Luân chuyển Bí thư cấp tỉnh: Loại bỏ tư duy khép kín, cục bộ

03:11, 02/11/2020

"Đóng góp của các cán bộ luân chuyển qua những công việc cụ thể, kết quả cụ thể phần nào giúp loại bỏ dần tư duy khép kín, cục bộ địa phương đã từng khá nặng nề".

"Đóng góp của các cán bộ luân chuyển qua những công việc cụ thể, kết quả cụ thể phần nào giúp loại bỏ dần tư duy khép kín, cục bộ địa phương đã từng khá nặng nề".

Tính đến ngày 29/10, 100% đảng bộ tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và tương đương hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhìn tổng thể, các đại hội được tổ chức thành công, thể hiện rõ nhất trong công tác xây dựng văn kiện và công tác nhân sự.

Đáng chú ý, kết thúc Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương, có 27 cán bộ do Trung ương luân chuyển, giới thiệu (không là người địa phương) đều trúng cử chức danh Bí thư với số phiếu tín nhiệm cao.

Trực tiếp tham dự một số đại hội, Tiến sĩ Lê Hải, Ủy viên Ban biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử cho rằng, có 3 nguyên nhân cơ bản. 

Tiến sĩ Lê Hải - Ủy viên Ban biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử
Tiến sĩ Lê Hải - Ủy viên Ban biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử

Thứ nhất, chủ trương bí thư cấp tỉnh không phải người địa phương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII được đa số cán bộ, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đã được quán triệt và thấm vào đời sống chính trị, nên được đa số các đảng bộ thực hiện nghiêm túc, tự giác, thuận lợi cho việc bố trí nhân sự từ Trung ương luân chuyển về địa phương.

Thứ hai, thực tiễn thời gian qua, nhân sự từ Trung ương luân chuyển về địa phương đã có nhiều đóng góp, cống hiến tốt cho địa phương.

Các cán bộ có tư duy chiến lược, bao quát ở tầm vĩ mô, khi về địa phương sẽ bổ khuyết tốt những mặt còn hạn chế cho tập thể lãnh đạo của các tỉnh, thành.

Đặc biệt, đóng góp qua những công việc cụ thể, kết quả cụ thể của các cán bộ luân chuyển phần nào giúp loại bỏ dần tư duy khép kín, cục bộ địa phương đã từng khá nặng nề.

Thứ ba, đa số các nhân sự được Trung ương lựa chọn về làm lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành đều là những cán bộ cấp chiến lược chất lượng, tiêu biểu và nổi trội về năng lực, phẩm chất, trí tuệ, được lựa chọn nghiêm ngặt, khách quan qua nhiều cấp, nhiều vòng. Bản thân các cán bộ được luân chuyển cũng xác định được về địa phương là một vinh dự gắn với trọng trách lớn, là cơ hội để học tập, cọ xát, trui rèn qua thực tiễn để trưởng thành nên gắng hết sức, không quản gian khổ, quăng mình vào thực tiễn, công việc, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, nên qua thời gian được cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương ghi nhận, ủng hộ.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, 1 trong 22 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không phải người địa phương
Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, 1 trong 22 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không phải người địa phương

Thực hành dân chủ trong Đảng ngày càng mở rộng

Tiến sĩ Lê Hải chia sẻ: Cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhân sự tham gia cấp ủy được chọn lựa, sàng lọc qua 5 bước chặt chẽ, dựa trên quy hoạch dài hạn, bài bản (các nhiệm kỳ trước thường chỉ 3 bước), ở tất cả các cấp, kể cả với cán bộ cấp chiến lược Trung ương (lần đầu tiên chúng ta có quy hoạch Ban Cấp hành Trung ương Đảng); được đào tạo qua các lớp nguồn; đánh giá cán bộ qua những kết qủa, sản phẩm cụ thể; nêu cao trách nhiệm của người giới thiệu, đề cử…”. 

Theo ông Hải, do sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm, bài bản đó, nên cơ bản công tác nhân sự của đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành lần này đều “êm ả”, “xuôi chèo mát mái”, chọn lựa được nhân sự xứng đáng, không để lại những nghi ngại, băn khoăn trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội.

Khẳng định như vậy, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Hải, vấn đề nhân sự chủ chốt ở số ít đại hội không theo như trù tính, nhưng cũng không có gì bất thường. Có luồng ý kiến cho rằng, có kết quả như vậy là do công tác nhân sự của đại hội đó chuẩn bị chưa kỹ, còn có những “vết gợn”.

Nhưng, nhìn ở góc độ khác, điều đó lại là một tín hiệu tốt, cho thấy tính dân chủ và thực hành dân chủ trong Đảng ngày càng mở rộng và thực chất.

Có thể đâu đó, công tác chuẩn bị nhân sự vẫn theo ý chí chủ quan của một số cá nhân nên chưa thể chính xác hết được, nhưng ra cấp đại hội, nơi tập trung ý chí của đại đa số đảng viên thì khó có thể nhầm lẫn. Và như vậy, đại hội đã thể hiện được quyền quyết định cao nhất của mình đối với vấn đề nhân sự hệ trọng.  

"Cục diện thế hệ mới"

Một trong những yếu tố làm nên thành công cho công tác nhận sự nhiệm kỳ mới này không thể không nhắc tới vấn đề trẻ hóa đội ngũ cán bộ.

Lớp cán bộ thuộc thế hệ 7X đã có sự góp mặt khá ấn tượng trong nhiệm kỳ mới lần này. Thống kê sơ bộ, có tới 43% Bí thư thuộc thế hệ 7X, những người mà Trung ương cũng như người dân kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới trong công tác chỉ đạo, quản lý trong nhiệm kỳ mới.

3 Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước thuộc thế hệ 7X: Thái Thanh Quý, Đặng Quốc Khánh, Lê Quốc Phong
3 Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước thuộc thế hệ 7X: Thái Thanh Quý, Đặng Quốc Khánh, Lê Quốc Phong

Tiến sĩ Lê Hải cho rằng, đây cũng là một xu thế chung trong xã hội khi nhiều người thành đạt thuộc thế hệ 7X. Các nhà nghiên cứu gọi đây là giai đoạn của “cục diện thế hệ mới”.

Đây là thế hệ được học tập, đào tạo bài bản, bắt nhập nhanh với thời cuộc, thích ứng nhanh với khoa học - công nghệ, tư duy sáng tạo, đổi mới, quyết đoán, dám làm, biết làm. Bởi vậy, các Bí thư thế hệ 7X được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển mới, đột phá cho các tỉnh, thành, đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo.  

Đương nhiên, việc tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm, tri thức của các thế hệ cha anh đi trước là hành trang rất quan trọng để thế hệ các lãnh đạo chủ chốt 7X tự tin hơn khi nắm giữ những vị trí quan trọng, quyết sách những vấn đề hệ trọng. Thế hệ lãnh đạo 7X phần nhiều không trải qua chiến tranh, nhưng đa phần được đào tạo ở nước ngoài. 

Do đó, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa… là yêu cầu rất quan trọng đối với thế hệ lãnh đạo này cũng như về sau. Dù vậy, “tre già măng mọc”, “sóng sau phải đè sóng trước”, “con hơn cha thì nhà mới có phúc”, đó là quy luật phát triển, có như vậy thì đất nước mới phát triển… 

“Tôi rất tin và đồng điệu với các anh, chị lãnh đạo thế hệ 7X và kỳ vọng họ sẽ là thế hệ lãnh đạo mới của đất nước, vừa có bản lĩnh chính trị, vừa mang bản lĩnh, lòng tự trọng, trí tuệ của người Việt Nam, tự tin chèo lái con thuyền đất nước tiến ra biển lớn và đi đến bến bờ thịnh vượng”, Tiến sĩ Lê Hải khẳng định./.

Theo Thanh Hà/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh