Mùa xuân tìm hiểu địa chỉ đỏ

06:01, 23/01/2020

Cách đây 90 năm, đất nước ta đắm chìm trong nô lệ của thực dân Pháp. Những người yêu nước đứng lên chống lại bị kẻ thù bắt bớ, bắn giết, tù đày. Ai theo đường lối cách mạng, địch cho là theo cộng sản thì bị chúng thẳng tay đàn áp. Thế nhưng, càng áp bức, ngọn lửa đấu tranh ngày càng bùng cháy.

Cách đây 90 năm, đất nước ta đắm chìm trong nô lệ của thực dân Pháp. Những người yêu nước đứng lên chống lại bị kẻ thù bắt bớ, bắn giết, tù đày. Ai theo đường lối cách mạng, địch cho là theo cộng sản thì bị chúng thẳng tay đàn áp. Thế nhưng, càng áp bức, ngọn lửa đấu tranh ngày càng bùng cháy.

Bác Hồ gặp mặt thân mật đồng chí Nguyễn Văn Côn - Kỳ ủy viên, người truyền bá cách mạng vô sản vào Vĩnh Long thông qua cầu nối Nguyễn Văn Thiệt - người đảng viên, Bí thư chi bộ đầu tiên tỉnh Vĩnh Long (hàng đầu từ trái sang: Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Văn Côn và Nguyễn Văn Thiệt, ảnh chụp năm 1960).
Bác Hồ gặp mặt thân mật đồng chí Nguyễn Văn Côn - Kỳ ủy viên, người truyền bá cách mạng vô sản vào Vĩnh Long thông qua cầu nối Nguyễn Văn Thiệt - người đảng viên, Bí thư chi bộ đầu tiên tỉnh Vĩnh Long (hàng đầu từ trái sang: Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Văn Côn và Nguyễn Văn Thiệt, ảnh chụp năm 1960).

Người đảng viên đầu tiên

Nguyễn Văn Thiệt sinh năm 1909 ở xã Long An (nay là thị trấn Long Hồ- Vĩnh Long) trong một gia đình nông dân khá giả, đông anh em. Cha ông là người rất quan tâm đến việc học hành của các con, có chức việc trong làng.

Thuở nhỏ học ở trường làng, trường tỉnh, sau đó học Trường Trung học Huỳnh Khương Ninh Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệt kết thân với 2 người bạn là Nguyễn Văn Đại(1) và Châu Văn Ký(2).

Từng tham gia phong trào biểu tình đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn đòi bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh, chống bắt học sinh, sinh viên vô cớ, Nguyễn Văn Thiệt bị địch truy lùng buộc phải nghỉ học về quê.

Tháng 6/1927, Kỳ hội Nam Kỳ cử Nguyễn Văn Côn- Ủy viên BCH Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ về Vĩnh Long gây dựng cơ sở.

Tiếp xúc đầu tiên với thanh niên Nguyễn Văn Thiệt vốn có tinh thần yêu nước. Qua trao đổi tôn chỉ, mục đích, nội dung và quan điểm lập trường cách mạng của tổ chức, Nguyễn Văn Thiệt phấn khởi tán thành và còn giới thiệu thêm 2 người bạn là Nguyễn Văn Đại và Châu Văn Ký tham gia tổ chức.

Buổi lễ kết nạp 3 người vào tổ chức diễn ra tại chùa Huệ Đường (tức chùa Phật phái Minh Sư)- ngôi chùa nhỏ, hoang vắng, ít người lui tới (tại Khóm 5, Phường 2- TP Vĩnh Long ngày nay).

Trụ trì chùa là nhà sư Đinh Đạo Ninh (quê ở Gò Công) là người từng tham gia tổ chức yêu nước và là thầy của ông Nguyễn Văn Côn nên mọi quan hệ đều được thuận lợi(3).

Đồng chí Nguyễn Văn Côn chủ trì buổi lễ. Trong không khí trang nghiêm, trước lá cờ búa liềm của giai cấp vô sản quang vinh, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt đưa thẳng cánh tay phải lên cao tuyên thệ với giọng khẳng khái: “Tuyệt đối một lòng trung thành với tổ chức giai cấp vô sản, dù khó khăn gian khổ quyết đấu tranh không lùi bước, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…

Tuyệt đối giữ gìn bí mật, giữ gìn khí tiết, rủi khi sa vào tay giặc không khai báo, sẵn sàng hy sinh dưới lá cờ thiêng liêng của cách mạng vô sản”…

Lễ kết nạp lần lượt từng người một. Sau cùng, đồng chí Nguyễn Văn Côn thay mặt Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam Kỳ dặn dò 3 đồng chí Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Văn Đại và Châu Văn Ký phấn đấu không ngừng, ra sức học tập, công tác, giữ gìn bí mật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mới của cách mạng đề ra.

Chi bộ đầu tiên Ngã tư Long Hồ

Được kết nạp vào hội không lâu, các đồng chí Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Văn Đại và Châu Văn Ký được cử lên Sài Gòn học khóa huấn luyện bồi dưỡng những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng vô sản và phương pháp công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Đầu năm 1928, kết nạp thêm 2 hội viên mới là Nguyễn Trí- thợ chạm ở làng Tân Giai và Nguyễn Hữu Đức (Đức râu)- dân lao động ở tỉnh lỵ Vĩnh Long.

Đồng chí Châu Văn Ký được rút về công tác ở quận Nhà Bè (Sài Gòn) để hòa nhập vận động công nhân lao động quận.

Các hội viên còn lại thành lập “Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long, tên thường gọi là “Chi bộ Ngã tư Long Hồ”(4).

Tháng 7/1929, BCH Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Nam Kỳ tiến hành đại hội lần cuối và công bố giải thể, chuyển tổ chức này thành An Nam Cộng sản Đảng. BCH lâm thời Trung ương An Nam Cộng sản Đảng được thành lập, do đồng chí Châu Văn Liêm làm bí thư.

Để kiện toàn bộ máy tổ chức, tháng 8/1929, đồng chí Châu Văn Liêm đến Vĩnh Long kết nạp lại các đồng chí Hội Việt Nam thanh niên vào An Nam Cộng sản Đảng và thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở Vĩnh Long do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư.

Từ Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Ngã tư Long Hồ là chi bộ đầu tiên ở Vĩnh Long và cả địa bàn vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đối với phong trào cách mạng vô sản thời bấy giờ.

Ngày 3/2/1930, Trung ương Đảng nhập 3 đảng cộng sản(5), thành lập BCH Đảng Cộng sản Việt Nam để thống nhất quản lý và chỉ đạo. Theo đó, thành lập Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Châu Văn Liêm làm ủy viên…

Cuối tháng 3/1930, đồng chí Châu Văn Liêm- Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ- đến Vĩnh Long tổ chức hội nghị tại Long Hồ, triển khai công tác tổ chức và nhân sự, chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Vĩnh Long thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy, hiện hữu Vĩnh Long có 5 chi bộ là Chi bộ Ngã tư Long Hồ, Chi bộ Vũng Liêm, Chi bộ Ba Chùa, Chi bộ Cái Ngang và Chi bộ La Ghì.

Tập trung chuẩn bị gấp rút thành lập BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long phải có điều kiện cần thiết số lượng chi bộ và số lượng đảng viên theo quy định; các chi bộ và đảng viên quán triệt nhiệm vụ ra sức tuyên truyền vận động phong trào quần chúng tích cực đẩy mạnh đấu tranh chống kẻ thù, trên cơ sở đó sàng lọc phát triển đảng viên mới và chi bộ mới. Để góp phần tuyên truyền, dịp này xuất bản tờ báo Lao Khổ- cơ quan ngôn luận của Đảng- do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm chủ bút.

“Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3/2/1930)” và “Mỗi chi bộ, mỗi đảng viên phấn đấu để thành lập Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long!” Đó là khẩu hiệu hành động thiết thực cổ vũ mọi người xông tới!

(1) Tức Nguyễn Văn Đức, tên thật Tống Hữu Thành.

(2) Châu Văn Ký- thư ký Kho bạc, làm việc ở Sài Gòn.

(3) Theo Nguyễn Văn Côn và chi bộ đầu tiên ở Vĩnh Long của TS. Nguyễn Phúc Nghiệp (Tiền Giang).

(4) Chi bộ Ngã tư Long Hồ là chi bộ có nhiều đảng viên và kết nạp nhiều đảng viên mới như: Phạm Đoài, Phan Văn Đại, Nguyễn Chánh Nhì…

(5) Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

NGUYỄN LONG HỒ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh