Thúc đẩy quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài

01:10, 23/10/2020

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được thực hiện từ hơn 30 năm nay và được thể chế hóa bằng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 (Luật số 72) từ năm 2007.

 

 

Quang cảnh phiên họp Quốc hội, chiều 22/10/2020. Ảnh minh họa: Văn Điệp/TTXVN
Quang cảnh phiên họp Quốc hội, chiều 22/10/2020. Ảnh minh họa: Văn Điệp/TTXVN

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được thực hiện từ hơn 30 năm nay và được thể chế hóa bằng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 (Luật số 72) từ năm 2007.

Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành, thực tiễn đang đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện một số quy định của Luật. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tiếp tục được xem xét để các đại biểu biểu quyết. 

Cần giảm chi phí và tránh tình trạng lừa đảo người lao động

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, một số đại biểu ý kiến cho rằng dự Luật phải là bước cải tiến về cải cách hành chính, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như xử lý nghiêm khi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần bỏ quy định người lao động phải đóng một phần phí môi giới cùng với doanh nghiệp, bổ sung nguyên tắc để xác định mức trần tiền dịch vụ, bảo đảm quyền lợi người lao động.

Theo ý kiến đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), dự luật cần phải bổ sung việc giảm chi phí cho người lao động và tránh tình trạng lừa đảo người lao động. Đồng thời, cần phải có sự hài hòa trong chính sách xuất khẩu lao động và chính sách đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Đặc biệt, việc này phải đặt trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra ở nước ta. Đất nước cần có nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

"Chúng ta thấy nông dân kinh tế rất khó khăn. Nếu chúng ta không quy định chặt chẽ trong luật, nhiều người dân vốn đã khốn khó lại khốn khó hơn do chi phí rất lớn khi đi xuất khẩu lao động", đại biểu Ngọ Duy Hiểu góp ý.

Góp ý vào quy định gia hạn giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp trong dự thảo luật, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đặt vấn đề, đã có quy định về điều kiện và khi không đủ điều kiện thì thu hồi giấy phép, vậy có cần phải thực hiện gia hạn giấy phép không. "Chúng ta đang nỗ lực giảm bớt các thủ tục hành chính. Do vậy, việc này cần phải đánh giá tác động. Nếu quy định gia hạn thì lợi ích của doanh nghiệp thế nào, người lao động thế nào? Việc này cần phải cân nhắc", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) từng cho rằng, ở một số điều trong dự thảo Luật cũng như các luật hiện hành cũng có đề cập đến nội dung về cung cấp thông tin cho người lao động. Song như vậy là chưa đủ, không có sự thống nhất về thông tin và khó kiểm soát. Do đó, cần xây dựng và hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu với tất cả các nội dung cần thiết, đáng tin cậy, được cập nhật thường xuyên để cung cấp kịp thời cho người lao động trước, trong và sau khi đi lao động về. Đồng thời, có cơ chế cung cấp thông tin hiệu quả để người lao động được tiếp cận thông tin dễ dàng nhất, hoặc hệ thống sẽ chủ động cung cấp thông tin cho người lao động nhanh nhất khi cần.

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất quan tâm về vấn đề lao động bỏ trốn và ở lại trái phép sau khi hết hợp đồng. Đây là vấn đề gây nhiều hệ lụy cho thể diện quốc gia, cho người lao động và những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nhưng không đi được, vì thị trường bị đóng cửa do quá nhiều người bỏ trốn. Do đó, Chính phủ cần có đánh giá khách quan, đầy đủ nguyên nhân của vấn đề này để xây dựng thành các điều luật làm cơ sở pháp lý xử lý nghiêm các sai phạm. Đồng thời, đề ra các giải pháp căn cơ ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lao động bỏ trốn và ở lại trái phép sau khi hết hợp đồng.

Tác động đến hàng chục vạn lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 46. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 gồm 8 chương, 76 điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Những nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm: Đối tượng áp dụng; chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tinh thần của dự án Luật là nhằm đáp ứng, giải quyết những vấn đề mới phát sinh về lao động, nhất là từ các vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân…

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, mục đích sửa đổi Luật là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ta được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013. Sau quá trình nghiên cứu, tham khảo ý kiến, dự thảo Luật đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chính phủ và trang thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến từ ngày 3/12/2019. Cho đến nay, dự thảo Luật đã nhận được khoảng 300 lượt ý kiến góp ý, gồm: 6 Bộ, ngành, 33 Ủy ban nhân dân và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, Hiệp hội xuất khẩu lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 203 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia, ban quản lý lao động ngoài nước và người lao động.

Sau khi thông qua, Luật sửa đổi sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, tác động đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vào thời điểm đất nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập- ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh