"Kỳ vọng của Tổng Bí thư về giai đoạn phát triển mới của đất nước sẽ thành hiện thực"

Cập nhật, 14:01, Thứ Năm, 27/05/2021 (GMT+7)

GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, có cơ sở để tin rằng, đất nước Việt Nam phát triển và niềm tin của Tổng Bí thư cũng là niềm tin của mọi cán bộ đảng viên và nhân dân sẽ trở thành hiện thực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân tại điểm bầu cử ở phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Toàn)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân tại điểm bầu cử ở phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Toàn)

Với hơn 68 triệu lá phiếu của cử tri để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; gần 4.000 đại biểu HĐND cấp tỉnh và thành phố; hơn 2 vạn đại biểu HĐND cấp huyện; hơn 24 vạn đại biểu HĐND cấp xã, phường, người dân cả nước vừa trải qua cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Không chỉ lớn nhất về quy mô, mà cuộc bầu cử lần này, như lời người đứng đầu Đảng ta, có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra khi đất nước ta đã trải qua hơn 75 năm giành được độc lập, 14 kỳ bầu cử Quốc hội, 35 năm đổi mới, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2021) và đang bước vào giai đoạn mới, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới.

Đặc biệt hơn cả, khi chúng ta vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đảng bộ các cấp, đang triển khai thực hiện các nghị quyết, đưa các nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự là của dân, do dân và vì dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Vì vậy, kỳ bầu cử Quốc hội lần này càng thêm phần quan trọng, bởi đây là dịp để mỗi người dân phát huy và thực hiện quyền làm chủ của mình, lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp trong 5 năm tới.

Đây cũng là những đại diện tiêu biểu của cử tri, phản ánh tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người dân trong mỗi quyết sách phát triển địa phương, đất nước thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo chí sau khi bỏ phiếu. (Ảnh: Vũ Toàn)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo chí sau khi bỏ phiếu. (Ảnh: Vũ Toàn)

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng như vậy, ngay sau khi thực hiện quyền công dân, trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự tin tưởng, đất nước ta sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, ngày càng tốt đẹp hơn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Chia sẻ với suy nghĩ, mong muốn của người đứng đầu Đảng ta, GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã khẳng định phải phấn đấu thực hiện cho được khát vọng Việt Nam, khát vọng phát triển để dân tộc cường thịnh và trường tồn; để giữa thế kỷ XXI này, thời điểm Đảng ta, đất nước ta bước vào mốc 100 năm lịch sử, Việt Nam phải là nước phát triển và có thu nhập cao trong đời sống của thế giới.

Khát vọng đó sẽ làm cho dân tộc Việt Nam phải đủ sức sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn.

GS Hoàng Chí Bảo khẳng định, với tất cả những thành tựu chúng ta đã đạt được, những kinh nghiệm đã tích lũy và nhất là bản lĩnh của Đảng qua những khó khăn, thử thách như vừa qua vẫn vượt lên và lấy lại được niềm tin của nhân dân, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, đất nước Việt Nam phát triển và niềm tin của Tổng Bí thư cũng là niềm tin của mọi cán bộ đảng viên và nhân dân sẽ trở thành hiện thực.

Để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, gặt hái được những thành công như phát biểu của Tổng Bí thư, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, chúng ta cần có những đột phá để vượt qua 3 điểm nghẽn đang tồn tại.

Điều này cũng đã được Đảng ta nêu rõ trong văn kiện và trên thực tế đã chứng minh chúng ta rất cần những đột phá để phát triển, nếu muốn phấn đấu để phát triển nhanh và bền vững, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào thế giới.

Muốn đột phá phải nhận thức rõ những cản trở hay những điểm nghẽn để vượt qua. Cụ thể, theo GS Hoàng Chí Bảo, điểm nghẽn thứ nhất là thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường.

Điểm nghẽn thứ hai là hạ tầng cơ sở và kỹ thuật, điều này rất quan trọng và bức xúc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi phải có sự phát triển mới về hạ tầng cơ sở kỹ thuật.

Điểm nghẽn thứ ba cũng rất nhức nhối đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa để có được thương hiệu trong nền kinh tế thế giới.

GS Hoàng Chí Bảo (Ảnh: Thi Uyên)
GS Hoàng Chí Bảo (Ảnh: Thi Uyên)

Tương ứng với 3 điểm nghẽn đó, GS Hoàng Chí Bảo đưa ra 3 đột phá mà chúng ta cần vượt qua. Đó là đột phá từ thể chế, gồm thể chế kinh tế thị trường, thể chế quản lý xã hội, xây dựng nhà nước và lập pháp hoàn thiện, thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, kỷ cương.

Đột phá thứ hai là tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật thật tốt mới đủ sức hấp dẫn và thu hút đầu tư nước ngoài.

Đột phá thứ ba phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo nhân lực chất lượng cao là mối quan tâm đặc biệt của Đảng ta hiện nay, trong đó đặc biệt chú trọng phát hiện người tài, sử dụng người tài, trọng đãi hiền tài giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng./.

Theo Thanh Hà/VOV.VN