luôn nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn của cử tri về xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xóa đói giảm nghèo…; trong đó nhiều cử tri đề nghị các cấp khi xét duyệt dự án cần thực hiện đầy đủ các quy trình pháp luật, xin ý kiến của nhân dân để đóng góp nâng cao chất lượng đầu tư, nâng cao tính dân chủ giữa người dân-doanh nghiệp và chính quyền.

“Là cử tri huyện Việt Yên, tôi kỳ vọng ứng cử viên của Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa tới là những đại biểu với tâm và tầm của mình sẽ mang hết trách nhiệm, khả năng phục vụ đất nước và nhân dân đồng thời kịp thời nắm bắt đúng, nhanh nhạy tâm tư tình cảm của cử tri với cơ quan chức năng và đeo bám giải quyết rõ vấn đề sự việc, nguyện vọng của cử tri là người bầu ra mình, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh,” ông Dương Minh Bùi chia sẻ.

Thực tế cho thấy hoạt động của Quốc hội, nhất là các phiên chất vấn và thảo luận tại nghị trường, luôn thu hút sự quan tâm của cử tri và người dân cả nước.

Đặc biệt, cách thức đổi mới hỏi nhanh, đáp gọn được các cử tri đánh giá cao, bởi số lượng câu hỏi gửi đến các Tư lệnh ngành nhiều hơn cũng như đi thẳng vào câu hỏi để trả lời đúng, trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm.

“Việc nêu câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn đã có chiều sâu, đi vào thực chất và hiệu quả. Tuy nhiên, để nhân dân và cử tri cả nước ngày càng quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng hơn vào hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như đặt niềm tin vào vai trò của đại biểu Quốc hội, các phiên chất vấn cần tiếp tục phát huy dân chủ.

Các đại biểu chất vấn cần thẳng thắn đề xuất, kiến nghị giải pháp phát huy mặt tốt và khắc phục mặt chưa tốt đồng thời người được chất vấn cũng cần thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, nhận lấy trách nhiệm và nỗ lực trong khắc phục yếu kém về quản lý, xây dựng phát triển,” cử tri Nguyễn Việt Hùng đề nghị.

Là người sinh sống tại xã Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, anh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, người dân nơi đây cảm nhận rõ rệt từ những ngày đầu vô vàn khó khăn, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân, Việt Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đã đạt chuẩn nông thôn mới cách đây 3 năm.

“Các đại biểu chính quyền các cấp tại xã, huyện được người dân bầu ra đã có những định hướng và tập trung giải quyết thấu đáo các kiến nghị của người dân đồng thời tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để thu hút nhà đầu tư giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương,” anh Thắng nói.

Theo anh Thắng, đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp phải ưu tiên quan điểm thân dân, lấy dân làm gốc để từ đó mọi quyết sách hợp lòng dân, ý Đảng sẽ thúc đẩy “con tàu” kinh tế của địa phương và đất nước vững bước, đi đôi với đảm bảo dân sinh, an ninh quốc phòng và bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước./.

Bài 2: Đại biểu quốc hội: Cần những người hội đủ đức, tâm và tầm

Nhóm PV (Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh