Giảm thủ tục hành chính, văn bằng, chứng chỉ trong công tác cán bộ

05:02, 04/02/2020

Theo Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ sẽ trình Chính phủ 5 Nghị định liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý, kỷ luật, công chức, viên chức và cán bộ, người giữ chức danh, đại diện vốn ...

Theo Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ sẽ trình Chính phủ 5 Nghị định liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý, kỷ luật, công chức, viên chức và cán bộ, người giữ chức danh, đại diện vốn ....

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Nguồn: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Nguồn: TTXVN)

Giảm thủ tục hành chính, văn bằng, chứng chỉ trong công tác cán bộ là yêu cầu của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong Kế hoạch vừa được ban hành về xây dựng các nghị định nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật (1/7/2020).

Có 5 nghị định được xây dựng để trình Chính phủ trong tháng 4/2020 và sẽ thay thế các nghị có liên quan đã ban hành trước đó, bao gồm: Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức; Nghị định quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định quy định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng các nghị định phải bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, kỷ luật... đối với cán bộ, công chức, viên chức; kế thừa quy định còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần tích hợp các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thu gọn đầu mối các văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện; giảm thiểu thủ tục hành chính, văn bằng, chứng chỉ; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số.

Đáng lưu ý, đối với hai Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân yêu cầu rà soát và quy định nhằm bảo đảm việc giảm thiểu quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch; rà soát, bổ sung các quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý để bảo đảm phù hợp với quy định mới của Đảng về công tác cán bộ; quy định chi tiết các chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, đối với Nghị định quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân yêu cầu phải rà soát, kết hợp quy trình đánh giá Đảng, đoàn thể, chính quyền để bảo đảm không trùng lắp, giảm thủ tục hành chính; quy định chi tiết tiêu chí các mức phân loại đánh giá cán bộ, công chức, viên chức...

Liên quan đến thủ tục hành chính, văn bằng, chứng chỉ trong công tác cán bộ, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nội vụ đã nhận khuyết điểm trước Quốc hội vì để cho một quyết định được áp dụng hơn 20 năm mà không sửa đổi, để cho thủ tục thi nâng ngạch công chức, xét thăng hạng viên chức rườm rà.

Bộ trưởng Nội vụ cam kết “năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa."

Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận: “Tôi thấy rất phiền hà về việc văn bằng chứng chỉ, không riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, mà quy trình bổ nhiệm là phải có bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện, tôi thấy nhiều quá."

Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ chỉnh sửa trong hướng dẫn về vấn đề thi nâng ngạch, bậc./.

Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh