Kỷ niệm về đồng chí Lê Khả Phiêu trong quá trình chuẩn bị Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII

11:08, 15/08/2020

Từ chiến trường Cam-pu-chia về, đồng chí Lê Khả Phiêu nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1997, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam. Những năm đó, do công việc, anh vẫn thường xuyên về cơ quan TCCT.

 

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2000-2005. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2000-2005. Ảnh: TTXVN.

Từ chiến trường Cam-pu-chia về, đồng chí Lê Khả Phiêu nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1997, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam. Những năm đó, do công việc, anh vẫn thường xuyên về cơ quan TCCT.

Thời gian từ năm 1990 đến 1999, tôi được giao nhiệm vụ là Phó Cục trưởng Tuyên huấn (TCCT), phụ trách tham mưu, chỉ đạo mảng văn hóa, văn nghệ trong quân đội. Do công việc, tôi có điều kiện làm việc dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng TCCT, trong đó có nhiều lần làm việc trực tiếp với đồng chí Lê Khả Phiêu. Chín năm, đầy ắp những kỷ niệm.

Trong rất nhiều lĩnh vực mà anh phụ trách, chỉ đạo, anh đặc biệt và thường xuyên quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Hôm nay, biết tin anh đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, tôi xin được kể lại một vài kỷ niệm trong quá trình đồng chí Lê Khả Phiêu với tư cách Tổng Bí thư của Ðảng đã chỉ đạo việc chuẩn bị và hoàn thành Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" (ngày 16/7/1998).

Tôi không ở trong bộ phận biên tập dự thảo Nghị quyết (Trung tướng Lê Hai, Phó Chủ nhiệm TCCT là thành viên), nhưng được giao nhiệm vụ ở "vòng ngoài", nghĩa là, được thông báo những vấn đề đặt ra trong dự thảo, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến trong quân đội, làm báo cáo gửi lãnh đạo TCCT và ban dự thảo. Với nhiệm vụ được giao, thỉnh thoảng anh Phiêu gọi tôi lên báo cáo, trình bày những ý kiến thu thập được trong quân đội.

Tôi cảm nhận, anh đang rất quan tâm đến Nghị quyết này, anh lắng nghe chăm chú, trầm tư suy nghĩ và đặc biệt, khi anh trao đổi vừa chân tình vừa say sưa, tâm huyết. Một lần, anh gọi tôi lên và đưa cho xem một bức thư viết tay dài không hết một trang góp ý kiến cho bản dự thảo.

Ðọc thư, tôi nhìn ngay thấy chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng. Anh Phiêu rất vui và trân trọng bức thư Thủ tướng trực tiếp gửi cho anh. Anh nói: "Cậu đọc đi và nói cảm nghĩ cho tôi nghe". Ðến nay, việc đó đã qua hơn 20 năm, song tôi nhớ, bức thư có ba ý lớn.

Một là, Thủ tướng hoan nghênh và tán thành việc Trung ương ra Nghị quyết về văn hóa vì đó là lĩnh vực rất quan trọng và cấp thiết. Hai là, Thủ tướng đồng tình với những nội dung cơ bản trong dự thảo. Và đặc biệt, ở điểm thứ ba, Thủ tướng nhấn mạnh và đồng tình sâu sắc với một luận điểm "Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống...".

Thủ tướng khẳng định, đó là điểm mới, hết sức quan trọng và mong rằng Ðảng sẽ làm cho bằng được ý tưởng đó. Anh Phiêu trầm ngâm suy nghĩ và nói: Phải đưa ý đó vào phương hướng của Nghị quyết và chỉ đạo làm được, như thế Nghị quyết mới có sức sống.

Lúc đó, đã hơn 20 năm làm công tác văn hóa và đã đọc ý đó trong dự thảo, song thú thực, tôi mới lướt qua, mới hiểu nó về mặt lý thuyết.

Qua suy nghĩ của anh Phiêu đồng cảm sâu sắc với ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, tôi mới nghĩ tới chiều sâu nhất của văn hóa đối với đời sống và con người.

Sau khi Nghị quyết ban hành, tôi càng cảm nhận sâu sắc một đoạn trong Nghị quyết T.Ư 5 này: "làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta một đời sống tinh thần cao đẹp...".

Nghĩ lại, hơn 20 năm đã qua, dù có cố gắng, chúng ta vẫn cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện tốt hơn ý tưởng sâu sắc trên của anh Phiêu, của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng và của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng!

Hơn 50 năm làm công tác văn hóa trong quân đội và ở Ban Ðảng, tự tôi cảm thấy còn "mắc nợ" nhiều quá vì còn làm hời hợt, có lượng mà chưa có chất để văn hóa thật sự thấm sâu vào đời sống, trở thành sức mạnh nội sinh, thành các giá trị trong chiều sâu nhân cách con người!

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 5 (khóa VIII), anh Phiêu nêu nhiều ý, tôi chỉ xin ghi lại đây một nhận xét về nguyên nhân dẫn tới các yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, đó là "nhất là sự nhận thức không đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, sự thiếu gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, tạo sơ hở cho những hoạt động phản văn hóa phát triển". Nhận xét nêu trên cách đây hơn 22 năm mà như là sự đánh giá thực trạng hiện nay.

Trong một số buổi làm việc khác, tuy rất ngắn, có khi chỉ từ 10 đến 15 phút, anh Phiêu rất nhiệt tình say mê khi thông tin về những thảo luận sôi nổi, tâm huyết, thẳng thắn và cả những tranh luận gay gắt về một số nội dung trong dự thảo. Tôi cảm nhận rõ, anh đang dồn tâm huyết, trí tuệ cho Nghị quyết.

Anh nói nhanh những vấn đề đang thảo luận và khuyến khích tôi trình bày ý kiến của mình. Tôi nhớ, anh nói có mấy vấn đề lớn có tính lâu dài, chiến lược cần xác định trong Nghị quyết, như các vấn đề: Nội hàm của văn hóa, vai trò của văn hóa trong phát triển, tính chất của nền văn hóa Việt Nam, các quan điểm chỉ đạo và định hướng chiến lược phát triển văn hóa...

Anh nói: Phải nhận thức đúng những vấn đề lớn này, nếu không sẽ gặp khó khăn. Sau đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 5, anh kết luận: "Hai vấn đề về văn hóa và kinh tế - xã hội gắn chặt nhau, vừa là những vấn đề cơ bản lâu dài, vừa cấp bách trước mắt, nếu nhận thức đúng và giải quyết tốt sẽ thúc đẩy đất nước vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ bền vững, nhưng nếu nhận thức không đúng, giải quyết không tốt thì tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều".

Và về cái phức tạp đó, anh thẳng thắn chỉ ra: "Thậm chí còn dẫn tới nguy cơ đối với vận mệnh của Ðảng và sự phát triển của đất nước". Những nhận định đó vẫn còn nguyên giá trị - cả thời sự và lâu dài - đối với Ðảng ta ngày hôm nay.

Một lần, tôi báo cáo, trong quân đội còn có ý kiến khác nhau về khái niệm văn hóa, văn hóa bao gồm những lĩnh vực nào? Anh Phiêu cười hiền: Trong thảo luận ở nhiều cấp cũng đặt ra vấn đề này. Lần này, cố gắng đề cập theo nghĩa bao quát, toàn diện và rộng.

Tôi về đọc lại dự thảo, sau nhiều lần bổ sung, hoàn thiện và tìm thấy trong dự thảo khái niệm, nội hàm văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực, đếm thử có tới bảy đến tám lĩnh vực. Ít tháng sau, được biết trong "Bản trình bày ý kiến của Bộ Chính trị" tại Hội nghị, Bộ Chính trị xác định "dự thảo Nghị quyết theo nghĩa rộng, trong đó đề cập tám lĩnh vực lớn, trong tám lĩnh vực này thì tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa được coi là những lĩnh vực quan trọng nhất hiện nay cần đặc biệt quan tâm".

Những lĩnh vực trên cùng với giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa với nước ngoài, thể chế văn hóa được xác định thuộc về nội hàm của văn hóa theo nghĩa bao quát và rộng. Ðây là bước phát triển về tư duy của Ðảng về văn hóa.

(Sau này, trong một lần trao đổi lý luận về xây dựng văn hóa với một Ðảng bạn, họ có hỏi về vấn đề này. Ðược sự phân công, tôi đã trình bày quan điểm của Ðảng ta trong đổi mới về văn hóa bao gồm tám lĩnh vực như khẳng định của Nghị quyết T.Ư 5).

Vào khoảng đầu năm 1998, khi đang chuẩn bị dự thảo, tôi có băn khoăn khi được biết "tư tưởng" được đưa vào Nghị quyết về văn hóa. Hơn 20 năm công tác văn hóa, tôi ít đề cập về tư tưởng, mà chủ yếu nhấn mạnh vai trò, tác động về tình cảm của văn hóa đối với con người.

Tôi rụt rè "thăm dò" ý kiến anh Phiêu. Anh trầm ngâm suy tư và nói: trong các buổi thảo luận cũng có ý kiến băn khoăn đó, song phải đưa vào Nghị quyết vì tư tưởng là khái niệm rất rộng lớn, nhưng nó là cốt lõi của văn hóa.

Tư tưởng mà chỉ dừng lại ở các khái niệm, không thể trở thành phẩm chất của đảng viên, cán bộ sẽ không bền được, mà phẩm chất chính là văn hóa. Anh nói thêm, sẽ có Nghị quyết riêng về vấn đề rộng lớn này. (Bảy tháng sau, tháng 2-1999, Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2) "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Ðảng hiện nay" ra đời cũng do anh Phiêu chủ trì, chỉ đạo).

Năm quan điểm chỉ đạo cơ bản được xác định trong Nghị quyết T.Ư 5 (1998) tiếp tục được vận dụng và phát triển từ đó đến nay.

Tôi thật sự cảm phục khi anh Phiêu cũng nói về xây dựng con người, từ đó, khi đọc Nghị quyết, và cả khi trình bày, thuyết trình về văn hóa trong những năm qua, tôi tự răn mình và cố gắng truyền đạt hai câu giản dị mà cực kỳ sâu sắc trong Nghị quyết này: "Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện" và làm cho văn hóa "biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển".

Phải chăng trong thực tiễn chỉ đạo, quản lý, thực hiện, chúng ta chưa thật sự thấu hiểu và triển khai có hiệu quả các luận điểm trên. Chủ nghĩa thực dụng kinh tế và khuynh hướng coi văn hóa là sự giải trí đơn thuần đang có nguy cơ lan tràn?

Tôi được biết, trong quá trình trao đổi chuẩn bị dự thảo Nghị quyết có những lúc thảo luận sôi nổi chung quanh từ "tiên tiến" trong luận điểm xây dựng "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Có ý kiến băn khoăn rằng, từ năm 1943 đến 1987, Ðảng ta thường sử dụng cụm từ "nội dung xã hội chủ nghĩa" (năm 1943 đến 1960), rồi nền "văn hóa xã hội chủ nghĩa" (Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị năm 1987), tại sao lại phải thay bằng từ "tiên tiến".

Cũng có ý kiến "bên lề" rằng, phải chăng là sự "thụt lùi" về tư tưởng vì trước đó, Liên Xô và Ðông Âu đã sụp đổ? Anh Phiêu, trong phát biểu khai mạc Hội nghị đã phân tích rất rõ nội hàm của tiên tiến với các đặc trưng gắn bó chặt chẽ: yêu nước; tiến bộ (những gì tiến bộ của dân tộc, của thời đại, của loài người); có nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhân văn, tất cả vì con người...

Như thế đã rõ, đó thật sự là bước tiến về tư duy của Ðảng về văn hóa, là sự nối tiếp đồng thời là sự bổ sung và phát triển về chất lượng các quan niệm trước đó.

Anh Phiêu còn giải thích kỹ hơn "Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc còn là sự mở rộng giao lưu với thế giới, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế".

Sau nhiều lần làm việc, xin ý kiến, gặp gỡ với đồng chí Lê Khả Phiêu, lắng nghe anh phát biểu trên nhiều vấn đề hệ trọng của quân đội và sau này, của đất nước, khi anh với cương vị Tổng Bí thư của Ðảng, đôi lúc tôi thầm hỏi: Phần lớn cả cuộc đời anh là cán bộ chính trị, cán bộ quân sự trưởng thành từ cơ sở trong quân đội, bằng cách nào anh nắm bắt nhanh, nhậy, bao quát nhiều lĩnh vực hệ trọng của đất nước, kể cả nhiều lĩnh vực rất đặc thù như văn hóa.

Tôi "tò mò" quan sát và hỏi han, biết anh đọc nhiều, và đặc biệt anh luôn luôn bình tĩnh, chân tình lắng nghe, trao đổi tự nhiên, không phải với tư cách chỉ đạo, kết luận khi vấn đề đang được bàn bạc, mà với tư cách bình đẳng, dân chủ, để rồi, tổng hợp các ý kiến, anh nêu kết luận ở dạng mở những vấn đề cần thảo luận tiếp (Những ngày tôi được cùng anh đi khảo sát, thăm hỏi, kiểm tra ở Trường Sa, anh Phiêu thường làm việc theo phong cách ấy).

Để chuẩn bị Nghị quyết T.Ư 5, tôi được biết, anh đã lắng nghe, trao đổi, ghi chép, gặp gỡ với rất nhiều người, tổ chức, đoàn thể, đi khảo sát, chỉ đạo việc thu thập ý kiến của các cấp, các ngành, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhân sĩ, văn nghệ sĩ...

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị do anh chủ trì đã thảo luận và chỉ đạo việc xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Hội nghị T.Ư 5. Nghị quyết này là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết, khoa học của Ðảng ta, trong đó Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đóng góp cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Như vậy, tài năng, bản lĩnh của người lãnh đạo không chỉ là tài năng, bản lĩnh của cá nhân mà còn là tài năng biết tập hợp, lắng nghe, chọn lọc chân tình, vô tư và sáng suốt sự đóng góp của bao tài năng khác để làm giàu có cho mình, để đề ra được những quyết sách lớn cho Ðảng, cho đất nước. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một tài năng, một bản lĩnh như vậy.

Viết kỷ niệm ngày anh Phiêu từ trần

GS, TS ÐINH XUÂN DŨNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh