Đại hội XIII của Đảng: Xây dựng một tập thể Ban Chấp hành Trung ương thật sự đoàn kết

11:01, 27/01/2021

Chưa có kỳ đại hội nào, công tác nhân sự được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kỹ lưỡng như Đại hội XIII lần này.

Chưa có kỳ đại hội nào, công tác nhân sự được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kỹ lưỡng như Đại hội XIII lần này.

Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là công tác văn kiện và công tác nhân sự. Đặc biệt, việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.

Cứ mỗi kỳ đại hội là một lần chuyển giao nhân sự, được nhân dân đặc biệt quan tâm và kỳ vọng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nêu quan điểm: Làm sao để chọn được nhân sự thật sự xứng đáng với vai trò cầm quyền của Đảng, không làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Đối với công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng một tập thể Ban Chấp hành Trung ương thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động; tiêu biểu cho toàn Đảng và gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Trong đó, từng đồng chí Ủy viên Trung ương phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc.

Thực tiễn đã cho chúng ta nhiều bài học đau xót. Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế… về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm… song, trên thực tế, chưa bao giờ có nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng và tương đương bị xử lý, kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự như nhiệm kỳ qua.

Chỉ riêng cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã có hơn 110 người bị xử lý do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng sơ sở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi… Hầu hết các vụ việc, vụ án xảy ra đều do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc núp bóng cấp ủy, lợi dụng chức quyền để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhân dân phấn khởi, tin tưởng trước quyết tâm làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ trong nhiệm kỳ qua, song không ít người vẫn băn khoăn với câu hỏi: Nếu công tác cán bộ được tiến hành chặt chẽ thì liệu một số cán bộ có những vi phạm nghiêm trọng trước đó, có thể được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, được Quốc hội phê chuẩn, Thủ tướng bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo hay không? Nếu nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc thì làm sao có việc nhiều người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo.

Chính bởi vậy, chưa có kỳ đại hội nào, công tác nhân sự được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kỹ lưỡng như Đại hội XIII lần này.

Lần đầu tiên Bộ Chính trị thành lập một Ban chỉ đạo nhằm xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ 2021 – 2026 (chỉ một nhiệm kỳ) do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Công tác quy hoạch cán bộ chiến lược được tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng và bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch.

Trong quy hoạch nhân sự Đại hội XIII thì tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trước; quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau; cuối cùng là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Công tác nhân sự Đại hội XIII cũng được đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Đặc biệt, việc chuẩn bị nhân sự được tiến hành theo quy trình 5 bước và trình tự: Chuẩn bị nhân sự tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước, nhân sự mới tham gia sau và cuối cùng là “trường hợp đặc biệt”.

Việc áp dụng quy trình 5 bước với 5 lần rà soát, 5 lần lấy phiếu, 5 lần lấy ý kiến, được đánh giá là một điểm mới rất quan trọng ở kỳ đại hội này, giúp cho công tác nhân sự được mở rộng dân chủ hơn, chặt chẽ, khách quan và kỹ lưỡng hơn so với quy trình 3 bước trước đây, từ đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao hơn.

Trong bài viết “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” (tháng 4/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra thông điệp rất rõ ràng: Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người không trong sáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền…

Người lãnh đạo cao nhất đất nước cho rằng: “Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa”.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng, công tác nhân sự ở đại hội lần này được tiến hành với tinh thần trách nhiệm cao, thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là sẽ một tập thể vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, tiêu biểu về trí tuệ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân./.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh