Quy trình nhân sự cấp cao: Bài bản, chặt chẽ, minh bạch

01:10, 12/10/2020

Công tác cán bộ được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo vô cùng ráo riết, quyết liệt, nhưng cũng rất cẩn trọng.

Công tác cán bộ được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo vô cùng ráo riết, quyết liệt, nhưng cũng rất cẩn trọng.

Quy trình làm nhân sự BCH Trung ương khóa XIII khác khóa trước thế nào? 

Để chuẩn bị nguồn nhân sự BCH Trung ương khóa XIII, trong gần 2 năm qua, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với tổng số 227 người.

Trước đó, 5 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng được thành lập, trong đó Tiểu ban Nhân sự do đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban.

Tại Hội nghị Trung ương 13, Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII (Ảnh: Ngọc Thành)

Một trong những điểm khác biệt trong công tác nhân sự khóa XIII, lần đầu tiên Bộ Chính trị khóa XII thành lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026; ban hành kế hoạch số 11 về xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Khác với trước đây, lần này không quy hoạch cho nhiều khóa mà chỉ tập trung cho nhiệm kỳ 2021-2026. Quy hoạch lần này không làm đồng thời các chức danh mà quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trước, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng là các chức danh chủ chốt của Ðảng, Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương mới có ý nghĩa quan trọng chi phối trực tiếp đến công tác quy hoạch cán bộ chiến lược, trong đó đáng chú ý là chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không phải người địa phương.

Cũng để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Trung ương đề ra định hướng xây dựng kế hoạch cụ thể để luân chuyển, điều động nhân sự trong diện này giữ vị trí cấp trưởng, phù hợp với chức danh quy hoạch ở địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới để thử thách, rèn luyện; đồng thời, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt và tổ chức các lớp dự nguồn cán bộ cao cấp...

Công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng được đổi mới quy trình, cách làm trên cơ sở "tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.

Để cụ thể hóa về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Quy định này nêu rõ tiêu chuẩn chung cũng như tiêu chuẩn chức danh cụ thể với Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư... Quy định 90 đến đầu năm 2020 được sửa đổi, bổ sung thành quy định 214.

Theo Quy định này, Tổng Bí thư phải là người "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định".

Cùng với quy định 90, các cấp có thẩm quyền cũng bổ sung quy định về cơ cấu, số lượng, đối tượng, quy trình, cách làm theo hướng "thống nhất, đồng bộ, tổng thể, liên thông". Quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước; quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước.

Hết sức công tâm khi giới thiệu nhân sự BCH khóa mới 

Theo dõi quá trình chuẩn bị nhân sự khóa XIII, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trần Quang Tuấn nhận thấy, công tác cán bộ được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo vô cùng ráo riết, quyết liệt, nhưng cũng rất cẩn trọng. 

 Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Quang Tuấn.
Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Quang Tuấn.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, điều mà dư luận đảng viên, quần chúng quan tâm hơn là liệu có chọn được Ban Chấp hành Trung ương thực sự đủ tầm, đủ sức, đủ đức, đủ tài đưa đất nước đi lên, thực hiện được những mục tiêu chính trị đặt ra cho nhiệm kỳ mới hay không?

Các thành viên Ban Chấp hành Trung ương cũ có trách nhiệm giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành mới mà xuê xoa, bỏ sót, thì hậu quả sau này sẽ rất khó chữa.

Đại hội không thể có đầy đủ thông tin về những người được đề cử nên các thành viên Ban Chấp hành cũ, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải hết sức công tâm, thực hiện đúng như yêu cầu của Tổng Bí thư, phải thực sự “dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan và minh bạch”. 

Song song với việc xem xét, lựa chọn, cũng cần kiểm điểm vì sao có thể để lọt những cán bộ không đủ điều kiện vào Bộ Chính trị. Tìm ra những “con sâu mọt” là cần thiết, nhưng tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ mắc sai phạm quan trọng hơn nhiều.

Ông Tuấn nêu quan điểm như vậy, đồng thời phân tích: “Quan trọng là bởi nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng, của mỗi đảng viên, vì vậy khi mà Đảng cho thấy sự quyết liệt trong công tác cán bộ, dư luận rất mừng.

Với những đảng viên đã hoạt động lâu năm, từng kinh qua nhiều cương vị công tác, tôi hiểu rằng, không dễ gì có thể vào được cấp ủy, vào trung ương, càng không dễ lên được Bộ Chính trị. Bởi vậy, khi họ bị kỷ luật, bị xử lý trước pháp luật, dư luận rất thất vọng”. 

Từ thực tiễn ấy, Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, Đại hội lần này có trọng trách rất lớn, trước khi bàn về phương hướng nhiệm vụ, trước hết phải xây dựng được bộ máy để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ đó được thành công, nhất là trong những thời điểm bước ngoặt như hiện nay. Cần phân tích kỹ nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng như thế trong thời gian qua. 

“Nguyên nhân đó theo tôi là vấn đề dân chủ trong Đảng, dân chủ trong dân cần được phát huy hơn nữa. Chúng ta đang rất cố gắng để đạt được phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng để người dân có thể tham gia vào công tác nhân sự của Đảng, cần nhiều nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.

Thời gian qua, chúng ta đã làm rất nhiều bước ở cơ sở, nhưng với cấp trung ương, nên chăng trước khi đưa ra bầu, cũng nên để người dân được tham gia ý kiến xem Ban Chấp hành Trung ương có bỏ lọt ai không. Làm nghiêm như thế mới đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. 

Ông Tuấn nêu quan điểm, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Đại hội Đảng lần này sẽ “mổ xẻ” một cách sâu sắc, khách quan, thực sự cầu thị bằng tấm lòng xây dựng Đảng, nhất định phải xây dựng được một chính Đảng thực sự tiêu biểu của dân tộc để đưa đất nước đi lên.

Đặc biệt, từng đại biểu của dân dự Đại hội cần phát huy tính chủ động, dân chủ, ý thức việc bỏ phiếu là vì sự sinh tồn của Đảng, chứ không phải vì bản thân hay một tập thể nào đó, để lựa chọn được người xứng đáng, không vì bất kỳ lý do gì mà xa rời những nguyên tắc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra.

So với những nhiệm kỳ trước, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng xét về câu chữ không có nhiều điểm mới, nhưng trong nhiệm vụ ấy có một tinh thần mới, gắn với bối cảnh của Đảng hiện nay, đòi hỏi mỗi đảng viên phải coi đó là tôn chỉ, mục đích để làm bất cứ việc gì phải thực hiện đúng chức trách, vai trò của mình, có như vậy mới hạn chế được tiêu cực. 

“Cũng phải nói rằng, tiêu cực là mặt trái của cơ chế thị trường khi nó được gắn thêm quyền lực. Nhưng tôi tin rằng, số đông đảng viên của chúng ta vẫn có trách nhiệm.

Điều quan trọng nhất với những đại biểu của dân đi dự Đại hội rất cần sự trung thực: trung thực với Đảng và với mình, trung thực với thực tiễn, dám nói lên sự thật. Nếu mất đi sự trung thực thì chẳng còn gì là đúng đắn nữa.

Tôi tin, sự trung thực sẽ mãi là bản chất sâu sắc không chỉ của người Việt Nam mà của mỗi đảng viên”, ông Tuấn bày tỏ./.

Theo Thanh Hà/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh