Ngày 5/4, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và cử tri cả nước.
Ngày 5/4, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và cử tri cả nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ năm 1945, người đứng đầu Chính phủ được Quốc hội bầu giữ trọng trách Chủ tịch nước. Đó là Chủ tich nước Nguyễn Xuân Phúc.
Theo quy định hiện hành, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, với 8 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh”...
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đoàn Hà Nội. |
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đoàn Hà Nội nhận định, qua hai nhiệm kỳ làm Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nhiều thuận lợi khi đảm nhiệm cương vị thay mặt cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại. Đó là sự dày dạn kinh nghiệm điều hành Chính phủ và xử lý các vấn đề cấp bách về quốc kế dân sinh.
Giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển’" làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, đây là “hành trang” quý giá để Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận nhiệm vụ mới và thuận lợi trong đối nội.
“Tôi tin rằng ở vai trò mới, đặc biệt là kinh nghiệm dày dặn về đối ngoại, đặc biệt là phẩm chất “gần dân, luôn lắng nghe nhân dân”, Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia và là người đứng đầu Nhà nước về đối nội, đối ngoại”, đại biểu đoàn Hà Nội khẳng định.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh |
Đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ kỳ vọng tân Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, từ đó góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi thu hút các nguồn lực phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền.
“Tôi mong muốn Chủ tịch nước có nhiều đối sách quan trọng, đặc biệt là tiếp tục những mối quan hệ đối với bạn bè quốc tế đã phát huy tốt trong nhiệm kỳ qua. Nhiệm kỳ tới về phương diện ngoại giao, Chủ tịch nước giữ những mối liên hệ với các nước bạn, các nước láng giềng - những nước có tình cảm tốt đẹp với nhân dân Việt Nam.
Phát huy những mối quan hệ mới để nhận được sự ủng hộ cao của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp xây dựng…”, đại biểu Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Chuyển hóa cơ đồ, vị thế thành động lực cho đất nước
Theo các đại biểu, trong thời gian tới, cả cơ hội và thách thức phát triển của Việt Nam sẽ ngày càng lớn. Con thuyền Việt Nam lớn nhanh thì sóng gió cũng lớn nhanh.
Hơn nữa, cục diện địa chính trị và cạnh tranh kinh tế sẽ không chỉ khốc liệt hơn trước mà còn có những yếu tố bất thường đòi hỏi người thuyền trưởng phải ứng đáp rất tỉnh táo và quả cảm với sự đồng lòng rất cao của toàn xã hội.
Giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa trọng yếu trong kiến tạo nền tảng cho hành trình để Việt Nam làm nên kỳ tích phát triển trong 2-3 thập kỷ tới, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.
Đại biểu Trần Văn Xuyền, đoàn Thái Bình |
“Đây là thời kỳ chuyển giao thế hệ lãnh đạo, bộ máy mới. Trước yêu cầu đặt ra của đất nước trong thời gian tới, tôi kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn đáp ứng nguyện vọng của đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước đưa đất nước ta phát triển nhanh bền vững, đạt được các chỉ tiêu nhiệm vụ Đại hội XIII đề ra…”, đại biểu Trần Văn Xuyền, đoàn Thái Bình bày tỏ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM cho rằng, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm rút ra từ 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tạo ra dấu ấn trong nhiệm kỳ vừa qua như quy mô nền kinh tế, kinh tế vĩ mô.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Từ những mục tiêu, khát vọng đó, kỳ vọng ở tân Thủ tướng sẽ chuyển được những động lực, bài học của chúng ta trong nhiệm kỳ vừa qua đi vào cuộc sống.
Ông Trần Hoàng Ngân kỳ vọng vào tân Thủ tướng Phạm Minh Chính làm sao chuyển hóa cơ đồ, tiềm lực, vị thế đó thành những động lực mạnh mẽ giúp Việt Nam trở thành nước phát triển, phồn thịnh, hạnh phúc.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM |
Trong nhiệm kỳ tới chúng ta cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chính kinh tế vĩ mô ổn định đã giúp Việt Nam vượt qua những thách thức, khó khăn vừa qua. Điểm thứ hai đó là trong thời gian tới, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, giáo dục, môi trường.
“Chúng ta đang động viên, kêu gọi người dân Việt Nam nhất là thế hệ thanh niên phải có khát vọng vươn lên, phát huy được truyền thống tốt đẹp của đất nước. Vấn đề còn lại là làm sao để phát huy được khát vọng đó. Làm sao để truyền lửa cho thanh niên ngày nay dám nghĩ, dám làm, phải có những đổi mới sáng tạo”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Một điểm quan trọng nữa đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, phải tiếp tục tích cực chống tiêu cực, tham nhũng, bằng cách bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dám dấn thân vì lợi ích tập thể, muốn vậy phải xoay quanh vấn đề cho giáo dục.
“Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục, đầu tư ở đây không phải là kêu gọi tiếp tục đổi mới. Đầu tư ở đây là phải toàn diện, đúng mực, theo hướng hiện đại, tập trung giáo dục nhân cách, làm người, sống phải biết nghĩ cho gia đình, xã hội”, đại biểu TPHCM chỉ rõ.
Về đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tập trung đầu tư hạ tầng thiết chế văn hóa như các trường đào tạo về lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, cần dày công đầu tư cho các tác phẩm văn học nghệ thuật thực sự có tầm vóc./.
Theo Ngọc Thành-Vân Anh-Hoàng Lê/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin