Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đưa Việt Nam thành một trong số không nhiều quốc gia trên toàn thế giới có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn trong khu vực và toàn cầu khi mà các đối tác kinh doanh được coi trọng, chính trị ổn định, điều kiện đầu tư nói chung tốt.
Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đưa Việt Nam thành một trong số không nhiều quốc gia trên toàn thế giới có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn trong khu vực và toàn cầu khi mà các đối tác kinh doanh được coi trọng, chính trị ổn định, điều kiện đầu tư nói chung tốt.
Đảm nhiệm tốt vai trò kép
Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các viện, quỹ nghiên cứu lớn của Đức đã có các bài báo cáo đánh giá cao thành quả chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời đề cập một số điểm mà ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ ưu tiên giải quyết trong 5 năm tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, mở đầu bài viết được đăng trên trang của Quỹ Hans Seifen của Đức - một trong những quỹ chính trị lớn nhất của Đức, tác giả Magdalena Knödler viết rằng, cuối tháng 1, một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong khuôn khổ Đại hội Đảng, các vị trí lãnh đạo chính trị quan trọng nhất, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 và các mục tiêu chính sách phát triển trong 5 năm tới sẽ được đưa ra.
Đại hội cũng định hướng phát triển chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước. Trên đường phố, các áp phích tuyên truyền về đất nước đã trở nên nổi tiếng này ngày càng nhiều và các tòa nhà ủy ban nhân dân trên cả nước được trang trí bằng quốc kỳ.
Tác giả bài viết nhận định, năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với Việt Nam, không chỉ vì cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò kép là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Qua đó, Việt Nam có thể tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) và việc nâng cấp quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN lên quan hệ đối tác chiến lược cũng diễn ra trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép. Bài viết nhận định hội nhập khu vực và quốc tế đang ngày càng phát triển sẽ tiếp tục quyết định đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Bầu không khí tự tin
Trong khi đó, Viện Konrad - Andenauer đăng tải báo cáo dài 6 trang thông tin về Đại hội Đảng. Theo báo cáo, kết quả của Đại hội Đảng sẽ quyết định đường hướng chính sách đối nội, đối ngoại trong tương lai và mang tính đột phá cho nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới.
Báo cáo viết rằng năm 2020 là một năm đầy khó khăn nhưng thành công đối với Việt Nam. Việc đối phó với đại dịch COVID-19 đặt ra cho đất nước những thách thức to lớn, tuy nhiên, những thách thức này đã được đáp ứng rất tốt về mặt chính sách y tế và kinh tế so với toàn cầu. Về chính sách đối ngoại, năm 2020 là năm mà vai trò Việt Nam thể hiện mạnh hơn trên trường quốc tế với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN.
Báo cáo nhấn mạnh Đại hội Đảng diễn ra trong bầu không khí tự tin, bởi mặc dù có sự suy giảm tăng trưởng kinh tế do đại dịch COVID-19 nhưng so sánh với toàn cầu, Việt Nam đã đối phó với cuộc khủng hoảng cực kỳ thành công.
Tỷ lệ lây nhiễm ở Việt Nam vẫn được giữ ở mức thấp cho tới nay, những nỗ lực này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao, nhận định Việt Nam đã rất chủ động và nhất quán. Có được điều này là thành quả của hành động sớm của Chính phủ, cơ quan chức năng và người dân. Năm 2020 cũng là năm thành công về chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam.
Về kinh tế, báo cáo đánh giá thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đưa Việt Nam thành một trong số không nhiều quốc gia trên toàn thế giới có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn trong khu vực và toàn cầu khi mà các đối tác kinh doanh được coi trọng, chính trị ổn định, điều kiện đầu tư nói chung tốt. Cột mốc rất quan trọng trong quan hệ kinh tế song phương và đa phương là việc ký kết EVFTA và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu
Trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, kênh truyền thông DW của Đức đã có bài viết đánh giá cao thành quả chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời đề cập một số điểm mà ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ ưu tiên giải quyết trong 5 năm tới.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn bài báo cho biết từ ngày 25/1 đến ngày 2/2, Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc để bầu ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạch định chính sách trong 5 năm tới, trong đó đại dịch COVID-19, vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu sẽ nằm trong ưu tiên giải quyết của ban lãnh đạo mới.
Bài báo đánh giá ít có quốc gia nào trên thế giới chống đại dịch COVID-19 thành công như Việt Nam. Với việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, Việt Nam đã kiểm soát được số ca lây nhiễm và theo số liệu của trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến ngày 21/1, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 1.544 ca nhiễm và 35 ca tử vong liên quan COVID-19.
Bài báo nêu rõ do kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Theo các số liệu chính thức, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng hơn 2,9% trong năm 2020, trong khi sự lạc quan và niềm tin người tiêu dùng ở mức cao.
Bài báo nhấn mạnh quốc gia định hướng xuất khẩu như Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với nền kinh tế toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng quốc tế, cũng như đối với Liên minh châu Âu (EU) và Đức khi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU với Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực. Việt Nam cũng đã tổ chức trực tuyến lễ ký hiệp định tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới mang tên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)./.
Theo Chinhphu.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin