Nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lenin (22/4/1870-22/4/2020), thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sáng 22/4, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Di sản V.I. Lenin: Giá trị lý luận-Thực tiễn".
Nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lenin (22/4/1870-22/4/2020), thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sáng 22/4, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Di sản V.I. Lenin: Giá trị lý luận-Thực tiễn".
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Lenin là nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, người kế tục xuất sắc sự nghiệp giải phóng con người của C.Marx, F. Engels, người lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, mở ra thời đại mới của nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội…
Với những cống hiến của V.I. Lenin, chủ nghĩa Marx đã phát triển thành chủ nghĩa Marx-Lenin - chủ nghĩa thể hiện trọn vẹn sự thống nhất giữa tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn của những người đã sáng lập, bảo vệ và phát triển nó.
Dưới sự lãnh đạo của Lenin, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực, tạo ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử, mở ra một thời đại mới cho nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới...
Đối với Việt Nam, nội dung "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lenin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước. Hướng đi đúng đắn của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được xác định, chấm dứt cuộc khủng hoảng lâu dài, sâu sắc về đường lối của cách mạng Việt Nam.
Có thể khẳng định, từ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lenin, đến nay, lý luận của Lenin nói riêng, của chủ nghĩa Marx-Lenin nói chung luôn đồng hành, định hướng để dân tộc Việt Nam đạt được những thắng lợi vĩ đại trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Cả cuộc đời hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, Lenin đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ.
Đó là di sản quý báu về tư tưởng và lý luận; đó là tấm gương đạo đức cao đẹp, mẫu mực của người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người khỏi nạn áp bức, nô dịch.
Dù thời gian đã lùi xa và thế giới hiện đã có nhiều đổi thay to lớn, song tư tưởng của Lenin vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội trên toàn thế giới", đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của Lenin trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, là dịp thêm một lần nữa nhìn nhận, khẳng định những công lao, cống hiến vĩ đại của Lenin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại; chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo những tư tưởng cơ bản của Lenin, của chủ nghĩa Marx - Lenin cho phù hợp với thành tựu của cách mạng thế giới, của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở Việt Nam.
Đó cũng chính là thực hiện tốt lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lenin, thương nhớ đồng chí Lenin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Marx-Lenin", "là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Marx-Lenin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta".
Phát biểu đề dẫn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Từ hành trình tìm đường cứu nước, nghiên cứu thực tiễn chính trị và tư tưởng, lý luận hàng chục năm ở nhiều nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy: "Cách mạng" có nhiều thứ, "chủ nghĩa", "học thuyết" cũng có nhiều nhưng chỉ có Cách mạng tháng Mười Nga là thành công "đến nơi" và chủ nghĩa Lenin là "chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất".
Chỉ theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga và theo chủ nghĩa Marx-Lenin mới có thể giải đáp được những yêu cầu khách quan của lịch sử dân tộc, đó là độc lập cho dân tộc và ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân...
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, với kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng của một đảng cách mạng chân chính, Đảng ta luôn nhận thức rõ yêu cầu phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; luôn nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu giải quyết những khó khăn, thách thức, những vấn đề lý luận và thực tiễn mới, phức tạp nảy sinh trong tiến trình đổi mới.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Nhờ đó, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từng bước được kiềm chế và đẩy lùi, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ, góp phần tạo nên dấu ấn nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XII.
Sau gần 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội", nhất là 10 năm gần đây, "Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử,... chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay".
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, tiếp tục khẳng định: Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ, tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới…
Hội thảo tiếp tục khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng mang tầm thời đại của V.I.Lenin đối với cách mạng thế giới và Việt Nam, đồng thời nghiên cứu tiếp tục bổ sung, vận dụng và phát triển sáng tạo di sản của V.I.Lenin vào thực tiễn của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin