"Thông qua việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội đã góp phần quan trọng trong tập hợp và huy động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Khối đại đoàn kết ngày càng được củng cố, mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng được tăng cường"
“Thông qua việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội đã góp phần quan trọng trong tập hợp và huy động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Khối đại đoàn kết ngày càng được củng cố, mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng được tăng cường”- Đó là nhận định của ông Võ Văn Thiện- Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban công tác phía Nam- khi đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 62 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội (gọi tắt là Kết luận số 62) tại tỉnh Vĩnh Long.
Việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân đã góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết trong thực hiện các phong trào tại địa phương. |
Sự chuyển biến tích cực
Theo ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, trước khi có Kết luận 62, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội ở một số nơi còn mang tính hình thức và hành chính hóa; công tác tuyên truyền giáo dục đoàn viên, hội viên và nhân dân chưa sâu rộng; chất lượng hoạt động, nội dung sinh hoạt chi- tổ hội chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh, hiệu quả một số phong trào còn thấp, công tác phối hợp giữa MTTQ với các đoàn thể chính trị- xã hội và các ngành liên quan chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp, sự lan tỏa trong từng hoạt động; việc sơ- tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị ở một số nơi còn mờ nhạt.
Song, qua 10 năm thực hiện Kết luận 62 “với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã tạo được sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện”- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh- Lê Quang Đạo nhận định.
Đồng chí Lê Văn Mách- Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình (Bình Tân) cho rằng, sau khi tiếp thu Kết luận 62, Đảng ủy xã đã củng cố, kiện toàn MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội, trong đó lựa chọn những đồng chí có trình độ, năng lực giữ chức danh lãnh đạo.
Đồng thời, chỉ đạo UBMTTQ Việt Nam xã rà soát các ban công tác mặt trận ấp và các ngành đoàn thể, nếu nơi nào hoạt động chưa tốt thì tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp củng cố hoặc thay đổi nhân sự hoạt động chưa tốt, “chủ yếu là làm sao để nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở”- Đồng chí Lê Văn Mách nói và cho biết thêm- Định kỳ 6 tháng/lần, Ban thường vụ Đảng ủy xã nghe MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội báo cáo về tình hình hoạt động để có những chỉ đạo, uốn nắn kịp thời.
Qua rà soát, đánh giá, đã thay đổi các chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã, Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã và đổi 2/4 trưởng ban công tác mặt trận ấp hoạt động chưa tốt. Đồng thời, củng cố 6/6 ấp.
“Đến nay, hệ thống MTTQ và các đoàn thể từ xã đến ấp được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên, được hội cấp trên đánh giá từ khá trở lên”- đồng chí Lê Văn Mách cho biết.
Đổi mới và nâng chất hoạt động
Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể đã được đổi mới và đẩy mạnh hướng về cơ sở. |
Đảng ủy xã Tân Bình còn chỉ đạo MTTQ và mỗi đoàn thể xây dựng 1 mô hình kinh tế có hiệu quả để nhân rộng; đồng thời sâu sát với cơ sở, chỉ dẫn tận tình theo hướng “cầm tay chỉ việc”, đặc biệt là quan tâm những nơi hoạt động yếu.
Qua đó, đã xây dựng được nhiều mô hình có hiệu quả như cửa hàng 2.000đ gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo; góp vốn mua BHYT của Hội Phụ nữ; mô hình trồng rau trong nhà lưới của Hội Nông dân, đến nay đã phát triển ra 15ha, thu nhập 300- 400 triệu đồng/ha/năm…
Theo đồng chí Lê Văn Mách, Đảng ủy xã cũng thường xuyên chỉ đạo công tác phối hợp giữa MTTQ với UBND, HĐND và các ngành trong tuyên truyền vận động nhân dân trong thực hiện các phong trào, nổi bật nhất là trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhân dân đã đóng góp trên 6,5 tỷ đồng, hiến 16.300m2 đất và trên 5.117 ngày công lao động, góp phần đưa xã Tân Bình đạt chuẩn NTM vào năm 2015; đồng thời phấn đấu đến năm 2021 sẽ về đích NTM nâng cao.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh- Lê Quang Đạo cho rằng, qua 10 năm thực hiện Kết luận 62, MTTQ, đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trong tỉnh đã hoạt động khá linh hoạt, hướng mạnh về cơ sở, khắc phục dần tình trạng hành chính hóa, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, hiến đất, hoa màu để xây dựng NTM, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, quan tâm giải quyết hài hòa các lợi ích của nhân dân theo phương thức “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Từ đó, nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, vật chất, tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế- xã hội của địa phương.
Ông Võ Văn Thiện- Trưởng Ban công tác phía Nam- cho rằng, các chủ trương, giải pháp trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội được Tỉnh ủy Vĩnh Long lãnh đạo ban hành ngày càng phong phú, hoàn chỉnh, đi sâu từng lĩnh vực, từng đối tượng nhằm vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.
Các cấp ủy Đảng cũng đã làm tốt công tác nâng cao chất lượng định hướng hoạt động đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội, nhất là về chính trị, tư tưởng; nội dung và phương thức hoạt động; tổ chức và cán bộ…
Ông Võ Văn Thiện cũng đề nghị, thời gian tới tỉnh Vĩnh Long cần có kế hoạch và tập trung chỉ đạo công tác phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, định hướng cụ thể cho MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trong phát động các phong trào thi đua yêu nước-nhất là trong xây dựng NTM và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh ở cơ sở.
10 năm qua (2010- 2020), toàn tỉnh đã phát triển mới 143.131 quần chúng vào tổ chức đoàn thể, nâng tổng số đến nay có 781.014 đoàn viên, hội viên, chiếm 82,54% so độ tuổi quản lý. MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 109.990 lao động nông thôn, trong đó 80% đoàn viên, hội viên có việc làm sau đào tạo. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin