Các Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bình tĩnh lắng nghe các ý kiến, suy nghĩ thấu đáo và tiếp thu những gì đích đáng nhất để mục đích cuối cùng là xây dựng được các Văn kiện với tinh thần đổi mới, thể hiện được nguyện vọng, ý chí của toàn Đảng, toàn dân.
Các Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bình tĩnh lắng nghe các ý kiến, suy nghĩ thấu đáo và tiếp thu những gì đích đáng nhất để mục đích cuối cùng là xây dựng được các Văn kiện với tinh thần đổi mới, thể hiện được nguyện vọng, ý chí của toàn Đảng, toàn dân.
Đến nay, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đang dần hoàn thiện sau 22 lần sửa. Đại hội đảng bộ cấp cơ sở, Đại hội đảng cấp trên cơ sở và Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương đã và sẽ đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Viết Thông – Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông. |
Lắng nghe - suy nghĩ - chọn lọc
PV: Thưa ông, dự thảo các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng đang được dần hoàn thiện. Đại hội đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội. Những ý kiến đóng góp đó có tác động như thế nào vào việc hoàn thiện dự thảo các văn kiện tại Đại hội XIII, thưa ông?
Ông Nguyễn Viết Thông: Tại Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cho ý kiến một bước về dự thảo các Văn kiện, Trung ương đồng gửi tóm tắt dự thảo các Văn kiện xin ý kiến Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở và toàn văn dự thảo các Văn kiện xin ý kiến Đại hội Đảng bộ cấp huyện, tỉnh và tương đương.
Đến nay, Đại hội đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở đã hoàn tất, theo lộ trình, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương tổng hợp các ý kiến từ Đảng bộ cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và đảng bộ cấp tỉnh, sau đó sẽ gửi về Trung ương tổng hợp.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ này có điểm khác so với các nhiệm kỳ trước, là sau Hội nghị Trung ương 11 (10/2019), vào cuối năm 2019 đại dịch Covid-19 xảy ra.
Ngay từ đầu năm 2020, ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam và Covid-19 đã trở thành đại dịch trên toàn cầu, tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì thế, cá Tiểu ban Văn kiện phải cập nhật tình hình để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Văn kiện.
Đến giờ phút này, các Tiểu ban đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo các Văn kiện để trình Hội nghị Trung ương 13 dự kiến khai mạc vào tháng 10. Như các nhiệm kỳ trước, dự thảo xin ý kiến Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương, xin ý kiến đại biểu Quốc hội và toàn dân.
Nhưng lần này, do tác động của đại dịch Covid-19 nên Bộ Chính trị quyết định cập nhật tình hình hoàn thiện dự thảo các Văn kiện, trình Trung ương cho ý kiến, sau đó xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin ý kiến toàn dân. Đó là điểm mới trong quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện trong nhiệm kỳ này so với các nhiệm kỳ trước.
Trong quá trình chuẩn bị dự thảo Văn kiện, đến nay, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương chưa tổng hợp các ý kiến gửi về Trung ương, nhưng một số tổ chức đảng và một số cá nhân rất quan tâm đến văn kiện Đại hội nên đã gửi về các Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện nhiều ý kiến.
Vừa rồi, Thường trực Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo Tổ Biên tập cập nhật tình hình và tiếp thu các ý kiến của một số tổ chức đảng, của một số chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Văn kiện và tới đây trình Hội nghị Trung ương 13 cho ý kiến.
PV: Việc tiếp thu các ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội cần phải có quan điểm, có lập trường, lý lẽ, với phương châm bình tĩnh, lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ, rồi tiếp thu tối đa, như lưu ý của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thưa ông?
Ông Nguyễn Viết Thông: Trong quá trình hoàn thiện các dự thảo Văn kiện, chúng ta phải bình tĩnh lắng nghe và tổng hợp các ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến trái chiều.
Theo tinh thần của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những gì đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh thì phải được tiếp thu đưa vào Văn kiện; còn cái gì chưa chín, chưa rõ, thực tiễn cũng chưa khẳng định thì ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu.
Đến nay, các Tiểu ban Văn kiện đã thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị và của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là phải bình tĩnh lắng nghe, suy nghĩ thấu đáo và tiếp thu những gì đích đáng nhất để mục đích cuối cùng là xây dựng được các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng với tinh thần đổi mới, thể hiện được nguyện vọng, ý chí của toàn Đảng, toàn dân.
PV: Trước thềm Đại hội có một thực tế diễn ra đó là những thông tin xấu độc, những hành vi lợi dụng dân chủ, lợi dụng việc góp ý Văn kiện nhằm mục đích gây nguy hại cho Đảng, nhân dân. Theo ông, trong quá trình tiếp thu các ý kiến về dự thảo các Văn kiện, làm thế nào để chặn đứng thực trạng này?
Ông Nguyễn Viết Thông: Việc này xảy ra ở nhiều Đại hội, trước thềm Đại hội và ngay trong Đại hội và kể cả sau Đại hội, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, bất mãn luôn có quan điểm chống đối lại.
Trước thềm Đại hội lần thứ 13 của Đảng cũng vậy, những tháng qua, không ít người đưa lên mạng những quan điểm sai trái. Đối với những người này, quan điểm của Đảng ta là lắng nghe nhưng không phải là không tỏ thái độ.
Đảng ta qua nhiều nhiệm kỳ đã có kinh nghiệm giải quyết vấn đề này và Bộ Chính trị khóa XII cũng đã ban hành Nghị quyết 35 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Chúng ta đang thực hiện tốt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị nên tình trạng các bài viết trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước trước thềm Đại hội 13 đến giờ phút này ít hơn và đỡ gay gắt hơn so với các nhiệm kỳ Đại hội trước.
Dự thảo văn kiện phải cập nhật tình hình do tác động của đại dịch Covid-19
PV: Trong quá trình lắng nghe các ý kiến góp ý vào dự thảo các Văn kiện, ông thấy các ý kiến tập trung ở những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Viết Thông: Các ý kiến quan tâm đến toàn bộ dự thảo các Văn kiện, nhưng trước hết, họ quan tâm đến chủ đề Đại hội 13 như thế nào. Hội nghị Trung ương 11 bước đầu nhất trí với chủ đề Đại hội gồm 5 thành tố: về Đảng; thành tố thứ 2 về dân tộc; thành tố thứ 3 về đổi mới; thành tố thứ 4 về bảo vệ Tổ quốc và thành tố thứ 5 về mục tiêu.
Riêng thành tố thứ 5: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được đông đảo mọi người quan tâm, bởi vì đến năm 2010, nước ta đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, đến 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta sẽ trở thành nước phát triển.
Thực tế trên thế giới, có một số nước chỉ trong vòng 20-30 năm, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu họ trở thành nước phát triển. Còn ở nước ta, từ một nước đang phát triển (năm 2010) trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI, tức khoảng 30 năm nữa thì đó cũng không phải là mục tiêu quá cao.
Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nữa là về kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đánh giá 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020, 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và 35 năm đổi mới. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải cập nhật tình hình, nhất là tác động của đại dịch Covid-19.
Như dự thảo các văn kiện xin ý kiến ở Đại hội cấp cơ sở, cấp trên cơ sở, chúng ta dự báo bình quân 5 năm đạt khoảng 6,8%, đó là dự báo khi không có Covid-19 xảy ra. Nhưng khi đại dịch xảy ra, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chỉ còn 1,81 % và từ giờ đến cuối năm, theo dự báo, kinh tế Việt Nam chỉ tăng khoảng 2%.
Đảng, Nhà nước ta đề ra mục tiêu phấn đấu cao nhất. Tuy vậy, nếu năm 2020 chỉ đạt 2-3% thì bình quân 5 năm chỉ đạt khoảng 6%, và mọi chỉ tiêu khác, kể cả tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... đều bị kéo xuống. Do đó, dự thảo các Văn kiện phải điều chỉnh cho sát với thực tế.
Dư luận và cán bộ, đảng viên rất quan tâm về kết quả phòng, chống đại dịch Covid-19 như thế nào và kết quả này phải được đưa vào dự thảo các Văn kiện.
Tiếp thu ý kiến bước đầu, trong dự thảo Báo cáo chính trị có một đoạn đánh giá kết quả phòng, chống đại dịch, bởi đây là kết quả của toàn Đảng, toàn dân tộc, của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Việc đánh giá kết quả này là đúng thực tế, vừa động viên, cổ vũ đồng bào ta tiếp tục ứng phó có hiệu quả với các sự kiện tương tự xảy ra.
Về dự báo tình hình, nhân dân rất quan tâm, bởi vì tình hình thế giới hiện nay diễn biến quá nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Dự thảo các Văn kiện dự báo hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng trên thực tế tình hình phức tạp hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng “đang đứng trước nhiều trở ngại lớn”.
Một điểm nữa được nhân dân rất quan tâm đó là trong dự thảo Báo cáo chính trị có điểm mới là đề ra hệ quan điểm chỉ đạo.
Hầu hết các ý kiến nhất trí với các quan điểm. Về quan điểm thứ 2 tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải bổ sung và hoàn thiện quan điểm này. Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay là rất lớn và nhiều tổ chức thế giới đã cảnh báo Việt Nam là một trong số ít nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về vấn đề môi trường. Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ thảm họa môi trường điển hình như vụ Formosa xả thải nên vấn đề bảo vệ môi trường trở nên rất cấp bách.
Một vấn đề nữa là thành tựu đối ngoại qua 35 năm đổi mới là rất to lớn và đối ngoại ngày càng có vị trí quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, nếu như không có đường lối, chính sách đối ngoại thật khôn khéo thì nhiều khi đang là thời cơ lại trở thành nguy cơ.
Còn nếu có đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, phù hợp, có thể biến nguy thành cơ. Do đó, đối ngoại của Việt Nam cần phải thực hiện tốt lời di huấn của Bác Hồ là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Vì thế, nhiều ý kiến cũng kiến nghị bổ sung, hoàn thiện thành tố đối ngoại.
Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội 13 phải cập nhật trong đánh giá tình hình mà kể cả phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cũng phải tính đến tác động của đại dịch Covid-19 gây ra.
PV: Xin ông cho biết lộ trình cụ thể hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII như thế nào?
Ông Nguyễn Viết Thông: Tại Hội nghị Trung ương 13 tới đây, Trung ương sẽ tiếp tục cho ý kiến, sau đó sẽ công bố toàn văn xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, xin ý kiến của toàn dân. Tiếp thu ý kiến của Đại hội Đảng các cấp, ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và ý kiến của toàn dân, tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Đại hội XIII xem xét, quyết định.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo Kim Anh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin