Nhiều lãnh đạo quản lý hiện nay lo lắng việc tinh giản biên chế, nhưng lại không tuyển dụng được người tài sẽ để lại hệ lụy cho hệ thống sau này.
Nhiều lãnh đạo quản lý hiện nay lo lắng việc tinh giản biên chế, nhưng lại không tuyển dụng được người tài sẽ để lại hệ lụy cho hệ thống sau này.
Ngày 1/1/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
Một nhiệm vụ được chính phủ nêu ra là năm 2020 phải tinh giản 2% biên chế công chức; Tinh giản 2,5% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; Nâng tỷ lệ giáo viên mần non, tiểu học, trung học phổ thông, trung học cơ sở đạt chuẩn trình độ đào tạo theo trình độ mới.
Tinh giản biên chế cần tính đến đội ngũ kế cận sau này (Ảnh minh họa) |
Câu chuyện tinh giản biên chế chưa bao giờ hết nóng, bởi nó liên quan đến cuộc sống, thu nhập, sinh mạng chính trị của rất nhiều người và rộng hơn là ảnh hưởng đến sự an nguy của nền tài chính quốc gia. Bởi, rất nhiều năm qua, việc chi ngân sách Nhà nước cho bộ máy, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn trong khi bộ máy hoạt động lại không hiệu quả nên đã trở thành một lực cản lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, việc tinh giản biên chế vẫn dựa chủ yếu vào việc đánh giá năng lực hoàn thành công việc của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, tình trạng nể nang, chưa mạnh dạn đánh giá đúng chất lượng thật sự của đội ngũ công chức, viên chức vẫn còn phổ biến nên trong xếp loại hàng năm, hầu hết cán bộ, công chức hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, rất ít người không hoàn thành nhiệm vụ. Thực trạng này khiến cho công cuộc tinh giản biên chế mãi rơi vào vòng luẩn quẩn, không loại được những người yếu kém ra khỏi hệ thống, bộ máy cồng kềnh vẫn cứ cồng kềnh.
Một thực tế là do đặc điểm vị trí việc làm, thực trạng biên chế, nhiệm vụ ở mỗi đơn vị, địa phương khác nhau nhưng việc giao chỉ tiêu tinh giản biên chế lại mang tính cào bằng. Điều này khiến nhiều ngành như y tế, giáo dục khó thực hiện việc tinh giản và tuyển mới.
Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý hiện nay chính là tìm đội ngũ kế cận sau 10-15 năm nữa. Trước đây, chúng ta đã có thời kỳ "đóng cửa" biên chế dẫn đến bị "hẫng" cả một thế hệ, không tìm được người để bồi dưỡng, bổ nhiệm. Câu chuyện này nếu hiện nay việc tinh giản biên chế làm không khéo lại rất có thể lặp lại.
Để thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế nhiều đơn vị còn không áp dụng nguyên tắc “ra 2 vào 1”, nghĩa là tinh giản được 2 nhân sự thì sẽ được tuyển mới 1 nhân sự.
Hoặc nếu vẫn thực hiện nguyên tắc "ra 2 vào 1" thì việc tuyển dụng cũng phải thay đổi theo hướng minh bạch, khắt khe hơn. Các đơn vị khi tuyển dụng nhân sự mới phải hết sức cân nhắc, kỹ lưỡng, không vị nể, thân quen mà phải căn cứ vào năng lực chuyên môn, chất lượng nhân sự.
Thế nhưng thực tế hiện nay trong cách tuyển dụng vẫn còn quá nhiều bất cập khiến việc mong đợi có một đội ngũ cán bộ thực sự chất lượng kế thừa sau này là điều khá mơ hồ.
Chưa kể, nhiều đơn vị đã thực hiện nhiều chính sách thu hút trí thức trẻ, sinh viên tài năng… để nâng cao chất lượng cán bộ nhưng sau thời gian được hưởng các chính sách thu hút lại không được xét tuyển biên chế. Hoặc với cơ chế đãi ngộ như hiện nay, nhiều đối tượng giỏi thật sự không muốn ở lại hoặc vào môi trường nhà nước làm việc.
Cơ chế nào để vừa thực hiện thành công tinh giản biên chế vừa đảm bảo việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận thực sự tinh hoa, có năng lực là điều cần phải nghiên cứu, sớm áp dụng./.
Theo An Nhi/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin