Đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu- nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh- đã vĩnh biệt chúng ta!
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
LTS: Đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu- nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh- đã vĩnh biệt chúng ta!
Trọn vẹn cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy tâm huyết, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân; luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Báo Vĩnh Long trân trọng giới thiệu bài viết trên báo Sài Gòn Giải phóng.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Trần Đình Nghiêm- nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu- cho biết:
Trong đối nội và đối ngoại, dù hoàn cảnh nào, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn luôn toát lên phẩm chất người lính Cụ Hồ.
Đó là một người luôn đặt quyền lợi của đất nước, nhân dân lên trên hết; luôn tận tụy với công việc; sống giản dị, khiêm nhường… Một nhà lãnh đạo luôn vì nước, vì dân.
Hết sức quan tâm đến quyền lợi của nhân dân
Thời điểm đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư, công cuộc đổi mới từ Đại hội VI của Đảng năm 1986 thành công bước đầu; kinh tế- xã hội đất nước phát triển nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện.
Thế nhưng, cùng với việc thực hiện mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thì vấn đề suy thoái đạo đức, lệch lạc về tư tưởng, tham ô, tham nhũng... ngày càng gia tăng, thậm chí là trở nên đáng báo động. Đó cũng là thời điểm những thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng phương thức “diễn biến hòa bình”. Tình hình hết sức phức tạp.
Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã quyết tâm đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và ngày 2/2/1999, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay ra đời.
Cùng với việc đẩy mạnh chống tham nhũng, củng cố và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu quyết định vẫn tiếp tục thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận việc quay lại nền kinh tế bao cấp.
Khái niệm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được cụ thể hóa trong hoàn cảnh đó và được các nhiệm kỳ đại hội đảng về sau làm sáng rõ thêm cả về lý luận và thực tiễn.
Nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trương sáp nhập, giải tán hoặc ngừng hoạt động của một số ban, bộ phận trong cơ cấu tổ chức Đảng. Đồng chí nêu rõ, bộ máy lãnh đạo của Đảng phải tinh gọn thì mới hoạt động hiệu quả được; không cồng kềnh, chồng chéo thì mới chống được nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí…
Tổ chức Đảng phải vững mạnh, thống nhất, đoàn kết thì mới lãnh đạo đất nước phát triển, giàu mạnh được. Đảng vững mạnh cũng chỉ nhằm phát triển đất nước, đảm bảo đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đồng chí Lê Khả Phiêu hết sức quan tâm đến quyền lợi của nhân dân. Cùng với nâng cao đời sống kinh tế, an sinh xã hội, đồng chí chủ trương mở rộng và phát huy dân chủ cơ sở; coi đó là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất; làm sao để người dân thực sự có quyền và phát huy được quyền làm chủ đất nước của mình; qua đó giúp Đảng lãnh đạo tốt hơn, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh hơn.
Với tinh thần đó của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với công tác chỉnh đốn Đảng, đây cũng là một dấu ấn đậm nét của đồng chí Lê Khả Phiêu.
Đồng chí Lê Khả Phiêu (giữa) cùng các đồng chí trong Hội đồng Xuất bản Văn kiện Đảng duyệt bìa bộ sách “Văn kiện Đảng toàn tập”, năm 1998. Ảnh tư liệu |
Bình tĩnh, khiêm nhường trong mọi tình huống
Từng là một người lính, trưởng thành từ khói lửa các cuộc chiến tranh của đất nước, từ binh nhì năm 1950 đến Thượng tướng năm 1992; ở Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn có sự bình tĩnh, tự tin, sáng tạo trong mọi tình huống.
Suốt trong những năm tháng bên đồng chí, tôi chưa bao giờ thấy đồng chí nổi nóng, quát mắng bất kỳ ai; kể cả trong những hội nghị quan trọng, có những ý kiến bất đồng sâu sắc, phê phán nặng nề, đồng chí vẫn luôn điềm đạm, bình tĩnh lắng nghe, sau đó mới tìm hướng diễn giải, làm rõ.
Đồng chí luôn cầu thị, lắng nghe và chịu khó học hỏi trong mọi hoàn cảnh. Với giới trí thức, khoa học, đồng chí rất trân trọng, chân thành. Bởi như nhiều lần đồng chí tâm sự: Mình là “lính tráng” đi làm chính trị, cái gì không biết thì phải học hỏi, lắng nghe; chuyện gì có lợi cho dân, cho đất nước, cho Đảng thì mình phải tiếp thu, cố gắng làm theo!
Phẩm chất người lính Cụ Hồ là gần gũi với nhân dân, tuân thủ kỷ luật tổ chức, hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể, luôn cầu thị… thể hiện xuyên suốt quá trình công tác của đồng chí Lê Khả Phiêu, dù ở cương vị nào.
Năm 1998 và 1999, trong những lần đi kiểm tra lũ lụt ở miền Trung và miền Nam, đồng chí đã xắn quần lội nước vào thăm, động viên từng nhà dân vùng bị lũ lụt. Đồng chí nói, có đi thực tế, nói chuyện với người dân thì mới rõ, rồi có chính sách, biện pháp phù hợp.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có 3 người con. Người con gái đầu lấy chồng bộ đội. Người con trai thứ 2 đi bộ đội. Và đến người con trai út cũng đi bộ đội. Đồng chí thường nói vui cùng chúng tôi: “Cả nhà tớ là bộ đội Cụ Hồ”!
Trong thời gian lâm bệnh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã “dặn dò” là khi qua đời thì được nằm ở Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), vì nếu về quê thì lại phải xin đất, tổ chức đi lại, xây dựng phức tạp, làm phiền dân, gây tốn kém cho tổ chức và xã hội… Đồng chí cần kiệm, khiêm nhường cho đến lúc “ra đi”.
Tóm tắt tiểu sử nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931; quê quán: xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949. Từ 1947- 1949, ông dạy bình dân học vụ ở xã. Tháng 6/1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách công tác tuyên truyền, làm Chánh văn phòng Chi bộ xã. Từ 5/1950- 8/1954, ông nhập ngũ, làm chiến sĩ, rồi đảm nhiệm các chức vụ Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội, Chính trị viên Đại đội, Trung đoàn 66, Đại đoàn 304. Từ 9/1954- 3/1955, ông học bổ túc quân chính trung cấp khóa I. Từ 3/1955- 3/1958, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trưởng Tiểu ban Tổ chức Trung đoàn, Chính trị viên Tiểu đoàn; Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Tháng 4/1958, ông là học viên Trường Chính trị trung cao. Từ 6/1961- 1966, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó Ban Cán bộ rồi Trưởng Ban Tổ chức, Phòng Chính trị Sư đoàn 304; sau đó làm Phó Chính ủy rồi Chính ủy Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân khu Hữu Ngạn, Đảng ủy viên Sư đoàn. Tháng 7/1967, ông vào chiến trường Trị Thiên chiến đấu, làm Chính ủy Trung đoàn 9. Tháng 1/1968, ông kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9. Năm 1970, ông làm Trưởng Phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên. Từ 10/1971- 2/1974, ông làm Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên. Tháng 3/1974, ông làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên (sau là Quân đoàn 2), Đảng ủy viên Tháng 2/1978, ông làm Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9. Tháng 8/1980, ông làm Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, được bầu vào Thường vụ rồi Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu. Tháng 3/1983, ông giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9. Tháng 4/1984, ông làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh 719, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng. Năm 1986, ông làm Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh 719, làm Ủy viên rồi Phó Bí thư Ban Cán sự Bộ Tư lệnh 719. Tháng 6/1988, ông được thăng quân hàm Trung tướng. Tháng 8/1988, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (phụ trách khối tổ chức, cán bộ, bảo vệ). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991), ông được bầu vào BCH Trung ương Đảng, phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 3 (khóa VII), ông được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 6/1992, ông được thăng quân hàm Thượng tướng. Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của BCH Trung ương khóa VII (1/1994), ông được bầu vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (6/1996), ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng và được BCH Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, được cử tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương. Tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 4, khóa VIII (12/1997), ông được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và giữ cương vị này đến tháng 4/2001. Tháng 10/2006, ông nghỉ công tác theo chế độ. Ông là đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân- huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. |
PV (theo SGGP)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin