Mang Thít đổi mới, sáng tạo và phát triển

08:07, 09/07/2020

Xác định rõ thế mạnh, kịp thời khắc phục khó khăn, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, Đảng bộ, chính quyền huyện Mang Thít đã bám sát thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2015- 2020. 

Xác định rõ thế mạnh, kịp thời khắc phục khó khăn, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, Đảng bộ, chính quyền huyện Mang Thít đã bám sát thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2015- 2020. 

Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực

Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN)- nông nghiệp- thương mại, dịch vụ”, từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động về “Phát triển CN- TTCN gắn với quy hoạch lại ngành sản xuất gạch, gốm theo đề án của UBND tỉnh giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.

Ngoài ra, tập trung thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành công thương giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phối hợp chặt chẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, việc mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành, lĩnh vực CN- TTCN cũng được xúc tiến thực hiện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 1.000 cơ sở sản xuất CN- TTCN vừa và nhỏ; một số ngành công nghiệp có lợi thế phát triển nhanh như: chế biến thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, sản xuất trang phục, may gia công... góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành.

Các ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ được sắp xếp củng cố, khôi phục. Kết quả, tổng giá trị sản xuất CN- TTCN đạt trên 11.100 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 25,9%/năm.

Song song đó, huyện tập trung triển khai, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân, huy động các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện- cho biết: “Huyện tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn. Qua đó, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ cấu sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp- thủy sản hợp lý”.

Cụ thể, đất trồng cây hàng năm chiếm trên 48%; trên 47% đất trồng cây lâu năm; đất nuôi thủy sản trên 2,5% và đất nông nghiệp khác có tỷ lệ gần 1,9%; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, sản xuất theo quy trình GAP ngày càng được quan tâm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt, thủy sản trên đơn vị diện tích.

Hầu hết các mô hình trên địa bàn huyện đều mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng thanh long của nông dân ở xã An Phước, thu lợi nhuận hơn 900 triệu đồng trên diện tích hơn 20.000m2; mô hình trồng rau thủy canh xã Bình Phước; trồng khoai mỡ xã Mỹ An, xã Long Mỹ hay mô hình trồng bưởi da xanh, dừa; mô hình “nuôi gà, vịt trên đệm lót sinh học”…

Trang trại gà công nghiệp CP của bà Huỳnh Kim Thủy (ấp Thủy Thuận- xã An Phước) cho hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại gà công nghiệp CP của bà Huỳnh Kim Thủy (ấp Thủy Thuận- xã An Phước) cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lâm Văn Chỉnh (xã Chánh An) phấn khởi chia sẻ: “Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tôi trồng 10.000m2 sầu riêng, cho lợi nhuận trên 800 triệu đồng. Nhờ đó mà phát triển kinh tế gia đình, ngày một đi lên”.

Còn chú Nguyễn Văn Phúc (xã Tân Long Hội) thì trồng bưởi da xanh theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của xã. 12 năm trồng bưởi da xanh trên 8 công đất, chú Phúc cười nói: “Sau khi trừ tất cả chi phí, tôi thu về 80 triệu đồng/công/năm. Nhờ vậy mà khấm khá.”

Cũng nhờ chuyển dịch đúng hướng, đã giúp đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ huyện Mang Thít lãnh đạo thực hiện đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế huyện nâng dần tỷ trọng CN-TTCN và thương mại- dịch vụ. Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả phấn khởi. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện đạt kết quả khá cao, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và kiện toàn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên, phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện tập trung lãnh, chỉ đạo đổi mới, kịp thời cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thành chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. 

Hiện, 100% các chi- đảng bộ cơ sở thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn.

“Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, mà còn phải nêu gương về đạo đức, lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu”- đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Thít nhấn mạnh. 

Từ đó, thực hiện học tập và làm theo Bác Hồ ngày càng thấm sâu trong đời sống xã hội, đã trở thành công việc tự giác, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội và đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân; xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, kinh nghiệm quý.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Tâm- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nhiệm kỳ qua, lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách đối với người có công và chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng quy định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong nhiệm kỳ, thực hiện chương trình an sinh xã hội đạt trên 118 tỷ đồng.

Là đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, ông Ngô Văn Sở (xã Long Mỹ) là hộ nghèo được ưu tiên hỗ trợ xây nhà và hưởng trợ cấp hàng tháng.

“Hồi trước nhà lụp xụp, được cất nhà mới, tui mừng lắm. Hàng tháng, còn được địa phương đến thăm hỏi, trợ cấp nhu yếu phẩm. Dịp lễ tết, tui còn được tặng quà nữa.”- ông Sở xúc động chia sẻ.

Huyện Mang Thít tập trung thực hiện quy hoạch lại ngành sản xuất gạch, gốm theo đề án của UBND tỉnh.
Huyện Mang Thít tập trung thực hiện quy hoạch lại ngành sản xuất gạch, gốm theo đề án của UBND tỉnh.

Ngoài huy động các nguồn vốn từ ngân sách, huyện đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng mới và sửa chữa 235 căn nhà tình nghĩa cho người có công với gần 7 tỷ đồng.

Đồng thời, vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm viếng, tặng quà cho các đối tượng chính sách trong các dịp lễ, tết... với trên 12 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản không còn đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở, đa số đối tượng đều có mức sống ngang bằng với mức sống dân cư địa phương. 

Trong nhiệm kỳ, MTTQ và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa bằng nhiều hình thức tập hợp đến các tầng lớp nhân dân, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện tốt, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, có 97% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 0,64%/năm, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,49% năm 2015 xuống còn 0,89% (238 hộ). Thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/năm, tăng hơn 13 triệu đồng so năm 2015.

Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh