Quốc hội đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ

03:03, 23/03/2020

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.

Sáng 23/3, Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã khai mạc tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên họp thứ 43 của Ủy ban TVQH đã bị chậm 2 tuần với lý do tập trung cho việc phòng chống dịch COVID-19.

Tại phiên họp này, Ủy ban TVQH nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo nhanh về công tác phòng chống dịch COVID-19.  

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ vừa tập trung “Chống dịch như chống giặc”, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

“Ủy ban TVQH rất chia sẻ với Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành trong những khó khăn của dịch bệnh hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nói.  

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua Ủy ban TVQH tuy có họp chậm 2 tuần nhưng sự điều phối, chỉ đạo của Quốc hội vẫn thường xuyên liên tục; ứng dụng công nghệ thông tin để làm tốt công tác liên hệ với các bộ, ngành, lấy các ý kiến; các Ủy ban trong Ủy ban TVQH đã tiếp thu, hoàn thiện trong việc xây dựng các dự án Luật, chuẩn bị trình ra kỳ họp Quốc hội trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID - 19 báo cáo với Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID - 19 báo cáo với Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Báo cáo tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết: Ngay từ đầu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm rất cao do có đường biên giới và giao lưu, giao thương rất nhộn nhịp với Trung Quốc.

Ở giai đoạn sau, do độ mở nền kinh tế lớn và quan hệ họp tác rất sâu rộng kể cả với các nước, khu vực được coi là ổ dịch mới như Hàn Quôc, EU nên nguy cơ vẫn rất cao. Ngày 23/1/2020 (tức ngày 29 Tết) Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 121/CĐ-TTg và liên tiếp các ngày 28, 30/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, Chỉ thị số 06/CT-TTg, trong đó quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch được thành lập.

Ngày 30/1/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn số 79-CV/TW, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương vào cuộc, xác định phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, căn cứ theo tình hình dịch, chúng ta đã thực hiện các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh như: Từng bước điều chỉnh chính sách thị thực nhập cảnh đối với các nhóm đối tượng đến từ các nước, khu vực; điều tiết, hạn chế hàng không; thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với khách nhập cảnh; vận động, khuyến cáo người Việt Nam hạn chế ra nước ngoài, về nước...

Trong giai đoạn 1, bằng cách kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh, thực hiện cách ly tập trung, đã sàng lọc, phát hiện sớm và thực hiện cách ly, điều trị kịp thời.

Bước sang giai đoạn 2, việc phát hiện sớm khó khăn hơn nhiều và phải sử dụng tổng hợp các biện pháp, cơ chế, công nghệ để theo vết, xác định được vị trí của những người bệnh nhân đã tiếp xúc để thực hiện cách ly, xét nghiệm.

Thực hiện 4 vòng cách ly và các hình thức cách ly tập trung, cách ly tại cơ sở y tế, tại nơi làm việc, cơ sở lưu trú và tại gia đình.

Quân đội chịu trách nhiệm tổ chức cách ly tập trung (hiện các cơ sở cách ly của quân đội quản lý có khả năng tiếp nhận cách ly khoảng 60.000 người và đang rà soát bổ sung thêm). Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể đối với từng hình thức cách ly. Tiến hành khoanh vùng cách ly, tiêu độc khử trùng ở những địa bàn có người nhiễm bệnh.

Thực hiện khoanh vùng ở quy mô xã, đoạn phố, chung cư. Bộ Y tế phối hợp với các địa phương, qua thực tiễn từng bước rút kinh nghiệm hoàn thiện các phương án khoanh vùng dập dịch đảm bảo đủ an toàn, song không gây lãng phí nguồn lực và tránh hoang mang cho cộng đồng.

Ngành Y tế (bao gồm cả quân y và y tế công an) đã lên phương án, kế hoạch phân tuyến điều trị trên tinh thần phân tán, không tập trung bệnh nhân vào tuyến trên; sử dụng công nghệ thông tin và các đội ứng phó nhanh để hỗ trợ tuyến dưới. Thường xuyên hội chẩn, hoàn thiện phác đồ điều trị.

Thực hiện kết hợp điều trị bệnh với động viên tinh thần, chăm sóc toàn diện người bệnh. Đến nay, chưa có tử vong và lây nhiễm từ người bệnh sang y bác sĩ điều trị.

Đã tập trung nghiên cứu, phân lập và nuôi cấy thành công chủng virus COVID-19 (Việt Nam là nước thứ tư sau Trung Quốc, Nhật Bản và Australia thực hiện được việc này).

Sản xuất đưa vào sử dụng bộ kít phát hiện vi rút COVID-19 theo tiêu chuẩn của WHO. Huy động các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng phục vụ việc hướng dẫn phòng bệnh, thông tin về người có nguy cơ lây nhiễm cần được cách ly, hỗ trợ công tác ngăn chặn, phát hiện và công tác khám chữa bệnh...

“Nhờ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Giai đoạn đầu được đánh giá là thành công (16 ca nhiễm có nguồn gốc từ Trung Quốc và 1 ca từ Hàn Quốc đều đã được chữa khỏi) trong khi nhiều dự báo cho rằng Việt Nam sẽ có hàng ngàn ca nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong tương đương như Trung Quốc. Kinh nghiệm của Việt Nam đã được WHO ghi nhận và khuyến cáo cho các nước.

Bước sang giai đoạn 2 (khi dịch bắt đầu lan sang châu Âu với tâm điểm là vùng Lombardy của Ý), các chuyên gia cũng đưa ra dự báo dù Việt Nam đã có kinh nghiệm ở giai đoạn trước, nhưng vẫn có thể có hàng nghìn người mắc bệnh…

Đến ngày 22/3, cả nước đã có 113 ca nhiễm, 17 ca khỏi, 10 ca âm tính 1 và lần 2 lần, có 4 ca nặng. Trong số những ca mắc bệnh, điều đáng nói là gần đây có tới 39 ca khi mắc dịch được cách ly ngay từ khi nhập cảnh về và tới đây sẽ còn nhiều trường hợp tương tự.

Có ngày có thể có vài chục ca được công bố mắc dịch, nhưng những ca đó đã được quản lý ở khu cách ly tập trung, không đáng lo ngại. Nhưng nếu ca ở trong cộng đồng thì mới là điều đáng lo ngại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình hiện nay đã có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần có giải pháp cụ thể phù hợp: Kể từ ngày 20/3 khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã từng bước thực hiện cơ bản kiểm soát chặt chẽ thị thực, quy định cách ly đối với người nhập cảnh từ tất cả các nước, việc kiểm soát bệnh thâm nhập từ bên ngoài bớt khó khăn hơn.

Tuy nhiên, đã có trên 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam (gần 100.000 người từ Hoa Kỳ và châu Âu). Mặt khác, tới đây vẫn sẽ còn một lượng đáng kể người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và phục vụ các yêu cầu từ phía Việt Nam (như các chuyên gia, cán bộ quản lý dự án, doanh nghiệp), cần có hình thức, quy định cách ly phù hợp đảm bảo không lây nhiễm.

Do dịch bệnh đã thâm nhập vào bên trong, nên việc phát hiện, cách ly các trường hợp nghi nhiễm còn rất khó khăn, nhất là trong trường hợp không thể truy ra nguồn lây trực tiếp (người nhiễm bệnh chưa đi ra nước ngoài, không biết mình có tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay không).

Do tình hình dịch và kể cả chính sách với người nước ngoài của các nước châu Âu, Hoa Kỳ khác với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nên mặc dù đã chủ động tuyên truyền để người Việt Nam hạn chế tối đa về nước, nhưng nếu trong nước kiểm soát tốt dịch bệnh thì sẽ có rất nhiều người Việt Nam muốn về nước.

Trong số đó, không ít người có thể đã nhiễm bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây quá tải các cơ sở cách ly và năng lực điều trị.  

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài các giải pháp như đã thực hiện ở giai đoạn trước đây, cần phải tăng cường, chú trọng hơn các nhóm giải pháp sau: Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng.

Việc tăng cường năng lực xét nghiệm là rất cấp bách. Hiện ta đã chủ động được kit thử nhưng số lượng phòng xét nghiệm, máy móc, chuyên gia xét nghiệm còn rất ít so với các nước phát triến và so với yêu cầu (Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Quốc phòng khẩn trương trang bị thêm 30 phòng xét nghiệm di động và tập huấn cán bộ phục vụ công tác xét nghiệm).

Tăng cường trách nhiệm của chính quyền, y tế cơ sở trong việc tiếp cận, tuyên truyền, hướng dẫn phân nhóm người dân thực hiện các biện pháp tự phòng dịch và chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt chú ý nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật..., để có sự hỗ trợ y tế cần thiết tại chỗ.

Đảm bảo cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị cho tình huống nhiều người phải được cách ly (tập trung, tại gia đình) nhiều người mắc bệnh để thực hiện cách ly, điều trị hiệu quả, giảm tối thiểu tỷ lệ tử vong do nhiễm bệnh, đồng thời vẫn phải đảm bảo điều trị đối với các bệnh nhân khác.

Chủ động chuẩn bị, thúc đẩy các giải pháp phù hợp trong trường hợp bệnh dịch trên thế giới kéo dài nhằm phát triển sản xuất kinh doanh và đảm bảo các dịch vụ liên quan nhiều tới người dân như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội.

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để người dân chủ động tham gia chống dịch, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt lành mạnh trong điều kiện có dịch.

Tăng cường tuyên truyền để khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân với cộng đồng, với đất nước; đấu tranh chống lại các tin độc, tin xấu, các thế lực lợi dụng chống phá.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng, hạn chế tối thiểu người tử vong”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Ghi nhận về công tác phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Thời gian qua, Quốc hội luôn theo dõi sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các hoạt động của Chính phủ trong việc phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời thăm hỏi thân thiết tới những cán bộ y tế, các y bác sĩ ở tuyến đầu; những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và các lực lượng khác đang ngày đêm quyết liệt ngăn chặn, phòng chống dịch.

“Tôi đánh giá cao hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ đã phải rời doanh trại để ngủ bạt, ngủ rừng để nhường chỗ cho những người dân về cách ly”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Theo Viết Tôn/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh