Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những quyết định lịch sử

09:08, 14/08/2020

Nói đến đồng chí Lê Khả Phiêu, chúng ta nghĩ về một con người xuất thân từ nông dân, trở thành người chiến sĩ cách mạng, anh Bộ đội Cụ Hồ, trưởng thành trong quân đội từ chiến sĩ đến một vị tướng, rồi giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Ðảng.

 

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân duyệt đội danh dự Hải lục không quân Trung Quốc trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc từ 25/2 đến 3/3/1999. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân duyệt đội danh dự Hải lục không quân Trung Quốc trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc từ 25/2 đến 3/3/1999. Ảnh: TTXVN.

Nói đến đồng chí Lê Khả Phiêu, chúng ta nghĩ về một con người xuất thân từ nông dân, trở thành người chiến sĩ cách mạng, anh Bộ đội Cụ Hồ, trưởng thành trong quân đội từ chiến sĩ đến một vị tướng, rồi giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Ðảng.

Gần cả cuộc đời Ông chinh chiến trong quân ngũ, vào sinh ra tử, từ mặt trận Trị Thiên tới Quân khu 9, đến những tháng ngày gian lao đánh đổ bọn diệt chủng Khmer Ðỏ, hồi sinh đất nước Chùa Tháp.
 
Ðứng chung trong tập thể lãnh đạo của Ðảng và Quân đội giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng Ông có dấu ấn cá nhân năng động, táo bạo, quyết liệt, dứt khoát trong tư duy và hành động.

Thủ trưởng “Năm Phiêu” và Mặt trận 719

Tôi may mắn được gặp ông từ những năm 80 của thế kỷ trước ở chiến trường Cam-pu-chia, nơi người ta vẫn gọi các vị lãnh đạo Mặt trận 719 bằng những danh xưng quý trọng: “Ông già Sáu” (Ðại tướng Lê Ðức Anh), còn ông là “Thủ trưởng Năm Phiêu”...

Thời gian đó, dù ít được làm việc trực tiếp với ông, nhưng qua ký ức của các chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận, và đặc biệt là từ nhận định của lãnh đạo, tướng lĩnh Cam-pu-chia, hình ảnh về Thủ trưởng Năm Phiêu luôn thực sự được quý trọng và đáng nhớ.

Ðó là người cán bộ tham gia chỉ huy những trận đánh đầu tiên ở một cánh quân, một mặt trận, lần lượt đảm nhiệm các vị trí Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Tư lệnh về chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia.

Chúng ta đã nghe nhiều về phẩm chất chính trị cao đẹp, không ngại hy sinh gian khổ và tinh thần quốc tế vô sản cao cả của cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia.

Có được phẩm chất đó, sức mạnh tinh thần đó, không thể không nói tới tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của công tác Ðảng - công tác chính trị mà ông là Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Tư lệnh về chính trị Mặt trận 719 cùng các đồng chí của mình đã ngày đêm lặn lội ở tiền phương, bám cơ sở, dày công rèn giũa, giáo dục xây dựng mà nên.

Sau hơn 10 năm chiến đấu gian khó và thắng lợi, Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia rút quân về nước. Ðây không chỉ là một chiến dịch quân sự đơn thuần, chỉ có những cái ôm chia tay rất chặt như mọi người vẫn thấy qua phim ảnh, mà ẩn sau đó là vô vàn khó khăn, gian khổ.

Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra lúc bấy giờ là Việt Nam rút quân nhưng bạn phải đứng vững, không để Khmer Ðỏ quay trở lại.

Muốn vậy, phải giúp đảng cầm quyền, chính quyền và quân đội bạn thực sự vững mạnh, đủ sức bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng nhờ xương máu quân, dân Cam-pu-chia cùng Quân tình nguyện Việt Nam đã đổ xuống.

Nhờ sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, Cam-pu-chia đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm: chủ lực - địa phương - dân quân du kích với năng lực chiến đấu vững vàng. Vấn đề quan trọng là công tác tư tưởng, tổ chức, công tác cán bộ, xây dựng sức mạnh tinh thần, tạo dựng và giữ vững niềm tin của quân đội đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng Nhân dân, trung thành với nhân dân Cam-pu-chia, đoàn kết với Việt Nam.

Chính nhờ có ý chí cách mạng tiến công, tư tưởng vững vàng mà quân đội cách mạng Cam-pu-chia đã có bước trưởng thành vượt bậc, giữ vững thế cục quân sự trên chiến trường, là chỗ dựa cho các cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao để đi đến một giải pháp chính trị ở Cam-pu-chia, bảo vệ Ðảng Nhân dân từng bước vượt qua khó khăn, tiến tới thắng lợi trong bầu cử năm 1998.

Có được thành quả đó trước hết nhờ ý chí của quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo linh hoạt của Ðảng Nhân dân và sự giúp đỡ to lớn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhưng yếu tố đặc biệt quan trọng là sự trung thành của quân đội.

Các vị lãnh đạo và tướng lĩnh Cam-pu-chia khi hồi tưởng về những khó khăn và thành tựu ban đầu, sau khi Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước (1989-1999), đều bày tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ của Việt Nam, trong đó có sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam về công tác đảng - công tác chính trị, có tính chất quyết định đem đến thắng lợi cho cách mạng.

Và mỗi lần như vậy, người ta thường nhắc đến những người chỉ huy Mặt trận 719 lúc bấy giờ như các đồng chí Lê Ðức Anh, đồng chí Ðoàn Khuê, đồng chí Lê Hai, đồng chí Lê Khả Phiêu...

Cho đến nay, ngay cả khi lực lượng quân đội của bạn được đổi tên theo Hiến pháp mới, thì những giá trị cốt lõi của bài học công tác đảng - công tác chính trị đó vẫn được lưu giữ, vận dụng và phát huy trong quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia.

Ðó cũng là câu trả lời vì sao hợp tác quốc phòng luôn là trụ cột của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cam-pu-chia trong quá khứ và tương lai.

Luôn là người bạn vững chắc và tin cậy của Cam-pu-chia

Sau khi rút quân từ Cam-pu-chia về nước, Thủ trưởng Năm Phiêu đảm nhiệm các trọng trách của Ðảng và Quân đội, đến năm 1997, ông là Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam. Từng là vị tướng chỉ huy trên chiến trường Cam-pu-chia, ông luôn theo dõi sát sao, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia, tăng cường quan hệ hai đảng, hai quân đội; tìm mọi cách hỗ trợ bạn vượt qua thách thức trong những thời điểm khó khăn nhất.

Cũng trong thời gian này, với tính chất nhiệm vụ được giao, tôi thường được phục vụ ông một số công việc, nhờ đó mà may mắn được biết, được chứng kiến những sự kiện, dấu ấn quan trọng của đất nước, của Ðảng có sự đóng góp quan trọng của cá nhân ông.

Còn nhớ, năm 1998, Cam-pu-chia bầu cử, Ðảng Nhân dân giành thắng lợi và sau đó thành lập được Chính phủ Liên hiệp do Ðảng Nhân dân lãnh đạo.

Ngay sau khi thành lập Chính phủ mới, Thủ tướng Hun Xen, thay mặt Chính phủ Hoàng gia và Ðảng Nhân dân Cam-pu-chia đã dành cuộc điện đàm đầu tiên để trao đổi với Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu, báo tin thắng lợi và cảm ơn sự giúp đỡ có ý nghĩa hết sức quan trọng của Việt Nam đối với Cam-pu-chia; đồng thời khẳng định sẽ đẩy mạnh quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực, thiết lập cơ chế gặp gỡ hằng năm giữa lãnh đạo hai Ðảng; cam kết tôn trọng các Hiệp định về biên giới mà Việt Nam và Cam-pu-chia đã ký trước đó, đặc biệt là Hiệp định hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Cam-pu-chia năm 1985, đẩy mạnh quá trình phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia...

Sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam, đặc biệt là từ  lãnh đạo Ðảng, do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đứng đầu đã giúp bạn giữ vững đoàn kết nội bộ, thống nhất hành động vì mục tiêu chung để có được thắng lợi to lớn, mở ra kỷ nguyên mới hòa bình, ổn định, phát triển cho đất nước Cam-pu-chia. Ðồng thời cũng mở ra trang mới cho sự phát triển vượt bậc trong quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia.

Nhiều năm sau nhìn lại, một trong những kết quả tiêu biểu thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước là bộ văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc, đánh dấu nỗ lực không ngừng của Việt Nam và Cam-pu-chia trong việc xử lý vấn đề biên giới, từ đó mở ra tương lai hợp tác tốt đẹp và bền vững giữa hai nước.

Quyết định khó khăn nhất

Trong số các quyết định mang tính vận mệnh quốc gia dân tộc vào thời điểm ấy, cũng là khó khăn nhất đối với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có lẽ là vấn đề biên giới với Trung Quốc.

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, biên giới Việt Nam - Trung Quốc luôn là mối quan tâm đặc biệt của nhiều thế hệ lãnh đạo Việt Nam, mà mong muốn cao nhất của chúng ta là có được đường biên giới hòa bình, ổn định.

Tuy nhiên, trong lịch sử vấn đề này luôn gặp khúc mắc và không dưới một lần trở thành nguyên nhân của xung đột, thậm chí là chiến tranh giữa hai nước. Nếu không xử lý dứt điểm thì đất nước khó bình yên, ổn định.

Ðó chính là động lực, là quan điểm rất rõ ràng mà Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt ra và được tập thể lãnh đạo hết sức đồng tình - mục tiêu cụ thể là sớm ký kết Hiệp định biên giới với Trung Quốc, giải quyết việc phân giới, cắm mốc trên cơ sở bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng Trung Quốc, củng cố hòa bình cho đất nước.

Ngày hôm nay, chúng ta đã thực sự có một đường biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Trung Quốc.

Bất cứ ai khi đến biên giới phía bắc sẽ không thể phủ nhận sự khác biệt so với bức tranh của 20 năm trước, nhất là khi nhìn vào đời sống kinh tế - xã hội khu vực giáp biên, hoạt động giao thương kinh tế, ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, cùng mối quan hệ bằng hữu giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới.

Ðó chính là cơ sở hòa bình để hai bên cùng tiếp tục thảo luận, từng bước giải quyết những khác biệt còn tồn tại. Chúng ta cần ổn định để phát triển, nhưng không thể ổn định nếu không giải quyết tốt vấn đề biên giới phía bắc với Trung Quốc và biên giới với Cam-pu-chia.

Ðây là những vấn đề rất khó, nhưng không thể không giải quyết nếu muốn có hòa bình, có môi trường quốc tế thuận lợi ở cả hai đầu đất nước. Chính vì vậy, ông cùng tập thể Bộ Chính trị, các đồng chí cố vấn đã thống nhất quyết tâm và đã thành công.

Là người lính gần suốt cuộc đời khoác ba-lô ra trận, ông thực sự hiểu được khát vọng hòa bình của dân tộc, mà một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ hòa bình chính là vấn đề biên giới.

Với tính cách quyết liệt của vị tướng quân đội, với sự trải nghiệm đau đớn qua các cuộc chiến tranh biên giới đã tham gia, ông hiểu giá trị hòa bình, ông bảo ban thế hệ sĩ quan trẻ chúng tôi: Bây giờ đất nước đã có cơ đồ rồi, đã có toàn vẹn lãnh thổ rồi, thì điều quan trọng nhất là hòa bình, mà trong đó yếu tố nhạy cảm hàng đầu là vấn đề biên giới.

Phải giải quyết tốt vấn đề biên giới với các nước láng giềng thì mới có hòa bình, ổn định, mới có môi trường thuận lợi để phát triển. Ông nói được và ông đã làm được!

Ngày hôm nay, đất nước có được dải biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ hòa bình, ổn định, chúng ta ghi nhớ công lao của các vị lãnh đạo tiền bối, của các thế hệ chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc và trong đó, chúng ta không thể không ghi nhớ công lao của người đứng đầu, người dám chịu trách nhiệm - vị Tổng Bí thư của những Hiệp định biên giới có ý nghĩa lịch sử.

Ngăn chặn sự suy thoái khi mới “manh nha”

Cách đây hơn 20 năm, việc đưa ra chủ trương về xây dựng chỉnh đốn Ðảng trên cơ sở cho rằng có một bộ phận suy thoái trong nội bộ là một vấn đề hết sức nhạy cảm, vô cùng khó khăn và ít người nhìn ra được. Nhưng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhìn ra vấn đề và ông đã dám nói - nói rất thẳng thắn.

Với quyết tâm đó, ông và Bộ Chính trị đã cùng Ban Chấp hành Trung ương và toàn Ðảng đồng lòng thực hiện công cuộc chỉnh đốn Ðảng lúc bấy giờ, trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2).

Cuộc kiểm điểm phê và tự phê trong toàn Ðảng, toàn quân được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn. Rất khác so với các cuộc sinh hoạt bình thường, một làn sóng cách mạng được khởi tạo và lan rộng cả nước. Người dân thấy được Bộ Chính trị kiểm điểm từ Tổng Bí thư trở xuống.

Người lính thấy được những vị tướng chỉ huy dạn dầy trận mạc lại nghiêm túc đến “trào nước mắt” khi tự kiểm thảo bản thân.

Không khí đó, quyết tâm chỉnh đốn Ðảng đó là động lực để không chỉ Trung ương mà các địa phương đều nhận thức được và đấu tranh mạnh mẽ với tình trạng mất định hướng, mất đoàn kết, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực.

Thẳng thắn, chân thực, bản lĩnh, không hề dao động khi phải quyết định - đó là tâm thế, là tinh thần của Trung ương Ðảng, của Tổng Bí thư đã thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) hơn 20 năm trước, đã tạo dựng nền tảng quý báu cho cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng”, thực hiện tự phê bình và phê bình, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác và 90 năm thành lập Ðảng của chúng ta hôm nay.

Dấu ấn cá nhân và tinh thần tập thể

Chân thành, thẳng thắn, giản dị và dễ gần. Ðó là cảm nhận của những người từng có dịp gặp gỡ hoặc đã làm việc nhiều với đồng chí Lê Khả Phiêu.

Ông đi nhiều, gặp nhiều, sẵn sàng lắng nghe bất kỳ ai có thể đối thoại. Xuất thân từ nông dân và trải qua trận mạc cho nên không hình thức, cầu kỳ. Con người đó đậm chất thực tiễn về cuộc sống chứ không kinh viện, khoa trương, suy nghĩ như thế nào sẽ nói và làm như thế.

Là người lãnh đạo từng kinh qua công tác trong quân đội, ông có cái gì đó rất rõ ràng, quyết liệt, nhanh nhạy, suy nghĩ, giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn. Phẩm chất riêng ấy khiến nhiều người quý mến, nhưng cũng gặp lúc ai đó chưa đồng tình.

Thế nhưng hơn tất cả, ông là người nghiêm túc và xây dựng, “nói đi đôi với làm”, cảm nhận rõ lý tưởng và nhiệt huyết luôn cuộn chảy trong ông. Ðó chính là nội lực để ông vượt qua được những rào cản thông thường.

Từ cuộc đời, sự nghiệp và những gì mà Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu để lại, chúng ta hiểu thêm bài học về người  đứng đầu, có thêm những suy nghĩ, những góc nhìn mới về vai trò và dấu ấn cá nhân trong tập thể.

Thời nào cũng vậy, đất nước luôn cần những người lãnh đạo mang phong cách làm việc đoàn kết, dân chủ, nhưng có dấu ấn cá nhân năng động, tỉnh táo, quyết liệt, dứt khoát trong tư duy và hành động, gắn kết nhiệt huyết cách mạng với lý trí để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, có lợi nhất cho Ðảng, cho nước, cho dân.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người lãnh đạo luôn tôn trọng tập thể, biết lắng nghe và tận tâm hết mình vì sự nghiệp của Ðảng, của dân tộc. Ðó thực sự là con người dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những quyết định lịch sử.

NGUYỄN CHÍ VỊNH

Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Quốc phòng

Theo nhandan.com.vn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh