Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư một số đoạn cao tốc Bắc-Nam

10:06, 20/06/2020

Với 91,72% đại biểu có mặt tán thành, sáng 19/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

 

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Với 91,72% đại biểu có mặt tán thành, sáng 19/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Trước khi Quốc hội ấn nút thông qua, báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết 52 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy: Do không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, Dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần phải chuyển đổi từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công.

Đối với hai dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, việc chuyển đổi sang đầu tư công là cần thiết, cấp bách nhằm sớm giải quyết nhu cầu giao thông lớn do kết nối với cửa ngõ các trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của cả nước.

Hai dự án này, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, nhưng có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn ngoài ngân sách lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.

Việc chuyển đổi hai dự án thành phần này sang phương thức đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cao hơn cho các dự án thành phần.

Đối với năm dự án thành phần còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo phương thức PPP để bảo đảm tính nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.

Về đề nghị làm rõ lý do chỉ có dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển; xem xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ Nhà nước đối với dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và các dự án còn lại để tăng tính hấp dẫn đối với các dự án, dễ thu hút các nhà đầu tư; theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Chính phủ đã báo cáo quá trình sơ tuyển đối với dự án này có 3 nhà đầu tư tham gia.

Tuy nhiên, hồ sơ dự sơ tuyển của các nhà đầu tư không đạt yêu cầu nên không vượt qua sơ tuyển. Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 52, việc phân bổ vốn nhà nước tham gia các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP phải hợp lý.

Việc xác định mức vốn tham gia của nhà nước được thực hiện trên cơ sở tính toán phương án tài chính, bảo đảm hiệu quả tài chính các dự án- ông Vũ Hồng Thanh nói.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị xem xét, làm rõ tác động và khả năng cân đối vốn trong giai đoạn sau nếu bổ sung 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để chuyển đổi các dự án thành phần từ PPP sang đầu tư bằng vốn đầu tư công trong khi nhu cầu đầu tư các lĩnh vực khác cũng rất cần thiết, cấp bách.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia.

Căn cứ nguyên tắc nêu trên, Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn theo quy định và điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý, linh hoạt, hạn chế các tác động đến nợ công và trần nợ công.

Các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội và giảm thiểu tác động đến nợ công- ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Như vậy với việc thông qua Nghị quyết kỳ này, Quốc hội đã thống nhất chuyển đổi từ phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Chính phủ rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của từng dự án thành phần chuyển đổi và tổng mức đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh