Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, địa bàn huyện Châu Thành thuộc tỉnh Vĩnh Long (đến 8/1974). Đây còn gọi là vùng đất chữ V, từng là một trong những địa bàn Tỉnh ủy Vĩnh Long "đứng chân" thời kháng chiến. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng sự gắn bó keo sơn, máu thịt giữa Đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh Vĩnh Long- Đồng Tháp, cũng như giữa tỉnh Vĩnh Long với huyện Châu Thành vẫn mãi sâu đậm.
Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long- Nguyễn Ký Ức trao quà tết đến các cán bộ và gia đình nuôi chứa cán bộ Tỉnh ủy trong kháng chiến. |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, địa bàn huyện Châu Thành thuộc tỉnh Vĩnh Long (đến 8/1974). Đây còn gọi là vùng đất chữ V, từng là một trong những địa bàn Tỉnh ủy Vĩnh Long “đứng chân“ thời kháng chiến. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng sự gắn bó keo sơn, máu thịt giữa Đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh Vĩnh Long- Đồng Tháp, cũng như giữa tỉnh Vĩnh Long với huyện Châu Thành vẫn mãi sâu đậm.
Địa bàn trọng điểm
Thời chiến, huyện Châu Thành nằm giữa khu tam giác được hình thành bởi 3 thị xã: Vĩnh Long (phía Đông), Sa Đéc (phía Tây), Cần Thơ (phía Tây Nam) và án ngữ 4 vùng chiến thuật của Mỹ- Ngụy từ phía Bắc. Đây là địa bàn cơ động nhất, là chỗ dựa có ảnh hưởng đến các vùng khác. Vì vậy, đây là mục tiêu nắm giữ trọng điểm giữa ta và địch.
Bên cạnh, các tuyến đường giao thông thủy- bộ quan trọng của khu vực này bao gồm các tuyến cặp sông Nha Mân, sông Cái Tàu, sông Sa Đéc tạo thành khu vực chữ V gồm 4 xã: Hòa Tân, An Khánh, Tân Nhuận Đông và Phú Hựu (huyện Châu Thành).
“Do vị trí, đặc điểm hết sức đặc biệt nên khu vực vùng chữ V luôn là trọng điểm bình định của địch và cũng luôn là trọng điểm chỉ đạo chống phá bình định của khu Tây Nam Bộ và của Tỉnh ủy Vĩnh Long”- đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- cho biết.
Nếu ta đứng vững được khu vực chữ V sẽ chia cắt, uy hiếp 3 tiểu khu của địch gồm: Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ và giành thế chủ động trên chiến trường. Với vị trí quan trọng đó, khu vực vùng chữ V được chọn làm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long, Tỉnh đội, Huyện ủy Châu Thành, công trường Quân y tỉnh và nhiều cơ quan của tỉnh Vĩnh Long đã chọn làm căn cứ để trực tiếp chỉ đạo kháng chiến.
Đồng chí Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long nhớ lại: Suốt 24 năm kiên cường chống Mỹ xâm lược, dù là với chiến lược nào thì vùng chữ V của huyện Châu Thành vẫn là vùng trọng điểm bình định của địch. Chúng đánh phá rất ác liệt nhằm hủy diệt màu xanh trên mặt đất, chúng dùng cả chất độc hóa học, sử dụng máy bay B52- loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa- để ném bom rải thảm tàn phá ghê gớm. Nếu có 1 bóng ghe xuồng thấp thoáng hay có 1 màu xanh nổi lên thì tức khắc có bom đạn của Mỹ ập xuống. Còn bộ binh huyện thì càn đi, quét lại liên tiếp và dữ dội. Thế nhưng Đảng bộ, nhân dân huyện Châu Thành vẫn không lùi bước, sờn lòng. Quân với dân cùng chung ý chí, trên dưới đồng lòng vượt qua bao gian khổ, hy sinh, hiên ngang trước bom đạn của kẻ thù và nói lên tiếng nói đinh thép trước quân giặc: “Đất Châu Thành là của nhân dân Châu Thành, vùng chữ V là do nhân dân chữ V làm chủ”.
Gắn bó máu thịt
“Trong giai đoạn kháng chiến đầy cam go, vùng căn cứ chữ V là chỗ dựa của lực lượng vũ trang tập trung tỉnh, là bàn đạp để tấn công vào TX Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long- PV) thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng”- đồng chí Nguyễn Ký Ức cho biết.
Khi đó, Tỉnh ủy Vĩnh Long luôn bám trụ địa bàn, bám dân, xây dựng cơ sở để chỉ đạo kháng chiến và luôn được nhân dân các xã An Khánh, Phú Hựu, Tân Nhuận Đông, Hòa Tân và thị trấn Cái Tàu Hạ tích cực che chở, bảo vệ. “Điều đó chứng tỏ nhân dân vùng chữ V luôn luôn gắn bó với Đảng, gắn bó với trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tỉnh ủy Vĩnh Long mãi mãi ghi lòng tạc dạ nghĩa tình cao cả của Đảng bộ, quân và dân huyện Châu Thành đối với Tỉnh ủy, đối với sự nghiệp giải phóng Vĩnh Long. Dù đã trải qua nhiều năm, nhưng nghĩa tình càng đọng lại và sâu đậm”- đồng chí Nguyễn Ký Ức nhấn mạnh.
Buổi họp mặt đã gợi nhớ về một thời hoa lửa, đầy gian khổ nhưng cũng lắm hào hùng. |
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, thiếu thốn trăm bề nhưng nhiều gia đình đã tự nguyện đóng góp lương thực, của cải để đùm bọc, chở che, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng, góp phần rất lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc, làm nên vùng đất chữ V anh hùng. “Lịch sử quân và dân huyện Châu Thành nói chung và lịch sử vùng chữ V nói riêng đã viết nên bằng máu, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước”- đồng chí Nguyễn Tấn Lực- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành- nói.
Tại buổi gặp mặt, tri ân các gia đình đã trực tiếp nuôi chứa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Long và lãnh đạo cấp ủy trong kháng chiến, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón đã bày tỏ sự trân trọng, ghi nhớ những đóng góp quý báu về vật chất, tinh thần, thậm chí không ngại hy sinh tính mạng cho sự nghiệp cách mạng của các cán bộ, gia đình. Đồng thời, mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh- nhất là địa bàn giáp ranh- tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó ngày càng bền chặt, cùng nhau phát triển kinh tế- xã hội, phòng chống tội phạm, đảm bảo quốc phòng- an ninh, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long- Đồng Tháp ngày càng giàu đẹp.
Theo Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón, từ tháng 8/1974 đến nay, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Đồng Tháp, nhưng tình cảm gắn bó máu thịt vẫn hiện hữu sâu sắc trong ký ức của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ 2 tỉnh Vĩnh Long- Đồng Tháp. Sau ngày giải phóng, đã có nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên quê hương Châu Thành về công tác tại Vĩnh Long. Các đồng chí đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển tỉnh Vĩnh Long, trong đó có nhiều cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân huyện Châu Thành mà còn là niềm vui chung của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành- Nguyễn Tấn Lực Tuy chỉ có mấy mươi phút gặp gỡ nhưng đây là dịp để cán bộ cách mạng, gia đình nuôi giấu cách mạng kể về thời kỳ kháng chiến đầy hoa lửa, những khó khăn, cam go, nguy hiểm và cũng nhiều hy sinh để mang về độc lập cho dân tộc; từ đó truyền nhiệt huyết, trao tâm niệm cho thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng của thế hệ đi trước. Tôi mong thời gian tới, Tỉnh ủy Vĩnh Long tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chia sẻ nhiều hơn nữa với huyện Châu Thành trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách và người có công. Tôi cũng mong bà con vùng căn cứ chữ V tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và giáo dục con cháu phấn đấu học tập, góp sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Ông Lê Côn Tòng- nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những gia đình nuôi chứa cách mạng- là điều rất quý. Tôi kiến nghị, duy trì gặp mặt mỗi dịp xuân về để chúng ta cùng ôn lại truyền thống, thăm hỏi sức khỏe, thể hiện tình đoàn kết. Tôi cũng mong các hộ gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, là nòng cốt, là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Văn Thành (xã An Khánh) Tôi rất xúc động khi dự buổi họp mặt và cùng nhau nhắc lại thời kỳ chống Mỹ đã qua. Tôi cũng rất tâm đắc khi hàng năm Tỉnh ủy Vĩnh Long đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi gia đình nuôi chứa cách mạng. Với ý nghĩa đó, bà con huyện Châu Thành rất tha thiết quê hương Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Hoàng Liệt (xã Hòa Tân) Buổi gặp mặt này rất ý nghĩa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây”. Thời kháng chiến chống Mỹ, xã Hòa Tân là địa bàn rất ác liệt, nhưng bà con chúng tôi không sợ hy sinh, không sợ tù đày, vẫn nuôi chứa, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ để có cuộc sống tốt đẹp như hôm nay. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin