"Tôi yêu Việt Nam" là câu nói đầu tiên của ông Alain Fontenas khi bắt đầu câu chuyện với nhóm phóng viên chúng tôi.
“Tôi yêu Việt Nam” là câu nói đầu tiên của ông Alain Fontenas khi bắt đầu câu chuyện với nhóm phóng viên chúng tôi.
Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhắc tới Việt Nam, người ta không chỉ nhắc tới một thời quá khứ hào hùng, mà còn nhắc tới sự phát triển vượt bậc của một đất nước bước ra khỏi chiến tranh.
Bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đều có chung cảm nhận, đất nước có lịch sử hào hùng đang thay đổi từng ngày, vững bước và tự tin thực hiện khát vọng giàu mạnh, văn minh.
“Tôi yêu Việt Nam” là câu nói đầu tiên của ông Alain Fontenas khi bắt đầu câu chuyện với nhóm phóng viên chúng tôi. Ông là một họa sĩ nghiệp dư người Pháp, với niềm say mê được vẽ về đất nước và con người Việt Nam.
Chính niềm đam mê này đã đưa ông đến với Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 1990, khi Việt Nam vẫn còn ở trong những năm đầu của thời kỳ Đổi mới.
Alain Fontenas và hành trình khám phá Việt Nam. |
Phòng tranh của Alain Fontenas tại thành phố La Rochelle đã trở thành điểm đến của rất nhiều người Pháp yêu đất nước và con người Việt Nam. Giơ hai bàn tay trước mặt chúng tôi, ông Alain Fontenas cười vui vẻ khi nói rằng số lần đến Việt Nam của ông giờ có lẽ đã vượt qua số đếm trên bàn tay.
Theo như cách nói của ông thì “đã trót yêu Việt Nam mất rồi”. Mỗi lần đến Việt Nam, ông đều cảm nhận được sự thay đổi của Việt Nam và đây cũng là nguồn cảm hứng vô tận, khiến ông thấy “quê hương thứ 2” của mình luôn mới mẻ và đầy cuốn hút:
Ông Alain Fontenas cho rằng: “Sự thay đổi của Việt Nam là điều không ai có thể phủ nhận, điều này thể hiện rõ qua cuộc sống thường nhật của người dân, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng,…
Một ví dụ rõ nét nhất là khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 1990, đất nước của các bạn vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở giao thông không được tốt và các phương tiện giao thông cũng còn thô sơ, song nay đã khác nhiều. Tôi thấy Việt Nam đang đi đúng hướng”
Không chỉ với những người nước ngoài đến Việt Nam nhiều lần như ông Alain Fontenas, nhiều người đến Việt Nam dù mới lần đầu cũng có chung cảm xúc tương tự. Bà Rahayu Saraswati - Nghị sĩ Indonesia đến Việt Nam nhân dịp tham dự một hội nghị tại Hà Nội cũng không khỏi ngạc nhiên về tốc độ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Theo bà Saraswati, Việt Nam đang ngày càng chứng minh được tiềm năng phát triển của mình và trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Chuyên gia kinh tế WB trả lời phỏng vấn VOV. |
Bà Saraswati nói: “Tôi cho rằng, Việt Nam đã làm được những điều rất tuyệt vời. Đến Việt Nam lần này tôi đã tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các bạn, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế đã thu hút được rất nhiều đầu tư.
Với môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách mở cửa, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Với Indonesia, chúng tôi cũng đang tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư ở Việt Nam”.
Với môi trường đầu tư-kinh doanh ngày càng được cải thiện và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới Sandeep Mahajan nhận định, kinh tế phát triển đang kéo theo sự thay đổi mọi mặt trong đời sống của người dân Việt Nam.
45 năm sau chiến tranh và gần 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình trên trường quốc tế. Sự lựa chọn gắn bó lâu dài của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã chứng minh con đường phát triển đúng đắn, cũng như sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam.
Với việc tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới …Việt Nam đang đứng trước các cơ hội lớn “giong thuyền ra khơi” thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế, đồng thời đóng góp phần không nhỏ vào nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn cầu.
Đại sứ Allan Wagner, nguyên Bộ trưởng ngoại giao Peru, Chủ tịch nhóm Tầm nhìn APEC nhận định:“APEC đánh giá Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế năng động và đổi mới nhất thế giới, trong đó có việc tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia.
Với vai trò nước chủ nhà APEC 2017, Đặc biệt là Tuyên bố Đà Nẵng là nền tảng để giúp các nước vượt qua được những thách thức trong bối cảnh hệ thống kinh tế thế giới và trật tự đa phương có nhiều bất ổn”
Một nền kinh tế năng động, một đất nước tươi đẹp và mến khách,một dân tộc yêu hòa bình- Đây là những cảm nhận của bạn bè quốc tế về Việt Nam hôm nay.
Năm 2020 này, Việt Nam đảm nhận “vai trò kép” vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, niềm tin yêu của bạn bè sẽ giúp cho Việt Nam hoàn thành trách nhiệm quốc tế, cổ vũ Việt Nam tiếp tục vươn lên./.
Theo Thu Hoài-Phạm Hà/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin