Về đích nông thôn mới trước 2 năm so nghị quyết đề ra, thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh với 64,14 triệu đồng/năm,… là những con số ấn tượng của xã Thuận An (TX Bình Minh) trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015- 2020).
Nhờ chuyển đổi sang trồng chanh không hạt, gia đình anh Nguyễn Thanh Phong có cuộc sống ổn định. |
Về đích nông thôn mới trước 2 năm so nghị quyết đề ra, thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh với 64,14 triệu đồng/năm,… là những con số ấn tượng của xã Thuận An (TX Bình Minh) trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015- 2020).
Nhiệm kỳ 2020- 2025, xã tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, trong đó hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập
Năm 2017, Đảng ủy xã Thuận An ban hành kế hoạch thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững. Đến nay, với tổng diện tích đất nông nghiệp trên 1.600ha; trong đó có trên 50% diện tích luân canh “2 lúa 1 màu”, trên 22% diện tích chuyên canh màu.
Ngoài ra, bà con nông dân còn tích cực cải tạo vườn tạp kém hiệu quả và chuyển đất lúa sang trồng cây lâu năm. Song song đó, xã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu giống lúa chất lượng cao, lợi nhuận bình quân cao hơn ngoài mô hình 6 triệu đồng/ha và thực hiện chương trình VietGAP trên cải xà lách xoong, GlobalGAP trên cây chanh không hạt.
Chúng tôi đi cùng Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An- Trương Thành Đến tham quan mô hình trồng chanh không hạt của gia đình anh Nguyễn Thanh Phong (ấp Thuận Nghĩa). Ông Đến cho biết, đây là điển hình tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật nên đạt năng suất cao, đầu ra ổn định.
Giữa cái nắng oi bức, anh Phong và các nhân công vẫn hối hả thu hoạch chanh để kịp giao cho công ty thu mua. Với 6 công chanh đang vào vụ thu hoạch rộ, anh Phong phấn khởi cho biết, giá mỗi ký hiện nay khoảng 18.000đ, trừ chi phí còn lời khá. Theo anh Phong, trước đây trồng lúa, khoai lang nhưng “trừ chi phí đầu tư còn lời không bao nhiêu” nên anh mày mò nghiên cứu, tham khảo ý kiến bạn bè để lựa chọn loại cây trồng phù hợp.
Cuối cùng, anh quyết định lên liếp trồng chanh không hạt vì loại cây này “hợp đất”, mau ra trái và thu hoạch quanh năm. Thời gian đầu, do chưa tìm hiểu kỹ thị trường nên sản phẩm phải tiêu thụ nhiều nơi, giá cả lúc lên lúc xuống. Sau đó, anh liên kết với một công ty ở TP Cần Thơ bao tiêu sản phẩm lâu dài, đảm bảo giá cả cạnh tranh nên không còn lo lắng về đầu ra.
“Sản xuất theo tiêu chuẩn công ty đưa ra rất khắt khe, nhưng cái lợi của nông dân mình là được tiếp cận khoa học kỹ thuật, ít xài phân thuốc mà chanh vẫn bóng đẹp, năng suất cao, giá cả ổn định, người tiêu dùng thì được hưởng sản phẩm an toàn. Năm 2019, anh thu hoạch hơn 20 tấn từ 6 công chanh, còn từ đầu năm đến nay hái được hơn 3 tấn rồi”- anh Phong chia sẻ.
Thấy khả quan, anh lên liếp thêm 6 công đất nhà và mướn thêm 6 công nữa trồng chanh không hạt. Hiện vườn chanh đã được gần 1 năm tuổi, phát triển tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ cho thu hoạch lứa đầu.
Theo ông Trương Thành Đến, thời gian qua, xã đã vận động nông dân chuyển từ lúa sang trồng màu chuyên canh và vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, giới thiệu việc làm và mở các lớp đào tạo nghề gắn với cung ứng sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, rau màu vẫn là lợi thế so các loại cây trồng khác nhờ điều kiện đất đai rất phù hợp.
Trong đó, thế mạnh là xà lách xoong và rau diếp cá- được bà con quen trồng từ mấy chục năm qua. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi, đê bao, cống đập kết hợp giao thông được khép kín, chủ động nước tưới phục vụ sản xuất. Đường liên xã, liên ấp- xóm thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu
Theo đồng chí Nguyễn Văn Xinh- Bí thư Đảng ủy xã Thuận An, nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo thực hiện đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu chủ yếu.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã tập trung lãnh- chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt 19/19 tiêu chí và sớm “về đích” nông thôn mới vào năm 2017, vượt 2 năm so nghị quyết. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đồng lòng, chung sức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2020.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nhất là kinh tế nông nghiệp tiếp tục có sự phát triển cả về năng suất và chất lượng. Văn hóa- xã hội phát triển, việc chăm lo gia đình chính sách được thực hiện tốt, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng giáo dục, y tế tiếp tục nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã Thuận An đã đạt 64,14 triệu đồng/năm, đạt 130,8% so chỉ tiêu nghị quyết và tăng 35,14 triệu đồng/người/năm so nhiệm kỳ trước.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, Thuận An còn là địa phương tiêu biểu trong việc xây dựng cảnh quan môi trường theo hướng xanh- sạch- đẹp. Chạy dài theo những con đường liên ấp, liên xã khang trang, thông thoáng là những hàng hoa thẳng tắp, nhiều loại và đủ màu sắc, tô điểm cho sức sống mới của vùng nông thôn đang thay đổi từng ngày. Xa xa là màu xanh ngút ngàn của những rẫy xà lách xoong, rau diếp cá,...
Trưởng ấp Thuận Phú B- Ung Hữu Hạnh phấn khởi cho hay, từ khi xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân thay đổi rõ nét, dễ thấy nhất là hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng khang trang, đi lại thuận lợi, giao thương hàng hóa cũng dễ dàng hơn. Người dân phấn khởi vì được mùa, trúng giá, thu nhập tăng lên, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới.
Toàn ấp Thuận Phú B có khoảng 130ha rau màu so với 320ha đất nông nghiệp. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng phân thuốc theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nên hạn chế được sâu bệnh, đảm bảo nguồn rau sạch cung cấp ra thị trường.
Anh Nguyễn Văn Phương (ấp Thuận Phú B) có 6 công diếp cá, mỗi năm thu hoạch từ 5- 6 lứa, cộng lại cũng được 14- 15 tấn. Mấy ngày gần đây, giá lên cao kỷ lục từ 35.000- 38.000 đ/kg, mỗi ngày cắt khoảng 100kg là “bỏ túi” vài triệu bạc. Rau cắt xong, bó lại là có thương lái đến mua, không còn cảnh “chạy chợ” như trước.
“Bà con chúng tôi trồng rau chủ yếu xài phân chuồng có thời gian ủ đúng cách, phân tro rơm,… nếu có sử dụng các loại chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh thì cũng ở mức hạn chế. Còn việc tưới tiêu thì tự động hết, chỉ cần bật cầu dao và… vô chòi tránh nắng, đợi vài phút là xong”- anh Phương nói.
Nhiều nông dân ở xã Thuận An nhận định, có thể do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nên nhiều vùng trồng rau màu ở các tỉnh- thành vùng ĐBSCL thiệt hại nặng, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung khiến giá cả bị đẩy lên cao. Trong khi đó, xã Thuận An có điều kiện tự nhiên thuận lợi, thích hợp trồng các loại rau màu cho năng suất cao, lại được giá nên ai cũng phấn khởi. Đặc biệt là thời điểm từ Tết Nguyên đán đến nay, giá cả nhích lên từng ngày, rau không đủ bán.
Nhờ hệ thống tưới phun rẫy màu, thời gian và chi phí nhân công giảm đáng kể. |
Theo ông Nguyễn Văn Xinh, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ xã Thuận An sẽ quyết tâm hoàn thành 14 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tập trung các khâu đột phá: huy động các nguồn lực để thực hiện, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng; thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng. Trong phát triển kinh tế, xã phấn đấu có 80% diện tích sản xuất nông nghiệp cho thu nhập từ 120 triệu đồng/ha/năm.
“Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Thuận An lần thứ X trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng bên cạnh cũng còn không ít khó khăn. Song, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ đã đề ra”- Bí thư Đảng ủy xã Thuận An nói.
Nhiệm kỳ 2015- 2020, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã Thuận An góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3.100 lao động tại địa phương, đạt 100,4% nghị quyết. Đến nay, lao động nông nghiệp chiếm 27%, lao động phi nông nghiệp chiếm 71%. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin