Quốc bảo lòng dân

03:05, 28/05/2020

Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng vì thế không ít lần gặp "sóng cả", "mất anh em, bạn bè". Phần thưởng nhận được khi "không ngã tay chèo" chính là lòng dân.

Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cũng vì thế không ít lần gặp “sóng cả”, “mất anh em, bạn bè”. Phần thưởng nhận được khi “không ngã tay chèo” chính là lòng dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành cầu Bài Thơ và đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh ngày 24/5/2020. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành cầu Bài Thơ và đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh ngày 24/5/2020. Ảnh: VGP

Luôn cầu thị lắng nghe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thật lòng chia sẻ phải có “thần kinh thép” để không bị “nhấn chìm” trong làn sóng dư luận vì áp lực này rất lớn, đặc biệt là ở vị trí đứng đầu Chính phủ.

“Cán bộ làm gì người dân cũng biết, cũng bàn”, ông nói, “chúng ta phải hiểu như thế để đề cao trách nhiệm của mình. Người dân luôn công tâm, công bằng trong đánh giá”.

Vào mùa hè năm 2016, xe chở Thủ tướng đi vào phố cổ Hội An, nơi chỉ dành cho người đi bộ khiến dư luận xã hội “dậy sóng”, Thủ tướng xin lỗi công khai và nhận bản thân đã sơ suất. Cho đến nay, sơ suất đó không một lần nào lặp lại.

Nhưng cũng nhiều lúc Thủ tướng nhận phải những chỉ trích khá bất công. Như từng có dư luận phản ứng khi Thủ tướng chỉ đạo các Hội nghị xúc tiến đầu tư của tất cả 63 tỉnh, thành, địa phương nào Thủ tướng cũng coi như hòn ngọc quý.

Phản ứng khi Thủ tướng “quá lãng mạn” cho rằng kỳ tích của đất nước sẽ được làm từ những dòng sông. Xúc tiến đầu tư cho tỉnh Nghệ An, Thủ tướng tin Nghệ An sẽ làm nên được kỳ tích sông Lam. Xúc tiến đầu tư cho Trà Vình, Thủ tướng cũng hỏi Trà Vinh là vùng đất mầu mỡ nằm giữa hai con sông Tiền, sông Hậu, ngó ra Biển Đông, vậy có thể tạo ra kỳ tích sông Tiền, sông Hậu?…

“Dám nghĩ”, “dám nói” đối với những người lãnh đạo ở vị trí cao chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thời gian đã chứng minh, những điều gọi là “quá lãng mạn” đó đều mang lại các con số rõ ràng.

Năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều năm, từ sức mạnh nội lực được Thủ tướng chỉ ra và cổ vũ, các địa phương đều phát triển vượt bậc, 63/63 tỉnh, thành có được nguồn vượt thu ngân sách. Khóa sổ ngân sách 2019, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng thu ngân sách địa phương vượt trên 106,2 nghìn tỷ đồng (tăng 17,7%) so với dự toán.

Đồng loạt vươn lên, có tỉnh vượt nhiều, tỉnh vượt ít, nhưng không tỉnh nào chịu “giậm chân” tại chỗ. Có thể kể đến rất nhiều cái tên. Tại Thái Bình, năm 2019, tổng thu nội địa của tỉnh đạt 134,9% dự toán, tăng 20,8% so với năm 2018.

Ở nơi xa xôi và là một trong những nơi nghèo nhất của cả nước, tổng thu ngân sách nội địa tại tỉnh Điện Biên năm 2019 vượt dự toán Bộ Tài chính giao và vượt cả dự toán do Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giao.

Năm 2019 là năm đầu tiên tỉnh Yên Bái cán mốc thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, bằng 158% so với dự toán, tăng 12% so với năm 2018. Cần Thơ đạt 101,81% dự toán, đặc biệt, chỉ tiêu thu từ khu vực công thương nghiệp – ngoài quốc doanh, năm 2019 là năm lần đầu tiên Thành phố thu đạt và vượt chỉ tiêu này…

Với “dám làm”, có những lúc trong hoạt động của mình, Chính phủ đương nhiệm ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, vừa chiến đấu với “giặc” tham nhũng, “giặc” dịch bệnh COVID-19, vừa điều hành phát triển kinh tế.

Ngay từ những ngày kiện toàn bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới, năm 2016, Chính phủ không chỉ  “dám” làm mà còn làm rất quyết liệt.

Năm 2016, các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đều giảm sút so với cùng kỳ năm 2015, đặc biệt lĩnh vực là bệ đỡ của nền kinh tế là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã rơi xuống đáy do thị trường giá cả xuất khẩu nông sản lao dốc, diễn biễn xâm nhập mặn, hạn hán khốc liệt…

3 kịch bản cho nền kinh tế năm 2016, Thủ tướng chọn kịch bản khó nhất với quyết tâm Chính phủ chỉ tiến, không lùi bước trước khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Dù GDP năm 2016 hụt đích, nhưng tinh thần luôn chọn kịch bản khó nhất này đã đưa GDP liên tục các năm 2017, 2018, 2019 ở ngưỡng được dư luận đánh giá là “kỳ tích”.

Trong đó, năm 2019 đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, “điều chưa có trong lịch sử nước ta”, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

“Dám làm”, Chính phủ đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, siết chặt kỷ cương kỷ luật, cắt giảm giấy phép con với quy mô lớn và sâu rộng chưa từng có.

Đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, 19/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương.

Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận nhiệm vụ “bắn có địa chỉ”, bởi Thủ tướng thấy, “ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ không thể cứ nói xong để đấy”.

Hàng loạt “căn bệnh” trầm kha của các Bộ, ngành được Tổ công tác chỉ rõ, kịp thời cải thiện, giảm bớt tình trạng người dân, doanh nghiệp “xếp hàng” chờ…

Hàng loạt món nợ, điển hình như nợ đọng văn bản pháp luật được xử lý. Chỉ sau 2 cuộc kiểm tra của Tổ công tác đối với các bộ, cơ quan trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, tình trạng đã khắc phục về cơ bản, không còn là “nợ xấu” như các nhiệm kỳ trước.

Tháng 10/2016, lần đầu tiên Chính phủ báo cáo Quốc hội không còn nợ đọng bất kỳ văn bản hướng dẫn nào.

Thời kỳ “vàng son” của những cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân đang từng ngày bị “xóa sổ” theo sự tăng tốc của Chính phủ điện tử.

Cuộc chiến với “giấy phép con”, Chính phủ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, bền bỉ, toàn diện, thẳng tay cắt giảm điều kiện kinh doanh không chỉ ở tầm nghị định mà còn cả điều kiện kinh doanh trong các luật.

Kết quả, năm 2019, Việt Nam trở thành quốc gia có điểm số năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất toàn cầu, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện. Chính phủ tiếp tục phấn đấu năm 2020, môi trường kinh doanh lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh lên 5 bậc…

Và “cái giá” của các điều “dám”, có lúc cũng làm “mất hết cả anh em”, như dẫn chứng của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước.

Ông Dũng kể, “những năm gần đây, bội chi, nợ công được quản lý rất nghiêm túc, siết chặt, nhiều khi mất anh em, bè bạn vì địa phương ai cũng mong được vay thêm. Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, chúng ta không thể và cũng không muốn làm khác”.

Với “dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn thường tâm tư, “Chính phủ còn phải cố gắng rất nhiều, bởi dù nỗ lực bao nhiêu cũng là chưa đủ trong làm tròn trách nhiệm với dân”.

Dành nhiều tình cảm trân trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 26/5, “phải luôn khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Lịch sử thời kỳ nào cũng vậy, có được lòng dân luôn là một hành trình đòi hỏi sự dũng cảm và cả sự hy sinh mà ở góc độ mộc mạc của Bộ trưởng Tài chính là, “mất hết cả anh em, bè bạn”.

Cũng bởi lòng dân là Quốc bảo và Quốc bảo lòng dân là vô giá./.

Theo Lê Châu/Chinhphu.vn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh