Sau khi trở thành thành viên Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1992 đến nay, Việt Nam đã tham gia 20 công ước về quyền lao động.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105. (Ảnh: Trọng Đức quochoi.vn |
Sau khi trở thành thành viên Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1992 đến nay, Việt Nam đã tham gia 20 công ước về quyền lao động.
Hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia các cam kết quốc tế về lao động là chủ trương nhất quán từ trước đến nay của Việt Nam.
Trong bối cảnh thực thi các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới và tăng cường hội nhập, Việt Nam càng nỗ lực thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế theo các cam kết đã tham gia.
Phê chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế đang ngày càng trở nên quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Do đó, Việt Nam đã tích cực phê chuẩn thêm nhiều công ước của Tổ chức lao động quốc tế, góp phần tạo nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại.
Nền tảng pháp lý toàn diện
Sau khi trở thành thành viên Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1992 đến nay, Việt Nam đã tham gia 20 công ước về quyền lao động như Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; Công ước về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; Công ước về chính sách việc làm; Công ước về lao động hàng hải...
Chỉ riêng trong năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 3 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm Công ước 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước 159 về tái thích ứng việc làm cho người khuyết tật; Công ước 98 của về quyền thương lượng tập thể.
Trong số 3 Công ước này, Công ước 98 là công ước cốt lõi, bản lề của ILO trong khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trở thành một cấu phần quan trọng của các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới, như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA), cũng như trong phần lớn chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia.
Cùng năm này, Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động theo đúng các cam kết quốc tế về lao động mà Việt Nam tham gia, phù hợp với tiến trình Việt Nam thực thi Hiệp định CPTTP và EVFTA.
Gần đây nhất, tháng 6/2020, Việt Nam phê chuẩn Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, đưa tổng số công ước cơ bản của ILO mà Việt Nam phê chuẩn lên 7/8 công ước.
Đảm bảo quyền của người lao động
Việc gia nhập Công ước số 105 nói riêng và các Công ước của ILO nói chung đã bảo đảm quan điểm xuyên suốt trong chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam là xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Việc gia nhập các Công ước quốc tế về quyền lao động cũng có tác động tích cực về chính trị đối ngoại, thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO và các cam kết trong các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới, có tác động tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Việc Việt Nam đạt được những bước tiến lớn trong việc phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO cũng như việc sửa đổi Bộ Luật Lao động đã thể hiện thiện chí và những nỗ lực có hiệu quả trong việc hội nhập các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Theo đó, việc Việt Nam phê chuẩn ngày càng nhiều các công ước của ILO có thể dẫn đến điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn và sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng, góp phần mang lại phát triển bền vững.
Tiến sỹ Change-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, trả lời phỏng vấn về việc Việt Nam tham gia vào Công ước 105 của ILO. Ảnh Quochoi.vn |
Với các Công ước 98 về quyền Tổ chức và thương lượng tập thể, cùng với hai công ước kỹ thuật là công ước số 88 và 159, Phó tổng giám đốc ILO, bà Deborah Greenfield, đánh giá: “Việt Nam đã có những sự phát triển đáng ghi nhận trong bản dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, phù hợp với Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết với các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua Nghị quyết số 06 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.
Với Công ước 105, Trưởng Ban Tiêu chuẩn Lao động quốc tế của ILO, bà Corrine Vargha, đánh giá: “Với lần phê chuẩn này, Việt Nam chứng tỏ cam kết mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức.
Thông qua việc phê chuẩn Công ước 105, Việt Nam đang tiến dần tới đạt được việc làm thỏa đáng và thực hiện được ở cấp quốc gia các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030 của Liên hợp quốc”.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập và triển khai thực hiện các công ước quốc tế về lao động nhằm tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ, tiên tiến để xử lý hài hòa các quan hệ lao động.
Đây cũng chính là một trong những điều kiện bảo đảm cạnh tranh công bằng khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do và là điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam.
Những bước tiến thực sự cho thấy Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các cam kết, tiêu chuẩn quốc tế về lao động, tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.
Theo Thu Hoa/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin