Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Cần có thêm giải pháp để thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm

07:03, 30/03/2021

Đóng góp báo cáo nhiệm kỳ 2016- 2021 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đơn vị tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nhiệm kỳ qua Chính phủ thực hiện tốt phương châm "Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân".

 

(VLO) Đóng góp báo cáo nhiệm kỳ 2016- 2021 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đơn vị tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nhiệm kỳ qua Chính phủ thực hiện tốt phương châm “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, dưới góc độ của một đại biểu mang ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội, cử tri cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng ghi nhận nhiều kết quả đạt được của Chính phủ nhưng vẫn còn một số nguyện vọng gửi gắm trong thời gian tới.

Theo đó, đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật, trong thời gian tới khi xây dựng các dự án luật, cần khắc phục thực trạng trong một đạo luật trình Quốc hội cho ý kiến thì không để quá nhiều điều luật giao cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; có những điều luật hướng dẫn còn chung chung, không xác định rõ giới hạn và phạm vi cụ thể, thậm chí có những nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các dự luật và các văn bản dưới luật.

Đặc biệt, có tình trạng luật khi có hiệu lực thi hành vẫn phải chờ Nghị định, chờ Thông tư, điều này làm cho luật chậm đi vào cuộc sống và gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật.  

Cử tri và nhân dân quan tâm Chính phủ cần có thêm giải pháp để thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có ĐBSCL để từ đó có thể khơi dậy tiềm năng, động lực phát triển đất nước.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan, Nghị quyết 120 của Chính phủ vừa tổ chức sơ kết 3 năm cho thấy đây là nghị quyết mang tính cách mạng, tính quyết sách để phát triển vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, đề xuất Chính phủ cần có thêm các giải pháp với những tiêu chí cụ thể trong phát triển nông nghiệp khu vực ĐBSCL, để có thể giảm thiểu tối đa những nhân tố tác động xấu đến môi trường cũng như làm suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến sinh kế bền vững của người dân; để từ đó nâng cao chất lượng, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp, đem lại giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa cao hơn.

Đề xuất tiếp tục sửa đổi bổ sung Luật Hợp tác xã (HTX) để nó thực sự là Luật HTX kiểu mới và đáp ứng được yêu cầu là có sự đồng bộ, kịp thời trong triển khai luật, chính sách, vốn, trang thiết bị, các mô hình liên kết kiểu mẩu giữa doanh nghiệp với nông dân để người dân yên tâm tham gia.

Và HTX phải là kiểu mới thực sự chứ không phải là HTX cũ mà khoác lên mình chiếc áo mới, bởi như thế sẽ không đồng bộ nhịp nhàng, gây cho người dân ngại tham gia.

Điều này sẽ gây ra những điểm nghẽn, nút thắc và người dân chưa có nhận thức đầy đủ để tham gia cũng như quyết định sự phát triển kinh tế của mình trong HTX.

Mong Chính phủ nhiệm kỳ mới có giải pháp đầu tư nâng cao chất lượng giống, cây trồng, vật nuôi; nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp, đây là hạn chế mà ĐBSCL và nhiều khu vực trong cả nước mong chờ quyết sách này, để nông dân không phải tái diễn cảnh “được mùa, mất giá”, chính quyền không phải lo lắng tình trạng năm nay giải cứu con này, năm sau giải cứu trái cây khác…

Trong phát triển bền vững ĐBSCL, thời gian qua được sự quan tâm đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân và đề nghị tiếp tục quan tâm theo hướng tăng nguồn lực đặc thù cho khu vực này, tạo mối liên kết vùng để ứng phó biến đổi khí hậu.

TÂM THI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh