Các thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí cho rằng cần tiếp tục quyết tâm cải thiện thủ tục và phương pháp làm việc để bảo đảm tốt nhất mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Các thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí cho rằng cần tiếp tục quyết tâm cải thiện thủ tục và phương pháp làm việc để bảo đảm tốt nhất mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý gõ búa khai mạc phiên thảo luận mở Hội đồng Bảo an. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN) |
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/5 đã tổ chức thảo luận mở trực tuyến về vấn đề thủ tục và phương pháp làm việc.
Đây là cuộc họp định kỳ hằng năm để các ủy viên Hội đồng Bảo an và các nước thành viên Liên hợp quốc trao đổi về cải cách thủ tục và phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an.
Tham gia thảo luận có bà Karin Landgren - Giám đốc Điều hành của tổ chức Security Council Report và Giáo sư Edward Luck của Đại học Columbia.
Hiện Việt Nam là nước điều phối viên trong tháng 5/2020 của 10 nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (E10). Trên cương vị này, Việt Nam có trách nhiệm dự thảo và phát biểu đại diện E10 tại cuộc họp.
Trong quá trình chuẩn bị, Việt Nam đã có sự trao đổi và tham vấn chặt chẽ với chín nước ủy viên không thường trực còn lại nhằm thể hiện tốt nhất tinh thần chung của E10 trong vấn đề này, tạo đà tiếp tục phấn đấu cải tiến phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu đều khẳng định ý nghĩa của phương pháp làm việc đối với việc duy trì hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an; đưa ra các ý kiến nhằm cải thiện hoạt động của Hội đồng Bảo an, trong đó có tăng cường trao đổi và lấy ý kiến các nước thành viên Liên hợp quốc, thúc đẩy hợp tác với các cơ quan Liên hợp quốc như Đại Hội đồng, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, và Ủy ban Xây dựng Hòa bình hoặc tăng cường tham gia của các tổ chức khu vực và tổ chức phi chính phủ.
Các thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí cho rằng cần tiếp tục quyết tâm cải thiện thủ tục và phương pháp làm việc để bảo đảm tốt nhất mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; đảm bảo cân bằng của việc tăng cường tính minh bạch trong hoạt động, đồng thời tăng cường tham vấn, trao đổi nội bộ thành viên Hội đồng Bảo an để thúc đẩy hiệu suất và hiệu quả.
Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh quan điểm và cũng là cam kết của E10 trong việc cần tăng cường tính minh bạch, hiệu suất, hiệu quả, bao trùm và linh hoạt của Hội đồng Bảo an để thực hiện tốt sứ mệnh mà Hiến chương Liên hợp quốc giao phó, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương và khó khăn do những bất ổn trên thế giới gây ra.
Đại sứ hoan nghênh một số nỗ lực của Hội đồng Bảo an gần đây trong việc xây dựng các văn kiện về phương pháp và nguyên tắc hoạt động nhằm tăng cường minh bạch và hiệu quả, cũng như nỗ lực của Hội đồng Bảo an trong duy trì hoạt động trước khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Đại sứ cho rằng Hội đồng Bảo an cần tăng cường tính bao trùm hơn nữa, trong đó có việc tận dụng tối đa sự tham gia và đóng góp của các thành viên không thường trực trong nhiệm kỳ hai năm; nhấn mạnh cần tiếp tục bảo đảm thực hiện các nguyên tắc làm việc đã đề ra, không ngừng trao đổi và thảo luận để cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an và các cơ quan trực thuộc cũng như thúc đẩy các nỗ lực cải tổ Hội đồng Bảo an.
Đại sứ khẳng định cam kết của các nước E10 vì mục tiêu tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an đồng thời cũng bày tỏ mong đợi nhận được ý kiến đóng góp của các nước thành viên Liên hợp quốc nhằm tiếp tục đáp ứng kỳ vọng của các nước đối với E10. Đây là lần thứ hai E10 có phát biểu chung về vấn đề này. Thời gian qua, các nước E10 đã đi đầu thúc đẩy việc cải tiến phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an và đạt một số thành quả nhất định.
Trong tháng Năm này, Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa đại sứ, trưởng phái đoàn các nước E10 với Tổng Thư ký Liên hợp quốc và một số hoạt động khác nhằm tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các nước.
Cơ chế Điều phối viên E10 được lập ra từ cuối năm 2018, là cơ chế luân phiên hàng tháng với mục đích chính là thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác, chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước E10 trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an.
Các nước E10 thường có các hoạt động như trao đổi giữa các đại sứ, trưởng Phái đoàn với Tổng Thư ký Liên hợp quốc và trao đổi giữa các điều phối viên chính trị, hợp tác với các nước sắp vào Hội đồng Bảo an để có sự đóng góp tối đa trong hai năm nhiệm kỳ thành viên./.
Theo Hải Vân-Vũ Hiếu (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin