Nữ tù chính trị kiên trung thời chiến, gương mẫu thời bình

05:04, 30/04/2020

Tham gia cách mạng năm 13 tuổi, làm giao liên công khai của Huyện đội Vũng Liêm, bà Trần Thị Kim Sa năm nay đã 72 tuổi. Tuy dáng người nhỏ nhắn, đi đứng khó khăn nhưng bên trong bà lại là một tinh thần quả cảm, kiên trung, bình tĩnh trong thời chiến. 

Tham gia cách mạng năm 13 tuổi, làm giao liên công khai của Huyện đội Vũng Liêm, bà Trần Thị Kim Sa năm nay đã 72 tuổi. Tuy dáng người nhỏ nhắn, đi đứng khó khăn nhưng bên trong bà lại là một tinh thần quả cảm, kiên trung, bình tĩnh trong thời chiến. Còn hiện nay trong thời bình, bà vẫn luôn là tấm gương mẫu mực, cống hiến hết mình, hỗ trợ cho các chiến sĩ cùng tù đày gặp khó khăn.

Bà Trần Thị Kim Sa ngày ngày quét dọn bàn thờ 2 liệt sĩ là cha và chồng của bà.
Bà Trần Thị Kim Sa ngày ngày quét dọn bàn thờ 2 liệt sĩ là cha và chồng của bà.

Kiên trung thời chiến

Từng kinh qua rất nhiều nhiệm vụ cũng như đảm nhận công tác ở nhiều nơi, cô giao liên Trần Thị Kim Sa cuối cùng gắn với nhiệm vụ làm y tá quân y và năm 20 tuổi đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Lúc đang làm y tá tại Trung đoàn 3 (đóng ở Cầu Kè- Trà Vinh), bà Kim Sa bị nhiễm chất độc hóa học mà không hề hay biết do giặc rải chất độc màu da cam thấm vào đất đai, cỏ cây, dòng nước.

Về sau, bà cùng đồng đội mới biết điều đó thì sức khỏe đã suy giảm nhiều. Sau đó, bà Kim Sa còn bị trúng thuốc bom bể xương cằm. Năm 1974, bà bị giặc bắt giam ở Khám Lớn tỉnh Vĩnh Long, với bao trận tra khảo, đòn roi đau đớn.

“Vì tụi nó biết gia đình tôi là gia đình kháng chiến, cha tôi là Bí thư Chi bộ thị trấn Cầu Mới lúc đó và đã hy sinh, mẹ và em gái đều là đảng viên, chồng cũng vừa hy sinh nên tôi bị tra khảo nhiều để hỏi địa điểm đóng quân của ta. Tụi nó còn hăm dọa sẽ cho nếm mùi cực hình “lươn chui cửa mình”.

Với suy nghĩ thà xấu mặt mình để bảo vệ tổ chức, tôi nói dối tự nhận mình có yêu đương lén lút và thiếu trách nhiệm làm chết người khi làm nhiệm vụ nên bị khai trừ khỏi tổ chức và không biết gì hết.”- bà Kim Sa bùi ngùi kể.

Ngày ngày bị tra khảo nhưng quyết không khai, bà Kim Sa đã chờ được cho đến ngày giải phóng đất nước. Rạng sáng 1/5/1975, tại Vĩnh Long, cửa Khám Lớn được mở, bà Kim Sa được tự do về với gia đình, vui mừng khôn xiết, cứ ngỡ như nằm mơ vì đất nước đã được giải phóng hoàn toàn.

Sau đó, bà Kim Sa về công tác tại văn phòng Bộ Tham mưu Quân khu 9, làm trợ lý quân nhu. Năm 1984, bà Kim Sa nghỉ hưu vì sức khỏe kém. Bà được chứng nhận là nạn nhân nhiễm chất độc dioxin và là thương binh loại A hạng 4/4.

Giờ đây, những khi trái gió trở trời bà Kim Sa không thể quên những ngày tháng tù đày. “Nhớ cảnh tượng mỗi ngày bị kêu lên thẩm vấn, rồi bị quay điện, bị giày mỏ vịt đá vào bên hông sườn đến đỗi gãy cung sườn trái, bị đấm hàng chục đấm mạnh vào vùng phổi đến mất thở.

Tụi nó hỏi căn cứ quân y tỉnh mình đóng ở đâu, có bao nhiêu người, ai tiếp tế lương thực… Dù đau lắm nhưng tôi vẫn cố gắng bình tĩnh không khai báo…”- bà Sa bồi hồi nhớ lại.

Gương mẫu thời bình

Năm 2003, tinh thần đồng đội còn nung nấu, bà tham gia Hội Người tù kháng chiến (NTKC) xã Tân An Luông (Vũng Liêm), giữ chức Phó Chủ tịch và đến năm 2004 giữ chức Chủ tịch.

Hiện, tuy Hội NTKC xã Tân An Luông đã ngừng hoạt động trong năm 2019, nhưng các đồng đội vẫn thăm hỏi, động viên, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần.

Trong quá trình công tác trước đây, dù sức khỏe yếu kém nhưng bà Kim Sa vẫn đi vận động hội viên làm công tác an sinh xã hội, vận động các đồng đội vào hội để cùng san sẻ, đóng góp giúp nhau thoát nghèo, người khá giúp người nghèo cùng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Học tập làm theo Bác, bà vận động hội viên duy trì và phát triển phong trào bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội và các hình thức gây quỹ hội để tạo điều kiện giúp đỡ cho hội viên có vốn làm kinh tế gia đình, số tiền quỹ đó còn dành để thăm hỏi ốm đau, điếu tang, trợ giúp đột xuất…

Qua đó, đã giúp cho nhiều hội viên làm ăn có hiệu quả, đa số hội viên đã thoát nghèo. Bên cạnh, Hội NTKC xã còn phối hợp với các đoàn thể tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động của địa phương- nhất là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, vận động hội viên hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động, luôn là tấm gương cho mọi người noi theo.

“Hoạt động của Hội NTKC xã luôn chú trọng vào nguyện vọng chính đáng của đa số hội viên, từ đó đề ra kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, hướng tới chăm lo hiệu quả đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên”- bà Kim Sa cho biết.

Trong cuộc sống, sau này bà Kim Sa gặp người chồng sau và sinh được một người con trai nhưng không may cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam từ mẹ và hiện tại vẫn chưa lập gia đình khi tuổi cũng đã 40. Trong căn nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ vẫn còn mùi sơn mới, mẹ con bà sớm chiều chăm sóc cho nhau, cùng động viên hướng tới tương lai.

Ông Huỳnh Tấn Phước- Chủ tịch Hội NTKC tỉnh Vĩnh Long- cho biết, bà Kim Sa là một nữ tù kiên trung trong thời chiến và gương mẫu trong thời bình, Hội NTKC xã Tân An Luông trước đây luôn là một trong những cơ sở hội hoạt động hiệu quả nhất. Các đồng đội phát huy tinh thần đoàn kết, quả cảm, cùng tương trợ nhau tiếp tục đóng góp xây dựng đất nước trong thời bình.

Bà Trần Thị Kim Sa nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng: Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất của Chủ tịch nước năm 1986; bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long và nhiều giấy khen của Hội NTKC tỉnh Vĩnh Long.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh