Kỳ vọng "tương lai xanh"

05:01, 26/01/2021

Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, người dân Thủ đô Hà Nội đã háo hức đến tham quan đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn metro Nhổn- ga Hà Nội). Đây là phương tiện công cộng được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí và ách tắc giao thông của thủ đô.

>> Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

(VLO) Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, người dân Thủ đô Hà Nội đã háo hức đến tham quan đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn metro Nhổn- ga Hà Nội). Đây là phương tiện công cộng được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí và ách tắc giao thông của thủ đô.

“Giao thông nhanh cho tương lai xanh”

Đoàn tàu của đường sắt đô thị metro Nhổn- ga Hà Nội được kỳ vọng là “giao thông nhanh cho tương lai xanh”.
Đoàn tàu của đường sắt đô thị metro Nhổn- ga Hà Nội được kỳ vọng là “giao thông nhanh cho tương lai xanh”.

Thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nhằm kịp thời thông tin đến nhân dân về tiến độ dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn metro Nhổn- ga Hà Nội, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã mở cửa cho người dân tham quan nhà ga S1 và đoàn tàu trong 2 ngày (23- 24/1/2021).

Trước đó một ngày, đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn metro Nhổn- ga Hà Nội) đã chạy thử 5km sau 3 tháng về tới Depot (tạm dịch: trạm).

Đoàn tàu chạy thử khoảng một tiếng, tốc độ trung bình dưới 10 km/giờ, khởi hành từ Depot Nhổn đến ga S5 (khu vực Nhà hát Quân đội), sau đó quay về đỗ ở ga S1 (trước cổng ĐH Công nghiệp Hà Nội).

Việc mở cửa cho người dân vào tham quan được bắt đầu vào 9 giờ sáng 23/1/2021. Ngay từ sớm, nhiều người dân thủ đô đã háo hức xếp hàng dài để được tận mắt chứng kiến cận cảnh đoàn tàu cũng như nội thất khoang tàu.

Để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của sự kiện này, nhiều người đã diện những bộ cánh thật đẹp và đem theo nhành đào Nhật Tân tươi thắm- làm phụ kiện chụp ảnh.

Trước khi lên tàu, Trưởng Ban An toàn của dự án đã giới thiệu thông tin khái quát về đoàn tàu với người dân tại nhà ga S1. Mỗi đợt có tối đa 20 người được hướng dẫn lên tầng ke ga để tham quan. Từ quận Hà Đông, anh Đặng Mạnh Quyền- kỹ sư- cũng đã đưa con đến tham quan đoàn tàu.

Sau khi được nghe giới thiệu về dự án và tham quan khu trung chuyển và lên tàu, anh Quyền cho biết: “Tôi thấy trang thiết bị rất hiện đại, so với tuyến đường sắt khác, tôi thấy có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và các trang thiết bị mới, tân tiến hơn. Mong rằng đoàn tàu sớm được đưa vào vận hành để mọi người có nhiều điều kiện tiếp cận được dịch vụ công cộng tốt”.

Được biết, đây là đoàn tàu sử dụng sức kéo điện áp thấp một chiều, mức độ yêu cầu bảo trì thấp và tiết kiệm năng lượng.

Khi đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân có phương tiện đi lại thoải mái và nhanh chóng với giá rẻ. Tới đây, dự án sẽ tiếp tục mở thêm các đợt tham quan khác để phục vụ nhân dân thủ đô với kỳ vọng sẽ là “giao thông nhanh cho tương lai xanh”.

Góp phần giải quyết ô nhiễm không khí và kẹt xe

Ga S1 nằm cách mặt đường 8m, có chiều dài 108m, rộng 24m và cao 22m. Nhà ga gồm 2 tầng, tầng một là nơi khách mua vé, qua cửa soát vé để lên tầng đi tàu.

Đây cũng là nơi có các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách như mua sắm, ăn uống nhẹ. Bên trong ga có các thiết bị camera an ninh, hệ thống thu soát vé tự động (AFC)… Hệ thống thoát hiểm được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Người dân háo hức chờ vào tham quan đoàn tàu, có người còn mang theo nhành đào Nhật Tân đến để ghi lại khoảnh khắc.
Người dân háo hức chờ vào tham quan đoàn tàu, có người còn mang theo nhành đào Nhật Tân đến để ghi lại khoảnh khắc.

Đoàn tàu được thiết kế mới nhất theo tiêu chuẩn Châu Âu và là một trong những sản phẩm hiện đại nhất của Alstom (Pháp) với thân tàu bằng hộp nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao và được nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu của người Việt Nam.

Tàu được sơn 3 màu xanh lá mạ, đỏ hồng và trắng với biểu tượng Khuê Văn Các tạo nên dấu ấn riêng của Hà Nội.

Để bảo đảm an toàn cũng như yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, người dân đến tham quan được chia thành các nhóm, có nhân viên an toàn hướng dẫn.

Trước khi lên tàu, nhân viên sẽ phổ biến các quy định và giới thiệu dự án với khách tham quan. Rất đông người dân, từ các em nhỏ, sinh viên, người lớn tuổi đều rất hào hứng tham quan và trải nghiệm thực tế.

Trong ngày đầu tiên, có hơn 500 người dân đến tham quan. Kết thúc chuyến tham quan, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội còn khảo sát, lấy ý kiến của người dân về dự án.

Cô Nguyễn Thị Song Hương (quận Long Biên) cười tươi: “Tôi rất vui khi tham quan đoàn tàu đầu tiên trong tuyến đường sắt số 3 này. Đây là ngày đầu tiên ban quản lý dự án mở cửa cho người dân tham quan.

Tôi thấy tàu rất hiện đại, màu sắc rất hài hòa theo thiết kế của Pháp, lấy ý tưởng từ cây lúa và trái thanh long của Việt Nam. Khi ngồi trong khoang tàu, cảm giác rất thoải mái, tôi nghĩ rằng khi đưa vào sử dụng, người dân thủ đô sẽ rất vui.

Ông Vương Ngọc Hải (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Công ty của tôi có làm một gói thầu lắp điện từ ga 1 đến ga 8. Tôi rất vinh dự, tự hào vì vừa là người làm, vừa làm khách mời, tôi cảm thấy rất hồi hộp.

Cũng như bao người dân thủ đô, tôi thấy rất sung sướng vì sau bao nhiêu năm chờ đợi, nguyện vọng của người dân chống ùn tắc và giải quyết vấn đề giao thông công cộng theo sự tiến bộ xã hội đến nay đã có sự khởi đầu tốt.

Tôi đã đi nhiều nước và thấy đoàn tàu này không thua kém bất kỳ đoàn tàu của nước nào. Về việc thi công, tôi thấy đoàn tàu này được tiến hành rất nghiêm ngặt, đặc biệt là công tác an toàn và chất lượng kỹ thuật.

Theo cô Nguyễn Thị Song Hương, trước khi bước vào sự kiện trọng đại của đất nước là Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội mở cửa cho người dân tham quan đoàn tàu là một sự kiện có ý nghĩa. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm vấn đề giao thông và đầu tư rất nhiều để phục vụ giao thông công cộng cho người dân.

“Không riêng gì tôi mà người dân thủ đô đều cảm thấy rất vui, rất háo hức. Khi công trình này đưa vào sử dụng được kỳ vọng là sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và kẹt xe trong nội thành của thủ đô”- cô nói.

Tuyến tàu điện metro Nhổn- ga Hà Nội dài 12,5km gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Theo kế hoạch, sẽ khai thác đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và 4km đi ngầm vào cuối năm 2022.

Đoàn tàu của đường sắt đô thị metro Nhổn- ga Hà Nội gồm 4 toa, dài 80m (tương lai có thể nối thêm 1 toa) với sức chở 944 khách, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ và khai thác thương mại trung bình 35 km/giờ.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh