"Vinh quang thay, 70 năm đời tôi có Đảng!"

05:02, 02/02/2020

"Sự trùng hợp ngẫu nhiên, như định mệnh hạnh phúc khi tôi được sinh ra vào năm Canh Ngọ- 1930, cũng là năm Đảng ta được thành lập. Rồi tròn 90 năm sau, ngày hôm nay tôi nhận được niềm vinh dự lớn lao đó là Huy hiệu 70 năm tuổi đảng. 

“Sự trùng hợp ngẫu nhiên, như định mệnh hạnh phúc khi tôi được sinh ra vào năm Canh Ngọ- 1930, cũng là năm Đảng ta được thành lập. Rồi tròn 90 năm sau, ngày hôm nay tôi nhận được niềm vinh dự lớn lao đó là Huy hiệu 70 năm tuổi đảng.

Rưng rưng niềm xúc động vô bờ bến, tôi chỉ có thể thốt lên rằng: “Vinh quang thay, 70 năm đời tôi có Đảng!”- bác sĩ (BS) Nguyễn Hồng Trung- nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long- chia sẻ những lời gan ruột, về một sự kiện trọng đại của cuộc đời, cũng là niềm tự hào chung của gia tộc và cháu con.

BS Nguyễn Hồng Trung (thứ 2 từ phải qua) nhận Huy hiệu 70 năm tuổi đảng do Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
BS Nguyễn Hồng Trung (thứ 2 từ phải qua) nhận Huy hiệu 70 năm tuổi đảng do Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chỉ có một con đường theo Đảng

“70 năm, thời gian đủ xóa mờ bao ký ức, nhưng cá nhân tôi đó là cột mốc vô cùng đặc biệt, tôi đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam cũng trong hoàn cảnh khá đặc biệt cùng với biết bao kỷ niệm khó phai”- BS Nguyễn Hồng Trung đón nhận niềm vui lớn lao giữa những ngày đất nước rộn ràng mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý 2020.

90 tuổi đời đã trải qua bao sóng gió, thăng trầm buồn vui, sống trọn vẹn một cuộc đời thanh cao, giữ vững phẩm giá một thầy thuốc cách mạng; BS Nguyễn Hồng Trung khẳng định, nếu như được sống lại cuộc đời thứ hai thì vẫn chỉ có một con đường theo Đảng.

Giải thích lý do đơn giản, BS Nguyễn Hồng Trung cho rằng, bởi khi ấy cả gia đình đều tham gia hoạt động cách mạng, nên 17 tuổi ông cũng đã dắt díu người em út Nguyễn Hồng Phước mới 14 tuổi cũng đi theo con đường mà cha mẹ đã chọn lựa.

Đảng cũng đã nâng bước cho ông những bước đi chập chững đầu tiên, từ những nhận thức đầu tiên giúp một thiếu niên dần “sáng mắt, sáng lòng”, dần trưởng thành để có cơ hội cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho quê hương đất nước.

Truyền thống gia đình cách mạng giúp ông sớm nhận diện được kẻ thù của dân tộc, mà trước hết là lòng căm thù giặc từ hình ảnh tù đày mà cha mẹ phải trải qua.

Cha ông ngày đó là chủ tiệm may Sanh Tồn tại trung tâm chợ Rạch Giá, do theo Đảng hoạt động bán công khai tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin nên đã bị bắt vào năm 1939.

Ông nhớ như in hình ảnh tụi lính kín xông vào tiệm may đòi còng tay cha mình giải lên chiếc xe bít bùng, cha ông bình tĩnh bảo: “Mấy ông khỏi còng, để tự tôi lên xe”.

Ông chủ tiệm may Sanh Tồn bị kêu án 18 tháng, ở tù tại Khám Lớn Sài Gòn và bị đày 5 năm biệt xứ, toàn bộ gia sản bị tịch thu.

BS Nguyễn Hồng Trung nhớ lại những tháng ngày gia đình bắt đầu lâm vào hoàn cảnh khốn đốn khó khăn: “Mẹ tôi mới dắt 4 đứa con quay về quê ngoại Vĩnh Long, vừa may mướn nuôi con, vừa tiếp tục hoạt động cách mạng.

Cho đến cuộc bạo loạn ở cù lao Tân Phong (Cai Lậy- Tiền Giang), bà bị bắt đày đi Bà Rá (Bình Phước) 2 năm”. Vậy là mấy anh chị em bơ vơ giữa thời buổi khó khăn loạn lạc, tự đùm bọc nhau mà sống qua ngày, vì sợ nương tựa người thân gây liên lụy, bởi bị ghép tội là “gia đình cộng sản”.

Những năm 1941- 1942, cha mẹ ông lần lượt được ra tù nhưng bị đưa về quản thúc ở Sóc Trăng, gia đình đoàn tụ được hơn năm thì cha ông lại rời nhà ra đi hoạt động bí mật tận Cà Mau.

Nhắc đến mảnh đất đầy duyên nợ Cà Mau, BS Nguyễn Hồng Trung coi đây như là quê hương thứ hai của mình. Cũng chính nơi đây, tròn 70 năm trước ông đã đọc lời tuyên thệ quan trọng nhất cuộc đời mình, để từ đó được vinh dự đứng vào hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”

Những ngày đầu tham gia cách mạng, BS Nguyễn Hồng Trung khi ấy là Phó ban Văn thư, cũng là cứu thương ở Quân y vụ Khu 7 (miền Đông Nam Bộ) với tuổi 19 hăm hở nhiệt huyết phục vụ kháng chiến, được cử đi học bổ túc văn hóa khóa I ở Trường Trung học bình dân Nguyễn Công Mỹ.

Một cuộc “hành quân” về Khu 9 miền Tây, ròng rã 2 tháng trời từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1950 mới tới điểm tập kết. Đó là quãng đường “sanh tử” trải qua các trạm liên lạc, lúc cuốc bộ, khi ngồi thuyền là đường dây trải đầy đạn bom, máu lửa, cận kề cái chết.

BS Nguyễn Hồng Trung nhớ lại, đến Rạch Chệt- Cà Mau đêm đầu tiên nghỉ lại nhà một nông dân chờ ngày khai giảng, lại xảy ra một sự kiện khó quên trở thành kỷ niệm đẹp trong nghề thuốc của mình.

Ngay trong đêm, người con dâu chủ nhà trở dạ, giữa cảnh thôn quê không biết làm sao có thể kịp qua sông Trèm Trẹm đến đầu kinh Sáu Rẫy mới có nhà bảo sanh, để “vượt cạn” an toàn.

Vậy là “anh lính cứu thương” Nguyễn Hồng Trung tự mình đỡ đẻ cho sản phụ, cho đến khi tiếng trẻ con cất lên cũng là lúc cả gia đình vỡ òa niềm vui mừng hạnh phúc “mẹ tròn, con vuông”.

Ông được chủ nhà nhận là người con kết nghĩa và trao cho vinh dự đặt tên cho đứa bé. Đứa bé sơ sinh được đặt tên Phan Minh Thắng, như gửi gắm niềm tin quyết thắng của vùng đất cách mạng U Minh.

Với BS Nguyễn Hồng Trung, vùng đất Cà Mau có biết bao nhiêu chuyện để mà nhớ thương đã trở thành những dấu ấn khắc sâu trong tâm khảm, để rồi 70 năm trôi qua vẫn ngỡ như vừa mới ngày nào.

Nhớ từng gương mặt, nhớ từng người thầy, từng đồng chí, đồng đội dưới mái trường Nguyễn Công Mỹ thân thương.

Làm sao quên được thầy Võ Anh Tuấn- nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ và ngôi trường mở ra tại vùng căn cứ kháng chiến Rạch Chệt (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau)- nơi hội tụ những đảng viên, cán bộ trẻ cốt cán của các cơ quan dân chính đảng, lực lượng võ trang trong toàn miền cùng về đây học tập.

Cùng với việc học văn hóa là nâng cao hiểu biết cơ bản về chính trị, kinh tế… theo kiểu cần gì học đó, thiết thực, hiệu quả và nhanh nhất.

148 học viên khóa I của Trường Trung học bình dân Nguyễn Công Mỹ, được tổ chức theo hình thức quân sự hóa, biên chế thành đại đội có 2 trung đội.

Một niềm vinh dự lớn lao là học viên Nguyễn Hồng Trung đã được kết nạp vào Đảng ngay trước khi lớp học bế giảng. Đó là thành tích nỗ lực vừa học tập kiêm y tá của trường, chăm lo sức khỏe của cán bộ lãnh đạo và học viên trường, đồng thời góp phần điều trị các bệnh thông thường cho người dân xung quanh vùng kinh Rạch Chệt- U Minh.

Ngày 2/7/1950, thầy giáo Nguyễn Văn An- Bí thư chi bộ nhà trường- đứng ra tuyên bố kết nạp Đảng cho 3 học viên: Nguyễn Thế Tân, Nguyễn Công Trừng (đặc khu Sài Gòn- Chợ Lớn) và Nguyễn Hồng Trung (Quân y vụ Khu 7). 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Hồng Trung ngày ấy được đứng vào hàng ngũ Đảng.

Và những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, BS Nguyễn Hồng Trung- cây đại thụ của ngành y tế Vĩnh Long- được nhận một niềm vinh dự lớn lao của cuộc đời mình là Huy hiệu 70 năm tuổi đảng. Ông có cơ hội chia sẻ những tâm tình gan ruột qua mấy vần thơ ngắn gọn mà xúc động, đầy đặn xiết bao ý nghĩa để lại cho thế hệ trẻ sau này:

“Bảy mươi tuổi đảng vẫn chưa già

Như những cành hồng đang trổ hoa

Hãy vững trái tim người Cộng sản

Cảm ơn bầu bạn khắp gần xa!

Sẻ chia thử thách đi qua

Đời đời ơn Bác: “Cho ta tấm lòng

Cho ta ngày hội non sông

Đất nước anh hùng mừng Đảng- mừng Xuân!”

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh