Vào thời khắc khó khăn nhất khi cả nước căng mình chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã động viên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua".
Vào thời khắc khó khăn nhất khi cả nước căng mình chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã động viên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một nhà máy chế biến thủy sản. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hôm nay, 13/10, chúng ta kỷ niệm 16 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, 75 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương, trong một bối cảnh đặc biệt, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch COVID-19 gây ra.
Dịch bệnh đã tác động, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; làm ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, từ cung đến cầu, sản xuất đến tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh gian khó, Việt Nam vẫn có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ… nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, đối phó tốt với khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19 tổ chức vào tháng 5/2020, dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm chưa từng có trong lịch sử gần đây, việc nước ta kiểm soát được dịch COVID-19 và đạt mức tăng trưởng dương 2,12% trong 9 tháng đầu năm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng, ủng hộ tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với phương châm “chống dịch như chống giặc” nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã thấu hiểu và nhanh chóng ban hành hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua khủng hoảng.
Trong quý II, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 nghị quyết về miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp.
Đó là miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn triển khai; ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục quan tâm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.
Tiếp nối những thành quả cải cách hành chính ấn tượng từ đầu nhiệm kỳ, như cắt giảm hơn 3.800 điều kiện kinh doanh, hơn 6.770 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành…, những nỗ lực và kết quả gần đây trong xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục cho thấy quyết tâm cải cách của Chính phủ và Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với doanh nghiệp lần thứ nhất, năm 2016. - Ảnh: VGP |
Cơ chế đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp được đẩy mạnh thông qua nhiều hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc đối với doanh nhân.
Qua đó, Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Đây được coi là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tất cả những điều này cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng đã kiên định thực hiện mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ, như phát biểu khi nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.
Khi đặt doanh nhân, doanh nghiệp ở vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của quốc gia, “không ngày nào Chính phủ, Thủ tướng không sốt ruột, và không chỉ trăn trở, sốt ruột mà còn đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ “Chính phủ làm hết sức mình để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh, vươn ra thế giới thành công. Chính phủ cũng mong các doanh nhân cũng có những khát khao như vậy”.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng quan trọng.
Sự thắng thua, thành bại của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân được quyết định không chỉ bởi các quyết sách, thể chế từ phía Nhà nước, mà còn bởi suy nghĩ, hành động, ý thức trách nhiệm, tinh thần kỷ luật của cán bộ, công chức ở mọi nơi, mọi cấp và của chính các doanh nghiệp.
Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm vì phía trước còn rất nhiều rào cản, khó khăn, thách thức cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Nhưng tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm trong xây dựng Chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng, bền vững. Và đến lượt mình, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng sẽ nỗ lực hết mình, “cố gắng bằng ba” để cùng cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Theo Nhật Nam/Chính phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin