Dấu ấn Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình

10:08, 15/08/2020

Từ đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình đặc biệt trong Đảng, đã cho thấy bản lĩnh kiên cường của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII gắn với công cuộc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới (Ảnh tư liệu)
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII gắn với công cuộc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới (Ảnh tư liệu)

Từ đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình đặc biệt trong Đảng, đã cho thấy bản lĩnh kiên cường của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Là nhà lãnh đạo nhạy bén, có tầm nhìn lớn, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sớm nhận ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trong thời gian đảm nhận chức vụ Tổng Bí thư, ông Lê Khả Phiêu cùng Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã nghiêm túc tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực hiện tự phê bình và phê bình và cụ thể hóa bằng việc ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”, thường gọi là Nghị quyết Trung ương 6, lần 2 (Khóa 8). 

Lần đầu tiên sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất và hơn 10 năm sau khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 nhận định: “Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”.

Từ thực trạng ấy, Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Hội nghị Trung ương 6 (lần 2, tháng 2/1999), nhấn mạnh việc tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình; tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tuyên bố thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiến hành tự phê bình và phê bình từ ngày 19/5/1999 đến ngày 19/5/2001 với mục đích làm trong sạch Đảng, nâng cao sức chiến đấu, vai trò và thanh danh Đảng.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khi đó là Thường trực Bộ Chính trị (Khóa 8), nhớ lại: “Bộ Chính trị đã rất nghiêm túc kiểm điểm từ Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, các vị cố vấn đều phải kiểm điểm.

Tôi cũng tham gia 4 khóa trung ương, 3 khóa tham gia lãnh đạo Ban Bí thư, Bộ Chính trị, tôi thấy cuộc ấy là một cuộc khá sâu sắc, thẳng thắn và rất có lý, có tình, rất có tinh thần xây dựng. Không hề mang tính cá nhân hay để nói về mình, còn đổ lỗi cho đồng chí. Chính vì thế tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng phân tích, nếu một đảng viên cấp cơ sở suy thoái, hư hỏng sẽ chỉ ảnh hưởng đến cơ sở, nhưng người đứng đầu, người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cho quốc gia và dân tộc.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

"Sinh hoạt Đảng không phải sinh hoạt câu lạc bộ. Tắm gội phải từ trên đầu xuống chứ không phải từ ngang thắt lưng".

Tham gia đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị khi đó, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho biết, tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, thẳng thắn tới mức dư luận lúc ấy đặt câu hỏi trong nội bộ có việc gì mà Bộ Chính trị phải kiểm điểm từ Tổng Bí thư trở xuống.

“Bắt đầu là “từ trên gội xuống”, cho nên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện “muốn tắm thì phải gội đầu” là thế. Tức là Bộ Chính trị phải thực sự sinh hoạt phê bình, tự phê bình sâu sắc theo yêu cầu của Nghị quyết.

Thực sự câu chuyện là thật, cho nên đã tạo ra không khí trong toàn Đảng phải coi sự nghiệp xây dựng Đảng là lẽ sống còn của Đảng”, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhớ lại.

Thực hiện đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, với tinh thần tự phê bình và phê bình lan toả ra toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, rồi tới các cấp uỷ các địa phương.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương kể lại, thời gian đó, nhiều cuộc họp sinh hoạt kéo dài cả chục ngày.

Tất cả các đại biểu đều có góp ý rất thẳng thắn, chỉ cho đồng chí mình những thiếu sót để chấn chỉnh, sửa chữa, góp phần chỉnh đốn Đảng.

Thông qua tự phê bình, phê bình kiểm điểm đã góp phần thanh lọc, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng với số lượng rất lớn, xử lý kỷ luật cũng rất lớn.

Sau này khi sơ kết tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), nhiều đảng viên phải đưa ra khỏi đảng, nhiều cán bộ đảng viên phải xử lý kỷ luật bằng các hình thức, nhiều cán bộ đảng viên phải đưa ra truy tố trước pháp luật.

Sau này, Trung ương 4 (khóa 11), Trung ương 4 (khóa 12) cũng đã thể hiện được tinh thần đó và phát triển cao hơn.

Tinh thần chủ đạo của Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) là tự phê bình và phê bình trong Đảng đã lan tỏa trong toàn cán bộ, đảng viên.

Một bộ phận thường trực liên quan Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) được thành lập để thu thập ý kiến và nghiên cứu việc xử lý những vấn đề về chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình.

Hàng ngày, bộ phận thường trực có nhiệm vụ báo cáo các vấn đề quan trọng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu để cùng bàn cách xử lý cho có lý, có tình giúp Trung ương có cơ sở đánh giá và xử lý những cán bộ có sai phạm, khuyết điểm một cách đúng đắn.

Từ đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình đặc biệt trong Đảng khi đó đến nay, cho thấy bản lĩnh kiên cường của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người chịu trách nhiệm cao nhất của Đảng trước sứ mệnh lịch sử với quốc gia dân tộc./.

Theo Lại Hoa/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh