75 năm thành lập LHQ: Việt Nam "định vị" thành công trên bản đồ bình đẳng giới toàn cầu

01:10, 21/10/2020

"Việt Nam đã tự định vị thành công trên bản đồ bình đẳng giới toàn cầu", là đánh giá của Trưởng đại diện Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez Saenz.

“Việt Nam đã tự định vị thành công trên bản đồ bình đẳng giới toàn cầu”, là đánh giá của Trưởng đại diện Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez Saenz.

 Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga và trẻ em Nam Sudan.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga và trẻ em Nam Sudan.

“Việt Nam đã tự định vị thành công trên bản đồ bình đẳng giới toàn cầu”, là đánh giá của Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez Saenz trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV. Từ bản Hiến pháp đầu tiên đề cập vấn đề nam nữ bình quyền, cho đến nay, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, được Liên Hợp Quốc đánh giá là điểm sáng về thực hiện bình đẳng giới, một trong số các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

“Khó khăn lớn nhất là làm sao vượt qua được định kiến nữ giới không làm tốt được như nam giới. Chính ngay khi tôi nhận nhiệm vụ, những đồng nghiệp nam đi trước cũng khuyên tôi nên suy nghĩ lại. Bởi vì bản thân tôi khi quyết định thay đổi, cũng đã 36-37 tuổi, nhưng với quyết tâm tôi đã làm được và đã thành công”, chia sẻ của Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ quân nhân Việt Nam đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cũng là nỗi niềm của rất nhiều phụ nữ và trẻ em gái không chỉ ở Việt  Nam, mà cả trên thế giới.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga hiện là Phó Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trực thuộc Bộ Quốc phòng. Chị nằm trong số 2% sĩ quan trong lực lượng mũ nồi xanh được Liên Hợp Quốc đánh giá hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ. Dù phải đối mặt với nhiều ánh mắt hoài  nghi và thậm chí là phản đối, song chị vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng ước mơ được đứng trong hàng ngũ người lính cụ Hồ, để lại những ấn tượng đẹp về lực lượng sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam nói riêng, về đất nước Việt Nam nói chung.

5 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh, hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trong màu áo xanh gìn giữ hòa bình như trung tá Đỗ Thị Hằng Nga đã không còn xa lạ ở những vùng “đất lửa”. Với trái tim quả cảm của một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng không hề mất đi nét hồn hậu của người phụ nữ, các chị vẫn đang ngày ngày “gieo” nụ cười, “hái” niềm vui một cách rất nhẹ nhàng và cũng rất Việt Nam. 

 Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới.
Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm dành cho công tác bình đẳng giới những ưu tiên nhất định. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cũng là vị nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ là chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được ghi nhận trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, từng nhấn mạnh: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”. Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tạo dựng bản sắc văn hóa truyền thống và xây dựng, phát triển xã hội Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Gần 40 năm kể từ khi thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, gần 15 năm kể từ khi Luật bình đẳng giới đi vào hiệu lực và 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới, đặc biệt là những đột phá về nhận thức và hành động. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Không dừng lại ở đó, Việt Nam còn góp tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới toàn cầu.

 Trưởng đại diện Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez Saenz.
Trưởng đại diện Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez Saenz.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Với vai trò là nước Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự vì hòa bình và an ninh của phụ nữ, cũng như tăng cường vai trò của phụ nữ với tư cách là người xây dựng hòa bình. Điều này cũng được thể hiện rõ khi Việt Nam cùng lúc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Chúng tôi không ngừng nhận thấy cam kết của Việt Nam trong các lĩnh vực bình đẳng giới khác nhau như bình đẳng giới trong kỷ nguyên số, bình đẳng giới trong đảm bảo hòa bình và an ninh, cũng như trong nỗ lực tăng quyền kinh tế cho phụ nữ”.

Quyền bình đẳng giữa nam và nữ được nêu ngay trong những dòng đầu tiên của Hiến chương Liên Hợp Quốc được thông qua cách đây 75 năm. Việt Nam đã tích cực biến những mục tiêu của Liên Hợp Quốc thành thực tế sống động. Dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, thiên tai đến biến đổi khí hậu, song theo Liên Hợp quốc, Việt Nam đã, đang và sẽ làm rất tốt trong việc đạt được những dấu mốc rất quan trọng cho sự tiến bộ và vì bình đẳng giới.  Điều này càng được thể hiện rõ trong bối cảnh đại dịch Covid-19./.

Theo Thu Hoài/VOV

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh