Xem xét dự kiến số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV

02:01, 11/01/2021

Tại phiên họp thứ 52 (diễn ra từ 11-12/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc ban hành Nghị quyết dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV.

 

Phiên họp 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Phiên họp 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Tại phiên họp thứ 52 (diễn ra từ 11-12/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc ban hành Nghị quyết dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV.

Sáng nay (11/1), sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hai Nghị quyết được xem xét thông qua gồm: Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung; Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét việc ban hành Nghị quyết dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV.

 

Trước đó, tại phiên họp 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến việc xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Một điểm đáng chú ý là Dự thảo bổ sung hướng dẫn: “Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú không đạt trên 50% số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì không đưa vào danh sách dự kiến giới thiệu ứng cử, danh sách giới thiệu ứng cử”.

Cũng tại phiên họp 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Nhiều nội dung quan trọng khác cũng được thảo luận như: Việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; phương án xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ;  Xem xét, phê chuẩn quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;  Xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính của một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đăk Nông; thành lập thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; thành lập một số phường thuộc các tỉnh: Bắc Ninh, Hòa Bình; Chính phủ báo cáo về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14./.

Theo PV/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh